Nhà lý luận, phê bình văn học Huỳnh Thu Hậu: Bền bỉ với đam mê...

BẢO ANH 14/01/2024 09:40

Với những bài thơ trẻ trung, mới mẻ, cá tính được trình làng trong tập thơ đầu tay “Cánh đồng mật ngữ” xuất bản năm 2013, Huỳnh Thu Hậu được xem là một gương mặt ấn tượng của thơ ca xứ Quảng. Những tưởng chị sẽ tiếp tục bước đi cùng với thơ, nhưng rồi sau đó lại rẽ hẳn sang lý luận phê bình, trong một dung mạo ngày càng đầy đặn...

Nhà lý luận phê bình Huỳnh Thu Hậu. Ảnh: NVCC
Nhà lý luận phê bình Huỳnh Thu Hậu. Ảnh: NVCC

Hòn than đượm lửa

Đang “đắm đuối” và sớm có thành tựu với thơ, nên khi rẽ hẳn sang địa hạt lý luận, phê bình, Huỳnh Thu Hậu đã khiến nhiều người ngạc nhiên, và tiếc. Nhưng thay vì giải thích, chị tiếp tục làm việc. Bằng sự cần mẫn, tinh thần khoa học nghiêm túc, chị từng bước khẳng định mình trên hành trình mới. Chị cảm nhận thơ không hề phụ rẫy mình, nhưng đồng thời cũng nhận thấy dường như mình có duyên với những nhọc nhằn, khổ ải của lý luận, phê bình.

“Tôi không thấy có mâu thuẫn nào giữa việc làm thơ và viết phê bình; hay nói khác hơn là phê bình không hề khô cứng, không hề làm triệt tiêu những thăng hoa bay bổng của thơ ca. Bởi lẽ, phê bình là sự hòa quyện giữa lý trí và cảm xúc, giữa khoa học và nghệ thuật, mà nói như Roland Barthe, phê bình là diễn ngôn về một diễn ngôn khác, là siêu ngôn ngữ” - Huỳnh Thu Hậu chia sẻ.

Ngoài một tập thơ, chị đã có cho riêng mình gia tài lý luận phê bình gồm tập tiểu luận phê bình “Cuộc phiêu lưu của chữ” (NXB Hội Nhà văn 2017), chuyên luận “Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam” (NXB Hội Nhà văn 2018) và tập tiểu luận phê bình “Diễn ngôn văn chương - những vẻ đẹp khác biệt” (NXB Hội Nhà văn 2020). Vì thế, trong những ngày đầu năm mới 2024, một tin vui đã đến với Huỳnh Thu Hậu: chị được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, chuyên ngành lý luận phê bình.

Bên cạnh các công trình nghiên cứu lý luận phê bình, nhiều năm liền Huỳnh Thu Hậu là đại diện gần như duy nhất của Quảng Nam tại rất nhiều hội thảo khoa học quy mô toàn quốc về văn học - đặc biệt là các hội thảo về những vấn đề học thuật, về tiếp nhận, tiếp biến, dịch chuyển thi pháp và sáng tạo rất mới mẻ của văn học Việt Nam...

Tiến sĩ, nhà lý luận phê bình văn học Huỳnh Thu Hậu sinh năm 1979, hội viên Hội VHNT Quảng Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện là giảng viên khoa Khoa học Xã hội nhân văn - Trường Đại học Quảng Nam.

Từ năm 2013 đến nay, Huỳnh Thu Hậu đã được trao tặng một số giải thưởng: giải khuyến khích Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ 2 cho tập thơ “Cánh đồng mật ngữ”; giải C giải thưởng thường niên năm 2017 của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam và giải C Tặng thưởng VHNT Quảng Nam năm 2017 cho tập tiểu luận phê bình “Cuộc phiêu lưu của chữ”; giải C Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ 3 cho tập chuyên luận “Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam”.

Nói về việc mình được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, Huỳnh Thu Hậu cho biết, với chị đó là niềm vui, là phần thưởng sau chặng đường dài nỗ lực không mệt mỏi và niềm vui đó chắc chắn sẽ tiếp cho chị thêm nhiều năng lượng để sáng tạo, để gắn bó với văn chương, với lĩnh vực mà mình đã chọn.

Từ khi còn học phổ thông, Huỳnh Thu Hậu đã mơ ước sau này sẽ trở thành một người làm lý luận phê bình. Trong những năm học đại học, khi đã đi làm, chị tiếp tục nuôi dưỡng, đeo đuổi một cách bền bỉ, quyết tâm biến ước mơ ấy thành hiện thực.

Chị lặng lẽ viết lý luận, phê bình và công bố trên các tạp chí chuyên ngành, vừa để thử sức, vừa để “thăm dò”, vừa như một cách để tìm ra thế mạnh của mình trong hoạt động nghiên cứu, phê bình.

Chị cũng là người rất “chăm học” khi mà từ năm 2014 đến nay, chưa bao giờ vắng mặt trong các lớp bồi dưỡng về lý luận phê bình do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật (VHNT) Trung ương và Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam tổ chức - những khóa học mà chị cho rằng đã góp phần giúp “định hình một cách bài bản hơn con đường đi của mình”...

