1. Tháng 5.1975, tôi gặp một đoàn nhà văn nhà thơ miền Trung “tiến vào Sài Gòn” theo nhịp hành khúc. Nhưng giặc giã tan rồi, đất nước đã liền một dải rồi, cũng không cần phải giải phóng thêm gì nữa.
Nhà thơ Thanh Thảo thăm nhà văn Nguyễn Chí Trung vào năm 2009. Ảnh: T.THẢO |
Vậy mà tôi thấy hai vị lãnh đạo đoàn nhà văn miền Trung - ông Nguyễn Chí Trung và ông Nguyên Ngọc - vẫn vô cùng bận rộn. Thì ra, ngay lúc vừa giải phóng ấy, hai ông Ngọc và Trung đã “ủ mưu” thành lập tại Đà Nẵng một trại sáng tác văn học chuyên viết về đề tài chiến tranh. Đó chính là Trại sáng tác văn học Quân khu V. Ông Nguyễn Chí Trung, tuy lúc ấy làm phó cho ông Nguyên Ngọc, nhưng ông Trung mới chính là người “khởi nghiệp” cho việc ra đời trại sáng tác này. Khởi nghiệp một trại chuyên sản xuất… văn học, hồi đó nghe có vẻ lạ, vì chưa có tiền lệ. Nói như bây giờ, đó là một cuộc “khởi nghiệp độc đáo”, không đụng hàng.
Còn dạo tháng 5.1975 ở Sài Gòn, thì tôi đang lâm vào cảnh lang thang cơ nhỡ. Cơ quan cũ đã “thanh lý” cho tôi về miền Bắc, tiền thanh lý chỉ khoảng mấy nghìn đồng Sài Gòn cũ, đủ cho tôi mời bạn bè uống vài bữa bia Con Cọp, là hết. Từ đó tôi lang thang, gặp bạn bè đâu thì tấp vào, ăn nhậu qua ngày. Tôi gặp đoàn nhà văn Khu V của ông Nguyễn Chí Trung và ông Nguyên Ngọc vào hoàn cảnh đó, cứ như “buồn ngủ gặp chiếu manh”. Tôi tung tăng theo đoàn, hết Sài Gòn thì lên Đà Lạt, và còn đi xa hơn nữa, qua nhiều vùng đất phương Nam. Tôi đâu biết, từ lúc ấy, ông Nguyễn Chí Trung đã âm thầm “chấm” tôi. Chẳng biết ông thích cái thằng tự do vô kỷ luật là tôi ở điểm nào, và ông cũng không hề nói với ai, tôi thì càng không biết, nhưng theo ngôn ngữ bây giờ, là tôi đã được “duyệt”.
Tháng 3.1976, đang bơ vơ, thì đột nhiên tôi nhận được công văn từ Đà Nẵng do ông Nguyễn Chí Trung ký, gửi Tổng cục chính trị, xin tôi về Trại sáng tác văn học Quân khu V. Khỏi nói, tôi như được hồi sinh. Về Đà Nẵng, ra mắt trại trưởng Nguyễn Chí Trung, tôi liền “sưu tầm” bạn bè trong trại. Có khá đông. Từ Ngô Thế Oanh nhà thơ, Thái Bá Lợi nhà văn, Hoàng Minh Nhân vừa thơ vừa văn, rồi đàn anh Thu Bồn, nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà thơ Trần Vũ Mai, nhà thơ Thanh Quế, nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Rồi Nguyễn Đăng Kỳ, về sau cho xuất bản tiểu thuyết “Vàng Crưm”, rồi Ngân Vịnh, về sau thành nhà thơ khá nổi tiếng… Với các ông đàn anh lớn hơn như nhà văn Phan Tứ, nhà thơ Lưu Trùng Dương… thì tôi chỉ dám đứng chào từ xa, cười cười chứ không hề có ý mời các ông… đi nhậu. Trại sáng tác khi ấy đã gần đông đủ quân số mà trại trưởng Nguyễn Chí Trung cần. Về sau, có thêm nhà văn Nguyên Nam từ Khu VI, nhà văn trẻ Trung Trung Đỉnh, lúc bấy giờ là “một cây bút trẻ đầy triển vọng” chuyên viết đề tài Tây Nguyên, cũng về tụ họp dưới “logo khởi nghiệp” Nguyễn Chí Trung.
Mới về trại, chưa kịp xả hơi, ông Nguyễn Chí Trung đã phân công tôi đi Sơn Mỹ viết… trường ca. Lúc bấy giờ tôi đã viết được cái trường ca nào đâu, dù có ấp ủ một cái, cuối năm 1976 tôi hoàn thành, coi như “quả bí quả bầu” gì đó, thành quả sản xuất ở trại nhà văn, dâng lên cơ quan. Đó là trường ca “Những người đi tới biển”.
2. Tôi đi Sơn Mỹ một tháng, khi trở về thì thấy hình như trại đã đông vui hơn. “Nhà khởi nghiệp” Nguyễn Chí Trung tất bật chuẩn bị những cơ sở vật chất để trại viên có thể yên tâm sáng tác. Một… trại nuôi gà được thành lập, ngay bên trong trại sáng tác ở số nhà 10 Lý Tự Trọng (tên cũ là đường Gia Long). Những chị nuôi và quản lý được phân công chăm nom trại gà, nuôi gà đẻ lấy trứng phục vụ bữa ăn hàng ngày của toàn trại. Rồi, trồng bí trồng bầu ngay trong khuôn viên trại, cứ như ngày ở chiến khu. Tôi nói đùa là các nhà văn trại viên ở đây nên phấn đấu có những tác phẩm xuất sắc để được nhận giải “Nobel… bầu”. Chả là, những quả bầu trồng ở trại vừa to vừa dài, do được bón phân gà, nông dân thấy cũng phải… nể. Tôi với Thái Bá Lợi, Ngô Thế Oanh, về sau thêm Trung Trung Đỉnh do thiếu tiền mua rượu nhậu nên thường xuyên quan hệ với quản lý để mua chịu trứng gà của cơ quan. Không phải làm mồi nhậu, chúng tôi mua chịu trứng gà rồi mang ra chợ chồm hổm đường Nguyễn Du gần đó… bán, lấy tiền mua rượu. Dĩ nhiên, đầu kỳ lương, chúng tôi vui vẻ cho quản lý trừ nợ. Sáng kiến này coi bộ hay, vì có lần nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ Huế vào Đà Nẵng chơi với bọn tôi, do không có tiền đãi ông nhạc sĩ mà mình hâm mộ, chúng tôi đã mua chịu trứng gà cơ quan mang ra chợ bán, “đổi trứng lấy rượu”. Phương án đổi chác này tỏ ra rất thích hợp trong thời bao cấp khốn khó.
Mặc dù lương luôn được ứng tiêu trước như thế, nhưng tiến độ sáng tác của cả trại rất khả quan. Kết thúc năm 1976, trại đã có bản thảo hàng chục tác phẩm viết về chiến tranh, từ những nhà văn gạo cội như Phan Tứ, Thu Bồn tới những cây bút trẻ như Trung Trung Đỉnh. Tôi với Thái Bá Lợi và Trần Vũ Mai cũng hoàn thành xuất sắc kế hoạch, dù lúc đó không được thưởng gì, kể cả một cái… trứng gà, nhưng chúng tôi vẫn rất vui. Trường ca “Ở làng Phước Hậu” của Trần Vũ Mai, tên ban đầu là “Cảm giác lạc quan” - một trường ca rất ấn tượng viết về vùng đất cực nam Trung Bộ. Truyện vừa “Hai người trở lại trung đoàn” của Thái Bá Lợi gây được tiếng vang lớn. Đó là tác phẩm đầu tiên ngay sau giải phóng cảnh báo về loại nhân vật cơ hội, ngoảnh mặt với đồng đội với quá khứ ngay khi mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh.
Dù có những cách chỉ huy đám nhà văn rất lạ đời, nhưng “Nhà khởi nghiệp” Nguyễn Chí Trung đã tổ chức sản xuất ra hàng loạt tác phẩm. Nhưng thành quả lớn nhất, lâu bền nhất từ trại sáng tác này là đã “sản xuất” ra được một lớp nhà văn sau chiến tranh mà chúng tôi gọi đùa là lớp “nhà văn trung úy”, góp phần vào sự khẳng định mạnh mẽ của thế hệ những nhà văn chống Mỹ. “Khởi nghiệp” như nhà văn Nguyễn Chí Trung với Trại sáng tác Quân khu V, là một dạng khởi nghiệp rất thành công. Trang trại của ông Trung không chỉ sản xuất trứng gà hay bầu bí, mà còn “sản xuất” ra những… nhà văn nhà thơ không đến nỗi nào!
THANH THẢO