Trong suốt cuộc trò chuyện, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Tâm nhắc đi nhắc lại chữ “Tâm” và lòng tự trọng nghề nghiệp đối với nhà giáo, đó là yếu tố gốc rễ trong sự nghiệp trồng người.
Khổ mấy cũng quyết giữ nghề!
Căn nhà nhỏ nằm trong con hẻm ở địa chỉ 197/6 đường Phan Châu Trinh (Tam Kỳ), là nơi Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Tâm (SN 1944) và thầy giáo Nguyễn Ngọc Phong (SN 1940) đã sinh sống từ trước năm 1970. Ngôi nhà và những vật dụng nơi phòng khách vẫn không có gì thay đổi so với cách đây gần 20 năm khi chúng tôi có dịp tháp tùng một vị lãnh đạo Tỉnh ủy và Sở GD-ĐT đến thăm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.
Năm 1967, đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Ngọc Phong - Nguyễn Thị Tâm từ Huế dắt nhau vào Tam Kỳ dạy học. Sau ngày đất nước giải phóng, cả hai chọn Tam Kỳ làm quê hương thứ hai của mình để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Cuộc sống nhà giáo trước đây có những thời điểm rất khó khăn, nhiều người để sống được với nghề phải chấp nhận hy sinh. Cô Tâm nhớ lại, thời bao cấp, không ít cặp vợ chồng giáo viên song một người đành phải nghỉ dạy làm việc khác để nuôi người đi dạy chứ cả hai không thể cùng theo nghề.
“Nhưng vợ chồng cô thầy quan niệm, dù khổ đến mấy vẫn quyết giữ nghề dạy học mà ba mẹ đã cho mình. Để được theo đuổi nghề nghiệp, vừa nuôi 6 người con, hai vợ chồng ngoài đi dạy còn phải làm thêm rất nhiều việc khác. Cô làm ruộng, nuôi heo, bán bánh mỳ; còn thầy tranh thủ đi xe thồ, ra ngoài chợ ngồi dán áo mưa, dép nhựa để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống” - cô Tâm hồi tưởng.
Với những cống hiến cho sự nghiệp trồng người của mình, năm 1998 ngay tại đợt đầu tiên xét công nhận Nhà giáo ưu tú sau ngày tái lập tỉnh, cô Nguyễn Thị Tâm vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Là một giáo viên cốt cán của tỉnh, nên nghỉ hưu năm 2000 cô Tâm được ngành GD-ĐT thị xã Tam Kỳ lúc đó mời tiếp tục giảng dạy tại Trường Tiểu học Kim Đồng thêm 4 năm nữa. Tương tự, thầy Nguyễn Ngọc Phong nghỉ hưu năm 2003 sau nhiều năm công tác tại Phòng GD-ĐT Tam Kỳ cũng được Trường Cao đẳng Đông Á mời làm việc một thời gian.
Chữ “tâm” và lòng tự trọng
Chia sẻ về chuyện nghề, chuyện đời, thầy Phong cô Tâm tỏ ra khá hạnh phúc khi tất cả con cái đều học hành đến nơi đến chốn và vui hơn là 3 trong 6 người con nối gót theo nghề ba mẹ (chưa kể 2 con rể). Quan niệm nghề nào cũng đều trân quý, cần có lương tâm và lòng tự trọng, tuy nhiên, nghề dạy học có những điểm khác biệt so với các nghề khác.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Tâm chia sẻ, bao nhiêu năm qua rồi mà đến bây giờ vẫn còn nhớ rõ hình ảnh cô giáo dạy vỡ lòng của mình. Các thầy cô sau này cũng vậy. Người thầy là một hình mẫu thiêng liêng, mình nuốt từng lời dạy bảo của thầy cô. Vì vậy, khi đề cập đến những câu chuyện không hay của ngành, cô Tâm nhẹ nhàng: “Nhà giáo phải có chữ “tâm” và lòng tự trọng. Những chuyện như ép học sinh học thêm chỉ là cá biệt chứ không phải phổ biến nhưng rất buồn “con sâu làm rầu nồi canh”. Nếu ai có suy nghĩ làm giàu bằng nghề dạy học thì nên chọn nghề khác. Lương tâm, lòng tự trọng của nghề giáo không cho phép. Học trò giống như con em mình”.
Nhân vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa đang khá “nóng” thời gian quan, cô Tâm nói trong thời gian công tác bản thân đã trải qua 2 lần cải cách giáo dục vào năm 1982 và 2000 nên hiểu rõ những khó khăn, thử thách và cần có thời gian.
Theo cô Tâm, đi dạy mỗi thời mỗi khác. Giáo viên trước đây chỉ dạy những gì có trong sách giáo khoa và thực tế. Còn hiện nay, nếu chỉ như vậy sẽ tụt hậu. Ngoài sách giáo khoa, phải tìm tòi, thu thập thêm tài liệu, thông tin để chuyển tải cho học trò kiến thức đầy đủ nhất nên có không ít áp lực. Ngay cả xã hội, phụ huynh bây giờ cũng gây áp lực đối với giáo viên. Rồi chuyện “cơm, áo, gạo tiền”.
Thời trước nhà giáo mưu sinh là vì nghèo khổ quá, làm thêm để có cái ăn mà sống được với nghề. Còn nay “cơm, áo” không còn lo lắng song vẫn mong có thêm thu nhập để có điều kiện nâng cao cuộc sống.
“Nhưng nói gì thì nói, ngoài năng lực chuyên môn, điều cần thiết trên hết đối với nhà giáo và nghề nào cũng vậy, đó là lương tâm nghề nghiệp” - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Tâm đúc kết.