Nhà dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến: “Chính tưởng tượng chung về tổ tiên đã tạo ra ý thức hệ dân tộc keo sơn”

LÝ ĐỢI (thực hiện) 11/07/2021 06:36

Cuốn “Khai nguyên rồng tiên” (NXB Hội Nhà văn) của Nguyễn Mạnh Tiến có lẽ là tác phẩm biên khảo dân tộc học mới mẻ nhất về huyền thoại rồng tiên, khi đã chỉ ra được đây là di sản tinh thần chung của các dân tộc Việt - Thái - Mường, có nguồn gốc đậm nét ở Đông Nam Á, bên cạnh sự ảnh hưởng từ Trung Quốc và Đông Á.

 

Điểm thú vị và thuyết phục của sách dân tộc học này là vừa không phủ nhận ảnh hưởng từ nền văn minh Hán hóa, nhưng cũng không hoàn toàn vay mượn, lệ thuộc vào Hán hóa.

Bằng cái nhìn nghiên cứu, khảo cứu dân tộc học độc lập, Nguyễn Mạnh Tiến bắt đầu từ văn bản đầu tiên trong bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” (thế kỷ 15) để lần về quá khứ, xâu chuỗi nhiều văn bản truyền miệng với văn hiến, vật thể và tâm thức dân gian mà viết nên “Khai nguyên rồng tiên”.

Tuy là hai vấn đề khác nhau, nhưng có thể nói cuốn sách vừa phát hành là tiếp nối của “Những đỉnh núi du ca - Một lối tìm về cá tính H’Mông” (2014, tái bản nhiều lần), khi cùng nhìn nước Việt từ miền núi.

Quan sát Việt Nam nhìn từ núi

* Tạm xong câu chuyện người H’Mông, giờ ông tiếp tục nhìn nước Việt từ một huyền thoại chung, thông qua tâm thức chính yếu của người Thái và người Mường. Vậy hai quyển biên khảo này có nhiều điểm chung không?

 

- Ông Nguyễn Mạnh Tiến: Có. Hai quyển sách đều chung mô hình quan sát Việt Nam nhìn từ núi. Cuốn “Những đỉnh núi du ca” dựng lên một bức tranh tổng thể về các hệ thống quyền lực miền núi, trong đó, tộc người được quan sát chủ đạo là H’Mông, chủ nhân sức mạnh đỉnh núi.

Còn cuốn “Khai nguyên rồng tiên” thì quan sát về “Đại Việt thế kỷ 15” gắn với sự khai sinh nhà Lê, triều đại phải xử lý mối quan hệ phức tạp với các tập đoàn Thái, Mường và Việt.

Tộc người được chú ý hơn cả trong cuốn này là Thái, cùng với Mường, họ là các chủ nhân quyền lực núi thấp. Thế kỷ 15 có ý nghĩa đặc biệt trong việc tích hợp khối Thái rộng lớn vào lãnh thổ Đại Việt, xuyên suốt từ núi cao (H’Mông) xuống núi thấp, trung du (Thái, Mường) và đồng bằng (Việt).

* Vậy là cả hai cuốn sách đều chú ý tầm quan trọng của miền núi, nơi có đa tộc người sinh sống, gắn liền với số phận quốc gia Việt Nam theo dòng lịch sử. Từ đâu ông chọn lựa được góc nhìn mới mẻ này?

- Ông Nguyễn Mạnh Tiến: Có lẽ do tôi xuất thân miền núi, lại thường đi tới đi lui, thích quan sát và cắt nghĩa này kia. Cái nhìn từ núi càng sáng rõ bao nhiêu thì càng khiến cho tính chất Đông Nam Á của Việt Nam được biểu hiện sinh động bấy nhiêu, nó cho phép giữ khoảng cách với chứng tự si Việt tâm luận, thích lấy người Kinh/Việt làm chủ thể quan sát Việt Nam. Cũng như tránh được lối quan sát đã thành nếp tư duy, khi chỉ xem văn minh Việt Nam như là một “sản phẩm” của Hán hóa.

Vua Lê Thánh Tông sai soạn “Đại Việt sử ký toàn thư”, quyết định đưa vào kỷ Hồng Bàng sách chính sử, chỉ rõ nguồn gốc dân tộc ta là cha rồng mẹ tiên. Quán tính quan sát Việt Nam như một mô hình chỉ thuộc Đông Á, ảnh hưởng văn minh Trung Hoa dễ đồng quy huyền thoại rồng tiên như sản phẩm văn hóa Hán hóa.