Đặc biệt, rất nhiều lần Huỳnh Thu Hậu tự mình tìm đến các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành tại các trung tâm học thuật lớn trong nước xin được “thọ giáo”, học hỏi. Để rồi, chị đã lần lượt vượt qua các “cửa ải” đầy thử thách, trở thành thạc sĩ, rồi tiến sĩ...

“Tôi nghĩ mình đã đúng khi xác quyết rằng, đam mê cần được duy trì bằng quyết tâm, bằng sự bền bỉ của hòn than chứ không phải bằng sự bùng vỡ xốc nổi của ngọn lửa” - Huỳnh Thu Hậu tâm sự.

Một hành trình đặc biệt

Việc tiến sĩ Huỳnh Thu Hậu quyết tâm đeo đuổi sự nghiệp lý luận, phê bình trong khi không đoạn tuyệt với thơ, có thể nói là một điều đặc biệt. Nhưng hành trình trở thành một nhà lý luận, phê bình văn học chuyên nghiệp của chị còn đặc biệt hơn.

Đó là, thay vì chỉ mải miết với một đề tài, một vấn đề văn chương nào đó, chị lại có những lối rẽ khác nhau trên hành trình của mình, mà theo chị, là “để được tiếp cận với những cái mới, để thử thách chính mình, để nhận ra đúng chất mình hơn”.

Các tác phẩm của tác giả Huỳnh Thu Hậu. Ảnh: B.A
Các tác phẩm của tác giả Huỳnh Thu Hậu. Ảnh: B.A

Năm 2001, khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, Huỳnh Thu Hậu chọn nghiên cứu về nữ sĩ Xuân Quỳnh để làm đề tài tốt nghiệp. Lý do: Xuân Quỳnh là nhà thơ mà chị cảm thấy rất hợp với tính cách của mình, và quan trọng hơn, nghiên cứu con người và sự nghiệp thơ ca của Xuân Quỳnh, chị tìm thấy được những vẻ đẹp độc đáo, khác biệt và giàu cá tính.

Thế nhưng chỉ một năm sau đó, khi quyết định học lên thạc sĩ, thay vì lấy đề tài tốt nghiệp đại học “nâng cấp” lên thành đề tài nghiên cứu sau đại học như cách mà nhiều người vẫn làm, Huỳnh Thu Hậu lại quyết định nghiên cứu về nhà văn William Faulkner - một nhà văn nổi tiếng người Mỹ, tác giả của nhiều tác phẩm “đề cập đến những giá trị phổ quát, đó là sự sống và cái chết, vấn đề thân phận con người trong thời đại kỹ trị, vấn đề đấu tranh phân biệt chủng tộc, bảo vệ môi trường”.

Chính những giá trị tư tưởng độc đáo và đặc điểm thi pháp khác biệt, mới mẻ của Faulkner so với sinh quyển văn chương Việt Nam lúc đó đã cuốn hút, thôi thúc chị bước tới. “Quá trình “nhìn ra” văn học nước ngoài cũng chính là cách để tôi mở rộng hiểu biết, thử thách chính mình, để thỏa khao khát được chinh phục, được khám phá cái mới...” - tiến sĩ Huỳnh Thu Hậu kể.

Sau lần “nhìn ra” đó, năm 2013, Huỳnh Thu Hậu bắt đầu làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, và đề tài chị chọn cũng không phải là một trong hai đề tài mà chị từng dày công nghiên cứu trước đó. “Nghịch dị ư?”. Nhiều người đã thốt lên ngạc nhiên và có phần ái ngại khi biết chị chọn vấn đề này - vốn quá mới mẻ và lạ lẫm trong đời sống phê bình văn học Việt Nam lúc đó, để nghiên cứu.

Nhưng cũng chính những cảm xúc của người khác ấy đã thôi thúc, làm cho chị quyết tâm hơn: phải dấn thân, phải khai phá, tìm tòi những cái mới... Và rồi năm 2017, Huỳnh Thu Hậu đã trở thành tiến sĩ với đề tài “Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2012”.

Điểm lại hành trình “dích dắc” của mình trên con đường đến với lý luận, phê bình văn học, tiến sĩ Huỳnh Thu Hậu cho biết chị đã phải đánh mất nhiều thứ, nhất là những niềm vui riêng tư.

Nhưng bù lại, chị đã có được một “hành trình hạnh phúc”, vì với chị, văn chương giúp con người sống đẹp hơn, tốt hơn, và “hành trình sáng tạo là hành trình hạnh phúc”, nhất là khi mà ở đó, chị có được thật nhiều trải nghiệm học thuật, được là mình hơn trong công việc, tự tin và tự hào hơn trước những quyết định táo bạo của mình...

Chị tâm sự: “Trên hết, tôi thấy mình may mắn khi được là học trò của những thầy cô yêu tha thiết văn chương và luôn biết truyền lửa sáng tạo, từ những năm học phổ thông cho đến những năm tháng trên giảng đường văn khoa Đại học Sư phạm Huế, Khoa Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Văn Đại học Khoa học Huế... Tôi còn có được nhiều người bạn văn chương hào sảng, chân thành, đã luôn động viên, khuyến khích tôi dấn thân...”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà lý luận, phê bình văn học Huỳnh Thu Hậu: Bền bỉ với đam mê...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO