(Xuân Canh Tý) - Đại tá Đoàn Văn Danh quê Quế Bình, Hiệp Đức là người khá nổi tiếng, có hai con trai đều là cán bộ cao cấp của Quân khu 5. Cùng với điều tự hào đó, niềm kiêu hãnh của ông chính là những năm tháng trong quân ngũ, đặc biệt là trận cắm cờ trên nóc sở chỉ huy Trung đoàn 6 của địch năm 1968.
Cuộc chiến sinh tử
Ở tuổi 75, Đại tá Đoàn Văn Danh (ở tại phường Hòa Cường Bắc, Đà Nẵng) giọng vẫn sang sảng tràn đầy sinh lực khi kể về hành trình ngắn kỷ lục làm hồ sơ đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tiểu đoàn Đặc công 16 - V16 (có thời điểm gọi là Liên đội) mà ông chấp bút và đi lấy nhân chứng. Ông nói: “Chiến công của V16 nhiều lắm, bởi thế mới được anh hùng. Có điều chưa trận nào khốc liệt như Xuân Mậu Thân 1968”.
Cựu chiến binh Đoàn Văn Danh nhớ lại, trong trận đánh này, Liên đội Đặc công 16 nhận nhiệm vụ tiêu diệt 6 vị trí địch ở nội thị Tam Kỳ. Trong đó mũi thọc sâu đánh vào Sở chỉ huy Trung đoàn 6 cùng Sư đoàn bộ binh 2 của ngụy và được lãnh đạo Tỉnh đội giao nhiệm vụ cắm lá cờ Quyết chiến quyết thắng lên sở chỉ huy địch. Đây cũng là bộ phận nổ súng làm hiệu lệnh chung cho cả chiến trường Quảng Nam.
Trục trặc đầu tiên xảy ra khi đêm 30 Tết, đơn vị có lệnh dừng hành động để khớp với giờ tổng tiến công toàn miền. Ngày mùng Một Tết, trên đường hành quân, mũi thọc sâu gồm 18 cán bộ, chiến sĩ bị địch phục kích, 2 người hy sinh.
Xét thấy chưa thể bị lộ, cả đơn vị tiếp tục áp sát mục tiêu. Thời gian hành tiến vì thế cũng bị kéo dài. Mục tiêu có 14 lớp rào mà đơn vị mới cắt được 2. Không thể chờ hiệu lệnh từ V16 được nữa, phía Chu Lai đã nổ súng trước. Địch báo động loạn xạ. Đơn vị lợi dụng tiếng súng nổ nhanh tay phá rào.
4 giờ sáng mùng Hai Tết, Liên đội Đặc công đồng loạt nổ súng đánh chiếm, làm chủ trận địa pháo Mỹ, kho xăng, đạn, hậu cần. Riêng mũi thọc sâu, khi đồng chí Bảng - Đại đội phó đánh quả bộc phá vào lô cốt dọn đường thì cũng là lúc ông Danh cắm lá cờ đỏ sao vàng trên sở chỉ huy Trung đoàn 6 ngụy. Địch phản công, đồng chí Bảng hy sinh tại chỗ, trước khi tắt thở còn hô: “Hồ Chí Minh muôn năm!”.
Đến 11 giờ, địch tăng cường một tiểu đoàn và 3 xe bọc thép, ông Danh động viên các chiến sĩ của mũi thọc sâu ngoan cường chiến đấu cùng toàn đơn vị V16. Đi 91 về chỉ còn 24 cán bộ, chiến sĩ là một thiệt hại lớn cho V16, nhưng địch đã bị ta giáng một trận nặng nề. Chiến công xuất sắc của Liên đội Đặc công 16 đã góp phần “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” trên chiến trường Quảng Nam.
Những hạt giống đỏ
Cuộc đời bôn ba trận mạc, ông Danh ở trong đội hình hơn chục đơn vị khác nhau. Năm 1969, ông được ra Bắc chữa vết thương trong trận Mậu Thân. Chỉ một năm sau ông được biên chế vào Sư đoàn 325C, sau đó đánh Thành cổ Quảng Trị.
Về lại Quảng Nam cuối năm 1973 ông tiếp tục theo các mũi tiến công cho đến ngày giải phóng. Từng hai lần có mặt làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia với cương vị Trưởng ban cán bộ Sư đoàn 315 và Phó phòng cán bộ Mặt trận 579.
Ông về hưu năm 1989, khi mới 44 tuổi do vết thương tái phát khi đang làm Phó Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn 15 - đơn vị làm kinh tế kết hợp với quốc phòng.
Mải mê chinh chiến, gánh nặng gia đình hai trai một gái dồn lên đôi vai bé nhỏ của người vợ hiền xứ Quảng. Quen nhau khi ở trên núi, ông ra Bắc chữa bệnh thì một năm sau vợ ông sinh con trai đầu lòng rồi vượt Trường Sơn bế con ra với chồng. Trong 3 tháng hành quân cũng là lúc cậu con trai 5 lần lên cơn co giật, phải thường xuyên cấp cứu. Vợ ông sinh con trai thứ hai là khi ông đánh trận ở Quảng Trị, máu quân ngũ có lẽ đã thấm đẫm trong các con từ rất sớm như một lẽ tự nhiên.
Ông cười: “Có lẽ mấy đứa thấy cha mình là tấm gương mẫu mực nên noi theo. Dẫu tôi không thường xuyên ở bên nhưng cái uy của người cha luôn hiển hiện trong ngôi nhà. Tôi để các con tự đi trên đôi chân của mình, chưa bao giờ can thiệp con đường binh nghiệp của chúng”.
Các con ông, Đại tá Đoàn Văn Nhất - cậu bé suýt chết trên đường Trường Sơn năm nào nay đã là Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5 sau khi trải qua các cương vị Chính ủy Sư đoàn 2, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum. Con trai thứ hai là Đại tá Đoàn Duy Tân - Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Đà Nẵng. Ông Danh luôn dặn các con phải sống sao cho xứng đáng với thế hệ đi trước. Dù Tiểu đoàn Đặc công 16 nay không còn phiên hiệu nhưng các thành viên của đơn vị năm xưa đang viết tiếp truyền thống anh hùng bằng thế hệ thứ hai như gia đình Đại tá Đoàn Văn Danh.