Cuốn “Khai nguyên rồng tiên” sẽ chỉ rõ cho thấy vương triều Lê bản chất là được khai sinh bởi tập đoàn quyền lực Mường, Thái liên kết với Việt. Và mâu thuẫn Việt - vốn có ảnh hưởng ít nhiều của Hán hóa - với miền núi, thông qua các tập đoàn Mường, Thái - vốn có gốc Đông Nam Á - là rất gay gắt, đòi hỏi nhà Lê phải có được sự điều hòa.

Sự điều hòa đã đến đầu tiên trong tâm tưởng, sự tưởng tượng, khi chỉ ra nguồn cội tổ tiên là chung, được kiến tạo trong nguồn gốc cha mẹ rồng tiên, nay được chuẩn định trong quốc sử dưới thời Lê Thánh Tông.

Các tập đoàn Mường, Thái, Việt có thể mâu thuẫn nhau ở nhân sinh, chuyện trước mắt, nhưng đều chia sẻ điểm cốt yếu trong cấu trúc niềm tin tập thể là được khai sinh từ cặp cha mẹ rồng tiên.

Chính tưởng tượng chung về tổ tiên đã tạo ra ý thức hệ dân tộc keo sơn, kết nối các khối người vốn có nguồn gốc xa lạ lại thành một bào tộc tưởng tượng, là anh em chung một gốc, xoa dịu mâu thuẫn ở triều đình, kéo các khối người xa lạ trong các vùng miền về chung một nhà.

Vị trí đặc biệt vùng phên dậu

* Theo sử liệu để lại và các nghiên cứu của ông, xin hỏi thẳng thắn, có phải chỉ thế kỷ 15 và nhà Lê thì mới gắn liền với miền núi?

- Ông Nguyễn Mạnh Tiến: Không. Nhìn lại hàng nghìn năm lịch sử người Việt, phần lớn các trung tâm quyền lực mới thường đến từ vùng ngoại biên, vùng giáp ranh giữa đồng bằng và miền núi, vùng chân núi và núi thấp, trung du… Thế kỷ 15 còn chứng kiến sự tích hợp Thái vào quốc gia, với phần lãnh thổ của Thái tương ứng với các vùng Thái trong địa lý Việt Nam ngày nay.

Chỉ tính từ lập quốc, sơ bộ có thể kể ra ngay nhà Đinh gắn với trung tâm Hoa Lư là một trung tâm Mường, vùng Nho Quan/Thiên Quan là thủ phủ nổi loạn của người Mường. Đinh Bộ Lĩnh là vị vua chia sẻ vương triều cho cả Việt và Mường.

Nhà Lê khởi sinh từ Lam Sơn, rồi trung hưng ở miền núi Thanh Hóa, giáp với Lào, dựa rất lớn vào các tập đoàn Mường, Thái ở địa phương. Sau đó họ cùng nhau từ miền núi tiến xuống đồng bằng làm chủ Đại Việt. Nhà Trịnh, có gốc gác vùng núi thấp Thanh Hóa, rồi tương tự, nhà Nguyễn cũng ra đi từ một làng mà đến đầu thế kỷ 20 vẫn còn được cho là thuộc miền núi Thanh Hóa.

Vùng Gia Miêu ngoại trang có cả người Mường ở lẫn với Việt, phối ngẫu từ gia đình cho tới văn hóa, tâm linh. Nhà Mạc, khi rút chạy, định đô vùng miền núi, thuộc hẳn vào đất tộc người thiểu số ngày nay, tạo ra thế cuộc mới.

Chúa Tây Sơn với sức mạnh chính đến từ các nguồn buôn bán với người thiểu số, sống chung buôn làng với họ, dùng người và cách hành quân kiểu miền núi phía tây, đất của người Thượng nói chung. Gia Long tẩu quốc cũng nương tựa rất nhiều vào thiểu số, người Khmer, rồi các dân tộc vùng ngoại biên...

Ngay cả nước Việt Nam hiện đại, các cơ sở cách mạng, chiến khu… cũng bắt đầu trước tiên ở núi cao, được các tộc người núi cao che chở, sau đó xuống núi thấp, lập các an toàn khu, được các tộc người núi thấp che chở, đến thời cơ thì cùng tiến xuống đồng bằng giải phóng và thống nhất đất nước.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến: “Chính tưởng tượng chung về tổ tiên đã tạo ra ý thức hệ dân tộc keo sơn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO