Khó khăn về tài chính đã khiến Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai chậm khắc phục hậu quả về gây ô nhiễm môi trường, nợ lương người lao động, gần 6 tháng nay vẫn chưa hoạt động trở lại.
|
Người dân thôn Đại Phú (Tam Hiệp) cho rằng nhà máy sản xuất sô đa xả thải trực tiếp ra mương, ô nhiễm nguồn nước ao nuôi dẫn đến hiện tượng cá chết. Ảnh: T.H |
Nợ lương công nhân
Từ tháng 6.2016, nhà máy sô đa thuộc Công ty CP Sản xuất sô đa (đóng tại Khu công nghiệp Tam Hiệp, Núi Thành) ngừng hoạt động do có nhiều sai phạm trong lĩnh vực môi trường. Kể từ đó các quyền lợi cho công nhân và người lao động chưa được công ty xem xét giải quyết một cách thỏa đáng. Ông Nguyễn Chí D., một công nhân làm việc cho nhà máy này bức xúc: “Hiện nay công ty đã nợ lương của tôi và gần 500 nhân viên, công nhân làm việc tại công ty 4 tháng (tháng 7, 8, 10 và 12.2016). Không những nợ tiền lương, công ty còn chưa đóng các khoản phúc lợi về bảo hiểm hơn 1 năm nay dù tiền bảo hiểm vẫn tính trừ vào lương”.
Tháng 7.2016, sau khi Thanh tra Tổng cục Môi trường có kết luận về tình trạng ô nhiễm của nhà máy sô đa Chu Lai, UBND tỉnh yêu cầu Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai khẩn trương khắc phục ngay tình trạng gây ô nhiễm môi trường tại khu vực; dừng hoạt động của nhà máy cho đến khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra việc khắc phục hậu quả và cấp giấy xác nhận; tiến hành thu gom toàn bộ nguyên, nhiên liệu chất thải; cải tạo kho lưu giữ chất thải nguy hại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Tổng cục Môi trường. UBND tỉnh cũng giao Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Sở TN-MT, Công an tỉnh, UBND huyện Núi Thành theo chức năng, nhiệm vụ được giao giám sát Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai thực hiện nội dung yêu cầu nêu trên. |
Theo ông D., doanh nghiệp này dừng hoạt động vào tháng 6.2016 và cắt giảm hơn 80% lượng công nhân, nhân viên từ tháng 7.2016 đến nay. Mỗi tháng cắt giảm một ít lao động. “Riêng tôi và một số anh chị em khác bị cắt giảm kể từ tháng 1.2017 nhưng chúng tôi không được thanh toán tiền lương của các tháng trước còn làm việc. Những ai bị cắt giảm sẽ không có tên trong danh sách thưởng lễ, Tết Nguyên đán 2017 sắp đến” - ông D. cho biết. Một công nhân khác (xin giấu tên) cho biết thêm, doanh nghiệp này nợ lương dai dẳng nhưng người lao động không biết phản ảnh lên tổ chức nào để giúp đỡ. Có lần quyền lợi chưa giải quyết kịp thời, hàng chục công nhân bất đắc dĩ phải kéo lên ban giám đốc đòi nợ. Điều đáng nói, đến nay doanh nghiệp này chưa thành lập tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi cho người lao động theo luật định.
Chúng tôi đến trụ sở Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai để đăng ký làm việc nhưng bảo vệ cho biết lãnh đạo công ty đều không có mặt. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ ngày cơ quan chức năng yêu cầu nhà máy dừng hoạt động để khắc phục các lỗi sai phạm, sản xuất của công ty bị đình trệ và gặp nhiều khó khăn. Thời điểm này, còn khoảng hơn 50 người lao động làm việc cầm chừng tại công ty này.
Bao giờ nhà máy hoạt động trở lại?
Vì sao đã 6 tháng trôi qua, Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai vẫn chưa hoạt động trở lại? Quyền lợi của người lao động có được giải quyết kịp thời trước Tết Nguyên đán không và khi nào thì cơ quan chức năng cho phép doanh nghiệp hoạt động? Đó là mối quan tâm hàng đầu của hàng trăm lao động đã từng làm việc tại nhà máy này. Cuối tháng 7.2016, trước phản ảnh của người dân địa phương, Thanh tra Tổng cục Môi trường (thuộc Bộ TN-MT) đã kiểm tra đột xuất và phát hiện nhà máy sô đa xả thải ra môi trường không qua xử lý làm cá ở khu vực chung quanh chết hàng loạt. Tại hiện trường khu vực kênh cạnh tường rào nhà máy có màu đen sẫm, cá chết nổi trắng mặt nước. Kiểm tra, đoàn xác định hai cửa xả từ cống thoát nước mưa có lẫn cặn than cám xả vừa được lấp. Đoàn lấy mẫu tại mương và tại cửa xả thải. Kết quả kiểm tra nhanh cho thấy nồng độ pH vượt cao hơn mức cho phép. Tổng cục Môi trường xác định Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai đã thực hiện không đầy đủ các nội dung và yêu cầu trong kết luận kiểm tra về bảo vệ môi trường, không thu gom triệt để chất nguy hại. Nghiêm trọng hơn, công ty chưa có giấy phép xả nước thải. Đoàn yêu cầu Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai phải khắc phục những tồn tại nói trên và phải thu gom toàn bộ nước vệ sinh công nghiệp để xử lý trước khi xả thải ra môi trường.
Tháng 8.2016, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn ký văn bản gửi Bộ TN-MT yêu cầu nhà máy sô đa Chu Lai tạm dừng hoạt động để khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường mà Tổng cục Môi trường đã có kết luận thanh tra trước đó. Chính quyền tỉnh yêu cầu doanh nghiệp này khắc phục ngay tình trạng gây ô nhiễm ở khu vực mương thoát nước bên cạnh nhà máy; nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Tổng cục Môi trường. Để có giải pháp tích cực trong vấn đề xử lý bảo vệ môi trường của Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai, UBND tỉnh đề xuất Bộ TN-MT rà soát lại toàn bộ nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường (TĐMT) đã được phê duyệt; xem xét lại việc điều chỉnh hệ thống xử lý nước thải và bổ sung thêm nhà máy nhiệt điện của nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai. Đình chỉ hoạt động của nhà máy sản xuất sô đa để khắc phục các hậu quả về môi trường và chỉ được hoạt động trở lại khi được cấp có thẩm quyền kiểm tra việc khắc phục hậu quả, cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, cấp phép xả nước thải vào nguồn nước theo đúng quy định.
Bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN-MT khẳng định, nhà máy này thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ TN-MT. Vừa rồi, có cuộc họp liên quan đến Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai của Tổng cục Môi trường nhưng hiện số tiền xử phạt hành chính hơn 700 triệu đồng do doanh nghiệp này để xảy ra sai phạm vẫn chưa thực hiện đầy đủ. Trả lời câu hỏi bao giờ thì nhà máy hoạt động trở lại, bà Hạnh cho rằng, tất cả phụ thuộc vào nỗ lực khắc phục hậu quả của doanh nghiệp. Dĩ nhiên doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các quy định về pháp luật bảo vệ môi trường; chấp hành nghiêm túc TĐMT đã phê duyệt. Còn Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn xác nhận, thời điểm này nhà máy vẫn chưa hoạt động trở lại, nguyên do chủ yếu là chưa khắc phục các lỗi sai phạm về bảo vệ môi trường mà Tổng cục Môi trường đã yêu cầu.
TRẦN HỮU