Nhà lãnh đạo gần dân, giàu thực tiễn

VÂN TRÌNH 22/03/2013 08:28

LTS: Năm 2013 này vừa tròn 100 năm ngày sinh đồng chí Hồ Nghinh - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Từ các nguồn tư liệu và hồi ức, Báo Quảng Nam phác họa đôi nét về phong cách Hồ Nghinh - nhà trí thức cách mạng tài hoa của đất Quảng.

Ngày 26.3.1975, Bộ Chỉ huy Đặc khu ủy Quảng Đà bàn phương án giải phóng Đà Nẵng. Đồng chí Phạm Đức Nam (áo trắng bên phải), đồng chí Phan Hoan - Tư lệnh Mặt trận 4 (bên trái) đang trình bày phương án với Bí thư Hồ Nghinh (thứ 2 từ trái qua).   Ảnh tư liệu
Ngày 26.3.1975, Bộ Chỉ huy Đặc khu ủy Quảng Đà bàn phương án giải phóng Đà Nẵng. Đồng chí Phạm Đức Nam (áo trắng bên phải), đồng chí Phan Hoan - Tư lệnh Mặt trận 4 (bên trái) đang trình bày phương án với Bí thư Hồ Nghinh (thứ 2 từ trái qua). Ảnh tư liệu

Nhà văn Hồ Duy Lệ từng nhận định: Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ở vị trí công tác nào, ở bất cứ đâu, nhất là những nơi khó khăn, ác liệt và phức tạp, đồng chí Hồ Nghinh cũng bám sát cuộc sống, lấy thực tiễn cuộc sống làm cơ sở cho tư duy sáng tạo trong việc lãnh đạo, chỉ đạo của mình.

Dân là của ta

Ông Phan Văn Nghệ (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) từng đánh giá: "Anh Hồ Nghinh thường nói: Đảng với dân gắn chặt không phải vì quyền lợi mà bởi máu thịt. Mình không có dân như con không có cha mẹ, côi cút”. Suốt trong những năm kháng chiến đầy gian lao nhưng anh dũng ở đất Quảng, Hồ Nghinh lúc nào cũng canh cánh bên lòng nỗi "mồ côi dân".  Bởi, kẻ thù đã dùng trăm phương nghìn kế để dụ dỗ, thúc ép, cưỡng bức, thậm chí dùng cả trực thăng xúc từng người vào khu dồn. Chúng "hào phóng" cấp phát cả chăn màn, chén bát, quần áo cho dân. Trong nhân dân nảy sinh tư tưởng: Ở khu dồn tuy mất tự do thật đấy nhưng không có bom đạn, lại có cái ăn, cái mặc, khỏi phải đói khát, chết chóc. Trong khi đó, vùng giải phóng tuy rộng mênh mông nhưng lại bị cày đi xới lại, hàng ngày bom đạn ác liệt, đói ăn, mất ngủ. Cuộc đấu tranh giành giật từng người dân giữa ta và địch, vì thế, diễn ra hết sức căng thẳng, quyết liệt. Làm thế nào để người dân tự giác ngộ, tự thấy rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, tự phá banh khu dồn mà về lại làng cũ, tiếp tục chịu đựng gian khổ, hy sinh, trụ bám ruộng vườn làm chỗ dựa cho lực lượng ta hoạt động đánh địch? Đây quả thật là một bài toán hóc búa đối với người đang giữ trọng trách “đứng mũi chịu sào” của phong trào cách mạng toàn tỉnh.

“Chỉ riêng việc đồng chí Bí thư không chịu lui về núi an toàn để chỉ đạo từ xa mà nhất quyết trụ bám ở nơi ác liệt nhất, đã góp phần tạo ra một phong cách, một đặc sắc của chiến tranh nhân dân. “Dân bám đất, du kích bám địch, Đảng bám dân” của đồng chí Hồ Nghinh đã là một mẫu mực của tính cách anh hùng”. (Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An)

Đồng chí Hồ Nghinh mất ăn, mất ngủ tìm mọi cách kéo dân về. Ông Phạm Thanh Ba, nguyên Chánh Văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà cho hay: “Tôi còn nhớ trong một cuộc họp Đặc khu ủy mở rộng bàn chủ trương giành dân, đồng chí nhấn mạnh: "Địch có nhiều mưu ma chước quỷ, ta có cách đối phó của ta. Trước hết phải xác định dân là của ta, dân giác ngộ cách mạng, dân bị địch o ép càng căm thù chúng. Tức nước ắt vỡ bờ. Phải tạo thế cho dân đấu tranh phá khu dồn bung ra. Tạo thế như thế nào mỗi người cần phải suy nghĩ, hiến kế. Suy nghĩ như Ngũ Tử Tư qua đêm sáng đã bạc cả đầu…". Hồ Nghinh phân công các đồng chí Thường vụ Đặc khu ủy về các huyện, xã để nghiên cứu nắm tình hình các khu dồn và chỉ đạo phong trào quần chúng đấu tranh bung về làng cũ. Bản thân ông về đứng chân ở huyện Duy Xuyên. Các đồng chí Thường vụ Huyện ủy báo cáo ở khu dồn An Hòa có rất nhiều người dân xã Duy Trinh (quê hương của đồng chí Hồ Nghinh) đang đấu tranh đòi về làng cũ để lấy lương thực lên ăn, lấy cớ là "dân ở nông thôn lâu nay quen ăn cơm chứ không quen ăn bánh mì, nay ăn bánh mì không chịu nổi"…, trong số này có nhiều người là bạn thân của ông. Thế là, ngay tối hôm đó, ông viết một bức thư gửi cho các cụ, thông qua Đảng ủy xã Duy Hòa. Trong thư có câu thơ chữ Hán:

Lung kê hữu thực oa
               than cận
Dã hạc vô lương thiên
            địa khoang

Ý thơ so sánh con gà bị nhốt trong lồng và con hạc bay ngoài khoảng không. Gà tuy có lương ăn nhưng lại gần nồi nước sôi, sắp chết. Hạc hoang dã tuy không có lương ăn nhưng đất trời rộng mênh mông tha hồ bay lượn. Chọn làm con gà hay con hạc?

Thư được một cơ sở hợp pháp của ta đưa vào khu dồn An Hòa. Nhận được thư, các cụ quây quần lại phân tích ý nghĩa và bàn nhau cách đấu tranh về lại làng cũ. Nửa tháng sau, phong trào đấu tranh của nhân dân trong khu dồn do các cụ làm nòng cốt liên tục nổ ra. Nhiều người lấy cớ về đưa lương thực lên ăn đã ở lại luôn, có người lấy cớ đi Đà Nẵng thăm bà con rồi về lại làng cũ. Kết quả gần 100 hộ dân trong khu dồn đã về trụ bám lại ruộng vườn. Bài toán hóc búa "giành dân" như vậy đã có lời giải độc đáo từ chuyến thâm nhập thực tế của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh.

Hết lòng, hết sức lo cho dân

Năm Giáp Thìn 1964, đất Quảng phải gồng mình chống chọi với cơn đại hồng thủy, đến nỗi sau này mỗi khi nhắc đến "họa năm Thìn" nhiều người không khỏi hãi hùng. Cả tỉnh có hàng ngàn ngôi nhà bị nước cuốn trôi, hàng ngàn người chết, hàng ngàn héc ta ruộng đất bị bồi lấp và thiệt hại lớn tài sản, hoa màu. Nặng nhất là các thôn dọc sông Thu Bồn, Vu Gia thuộc các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc. Có thôn trôi toàn bộ nhà cửa, hàng trăm người chết, toàn thôn chỉ sống sót vài người. Nhiều cảnh chết rất thương tâm. Nhà thơ Tường Linh, trong bài thơ nổi tiếng "Thảm nạn quê hương", đã viết về trận lụt năm Thìn bằng những lời nghẹn ngào:

Người sống sót không còn
                   nhà cửa
Không áo cơm, khô cả lệ
         thông thường
Cắn vành môi nhìn lại một
              quê hương
Bỗng run sợ tưởng đây miền
                 địa ngục
Quê hương ta: một hình hài
                  ngã gục
Cà Tang ơi, Trung Phước,
           Đại Bình ơi!
Đông An, Bình Yên… nước
              xóa cả rồi.

Trong khi ở vùng giải phóng, lực lượng cán bộ, bộ đội và du kích chịu đói rét, vượt qua bão lũ cứu giúp dân, với tất cả khả năng và lòng dũng cảm, nhiều đồng chí hy sinh do nước cuốn trôi thì kẻ thù lại ra sức lợi dụng lũ lụt đánh phá phong trào cách mạng. Ngay lúc nước đang lớn, hầm hố, nhà cửa bị ngập chìm trong biển nước, nhân dân phải lánh trên các cồn cao, nóc nhà, ngọn cây… chúng điên cuồng dùng pháo, cối bắn vào thôn xóm, dùng ca nô, xuồng máy, máy bay trực thăng lùng ráp, xúc tát dân vào các khu dồn quanh các quận lỵ...

Ngay sau lụt lớn, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh triệu tập Ban Thường vụ họp khẩn cấp để nghe tình hình thiệt hại của dân, của các cơ quan, đơn vị. Khi bàn về chủ trương khắc phục hậu quả, đồng chí Hồ Nghinh nêu phương châm: “Trời làm hại, bắt đất bồi thường” và chỉ thị: Phải tập trung toàn bộ lực lượng của cách mạng xuống đồng bằng vừa phối hợp với lực lượng địa phương chống địch càn quét đánh phá, vừa giúp dân dựng, sửa lại nhà cửa, đào hầm, dọn vệ sinh, phòng chống các dịch bệnh; phát động một phong trào sản xuất rau màu ngắn ngày cứu đói...

Ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chỉ thị "Khẩn cấp cấp cứu tai nạn bão lụt" của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được triển khai ngay đến các đơn vị, địa phương. Liền sau đó, một cao trào giúp dân khắc phục lũ lụt phát triển rộng khắp. Hàng ngày, từng đoàn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc gùi cõng lúa gạo, các loại giống rau, hom sắn, thuốc men xuống giúp các xã. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân các xã vùng lũ lụt đã khắc phục được hậu quả, đẩy mạnh sản xuất, trồng rau màu, làm vụ đông xuân hết diện tích, nhanh chóng khôi phục các hầm hào, củng cố làng chiến đấu, bố phòng chống địch bảo vệ thành quả đã giành được. Tháng 3 năm sau, vụ đông xuân được mùa chưa từng có. Rau màu dồi dào, đàn gia súc, gia cầm không những khôi phục mức cũ mà còn phát triển thêm. Qua phong trào, thực lực cách mạng được tăng cường. Nhân dân vô cùng phấn khởi và tin tưởng cách mạng, càng thấy rõ tấm lòng của cách mạng lo cho dân trong lúc hoạn nạn; đồng thời cũng nhận rõ bộ mặt dã man độc ác của kẻ thù, càng thêm căm thù chúng. Tết Ất Tỵ 1965, nhân dân các xã vùng giải phóng ăn tết rất phấn khởi. Nhiều nơi tổ chức mít tinh, biểu diễn văn nghệ đón xuân, mừng quê hương giải phóng, tạo khí thế nô nức trong các tầng lớp nhân dân, có tác dụng tuyên truyền rất mạnh trong vùng địch còn kiểm soát.

Chiến trường trong dân

45 năm trước, cùng với toàn miền Nam, đất Quảng anh hùng đã mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân lịch sử, đồng loạt đánh vào thành phố Đà Nẵng, các thị xã Tam Kỳ, Hội An, hầu hết thị trấn, quận lỵ, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, góp phần giáng một đòn nặng nề vào chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ.

Cùng với các cánh quân ta tiến đánh ở ngoại ô, Đặc khu ủy Quảng Đà quyết định trong đêm 30 Tết đưa Tiểu đoàn 1 của tỉnh làm mũi xung kích thọc sâu vào TP.Đà Nẵng, đánh vào các cứ huyệt trọng điểm của địch, tạo điều kiện cho lực lượng quần chúng nổi dậy. Tiểu đoàn 1 là tiểu đoàn chủ lực xây dựng đầu tiên từ sau ngày đồng khởi, là đơn vị anh hùng được thử thách qua các thời kỳ ác liệt nhất, gồm con em ưu tú nhất của nhân dân trong tỉnh, lớn lên từ phong trào. Bí thư Đặc khu ủy Hồ Nghinh suy nghĩ rất nhiều đêm về việc đưa Tiểu đoàn 1 đánh vào thành phố trong lúc lực lượng Mỹ ngụy và chư hầu còn dày đặc, việc bố phòng của chúng ở vành đai Đà Nẵng, Hòa Cường, Cẩm Lệ, Mỹ Khê và Quân đoàn 1 rất cẩn mật và ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Hồ Nghinh quyết định phải có mặt ngay trong thành phố vào thời điểm của tình thế hiểm nghèo và phức tạp chưa lường hết được của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy lần này. Bốn giờ chiều 30 tết, một thanh niên cơ sở của ta ngoài Đà Nẵng đón ông trên quốc lộ 1 ở xã Điện Thắng (Điện Bàn) và đưa vào thành phố.  

Với tư duy nhạy bén và sự sâu sát tình hình, Hồ Nghinh nhận thấy do giờ G thay đổi nên hai lực lượng quân sự và chính trị không phối hợp chặt chẽ được, các mục tiêu mà ta tổ chức tiến công đã không thành. Ông hội ý chớp nhoáng với đồng chí Hà Kỳ Ngộ, Ủy viên Thường vụ Đặc khu ủy được ém sẵn bên trong thành phố và đi tới quyết định: do tình hình không thuận lợi, các lực lượng bất hợp pháp của ta phải rút vào bí mật. Nhờ vậy, đã hạn chế tổn thất rất nhiều cho cách mạng, cho nhân dân.

Ở lại hơn 20 ngày trong TP.Đà Nẵng, Hồ Nghinh càng hiểu lòng dân thành phố, hiểu cốt cách sống và tấm lòng đối với cách mạng không lay chuyển dù cuộc sống có đổi thay. Ông cho rằng: "Cách đánh giá của ta phải đúng mới hiểu thêm sức mạnh của chính ta và không hề bị mất dân. Tài năng cao nhất của ta là nhờ ta ở trong dân và chiến trường đó là chiến trường của dân".

VÂN TRÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà lãnh đạo gần dân, giàu thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO