Nhà máy thủy điện Sông Bung 2 tích nước trở lại

TRẦN HỮU 19/10/2018 02:10

Sau 2 năm khắc phục sự cố vỡ hầm dẫn dòng và tiếp tục đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng, đến nay Nhà máy thủy điện Sông Bung 2 (Nam Giang) đã đảm bảo an toàn đập và đủ điều kiện thực hiện tích nước hồ chứa trở lại đến mực nước dâng bình thường.

Tại cuộc họp đánh giá mức độ an toàn, sự vận hành tích nước trở lại của Nhà máy thủy điện Sông Bung 2 giữa UBND tỉnh với các ngành, huyện Nam Giang và chủ đầu tư Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2 (ngày 18.10), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn lưu ý, chủ đầu tư nhà máy thủy điện dựa vào kết quả đánh giá chất lượng công trình của đơn vị tư vấn, giám sát; thẩm định của Bộ Công Thương khẳng định phải đảm bảo tuyệt đối an toàn để UBND tỉnh đồng ý cho phép tích nước.

Khắc phục xong sự cố

Ngày 23.8.2016, UBND tỉnh đã cho phép tích nước hồ chứa Nhà máy thủy điện Sông Bung 2. Chủ đầu tư đã tiến hành đóng cửa van hầm dẫn dòng tích nước hồ chứa, bất ngờ ngày 13.9.2016 đã xảy ra sự cố vỡ đường ống, dẫn đến thất bại trong việc tích nước hồ chứa. Chủ đầu tư dự án thủy điện này là Tổng Công ty phát điện 2 và Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2 đã triển khai khắc phục hầm dẫn dòng đảm bảo an toàn chống lũ năm 2017 theo sơ đồ chống lũ được duyệt. Cụ thể các hạng mục công trình tuyến áp lực đã được thi công hoàn thành và nghiệm thu vào ngày 18.8.2017 được Sở Công Thương thống nhất kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư.

Theo Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2, chủ đầu tư đã thực hiện hạ/đóng cửa van CV1 ngày 28.8.2017 để đảm bảo an toàn theo phương án chống lũ năm 2017 và hoàn thành đổ bê tông sau cửa van. Từ tháng 9.2017, nước tự nhiên về hồ đã qua 3 cửa van xả lũ đập tràn tại cao trình 591m; đồng thời gấp rút triển khai thi công nút chính hầm dẫn dòng với hơn 7.000m3 bê tông. Kết quả quan trắc thủy văn hồ chứa năm 2017 cho thấy lưu lượng về hồ trung bình 30 - 50m3/s; mực nước hồ cao nhất là 593,5m, tương ứng lưu lượng về hồ lớn nhất là 267m3/s.

Đủ điều kiện tích nước trở lại

Nhà máy thủy điện Sông Bung 2 khởi công xây dựng cuối năm 2010. Ngày 15.12.2012 thì ngăn sông. Ngày 13.9.2016 đã xảy ra sự cố vỡ hầm dẫn dòng khi tích nước. Năm 2018 tích nước hồ chứa đến mực nước dâng bình thường và dự kiến cuối năm nay công trình sẽ hoàn thành.

Theo đánh giá kết quả quan trắc các hạng mục công trình tuyến áp lực (hầm dẫn dòng, đập dâng, đập tràn, cửa lấy nước) đều đảm bảo an toàn ổn định. Quan trắc sạt trượt và các vết nứt, khối sạt các vị trí cho kết quả số liệu chuyển vị các mốc quan trắc nằm trong giá trị cho phép. Bộ Công Thương đánh giá: “Kết quả phân tích, tính toán cho thấy về cơ bản hầu hết hạng mục công trình như đập dâng, đập tràn, cửa nhận nước, hầm dẫn nước, nhà máy, kênh xả… đều đảm bảo an toàn”. Ngoài sự cố vỡ đường ống hầm dẫn dòng, các hạng mục công trình khác đều đã vận hành thực tế qua 2 mùa lũ năm 2016 và 2017. Theo chủ đầu tư, công trình đến nay đã thi công hoàn thành, đủ điều kiện phục vụ tích nước hồ chứa trở lại năm 2018 đến mực nước dâng bình thường theo thiết kế. Công tác khắc phục sự cố năm 2016 và xử lý đảm bảo an toàn các hạng mục công trình sau sự cố đã được thi công, nghiệm thu hoàn thành theo quy định.

 Trong báo cáo ngày 2.10.2018 của Sở Công Thương, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Quang Thử khẳng định, qua kiểm tra bằng trực quan tại hiện trường, trên cơ sở báo cáo của chủ đầu tư và các cơ quan liên quan, đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành công tác khắc phục sự cố hầm dẫn dòng và đảm bảo đủ điều kiện để tích nước trở lại. Đơn vị tư vấn giám sát là Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 1 đánh giá công trình đảm bảo an toàn và được Bộ Công Thương phê duyệt.

Băn khoăn nhất hiện nay là chủ đầu tư chưa có phương án phòng chống lụt bão cho hạ du theo quy định mới của Nghị định 114 ngày 4.9.2018 có hiệu lực ngay tại thời điểm ban hành. Ông Trương Xuân Tý - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, theo quy định, Nhà máy thủy điện Sông Bung 2 phải làm phương án phòng chống lụt bão cho cả vùng hạ du. Trong trường hợp hạ du  chỉ mỗi huyện Nam Giang, thì phải xây dựng phương án phòng chống lụt bão do UBND huyện phê duyệt. Đây là một trong các thủ tục bắt buộc nếu nhà máy muốn tích nước vận hành, phát điện.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - ông Alăng Viết Sơn cho rằng, rút kinh nghiệm từ sự cố năm 2016, chính quyền huyện không nắm thông tin kịp thời, nên rất cần chủ đầu tư thủy điện phối hợp chủ động trao đổi với địa phương về công tác an sinh, đất đai, cảnh báo thiên tai và tuyên truyền trong cộng đồng thôn. Khi nhà máy tích nước, việc quản lý ghe thuyền qua lại trong lòng hồ sẽ khó khăn hơn vì chính quyền không thể cấm giao thông đường thủy được. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn, chủ đầu tư phải khẳng định rằng, các hạng mục công trình đã thi công tại Nhà máy thủy điện Sông Bung 2 tuyệt đối đảm bảo an toàn, đủ điều kiện tích nước trở lại, báo cáo UBND huyện Nam Giang để thông tin cho 6 xã khu vực hạ du nắm bắt. Phối hợp chặt chẽ với địa phương  trong việc bổ sung hệ thống loa cảnh báo, quan trắc trên sông Bung. Để phục vụ tích nước trong năm 2018, xác định hạ du của Sông Bung 2 là Sông Bung 4; rồi sau đó phải xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp theo tinh thần của quy định mới.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà máy thủy điện Sông Bung 2 tích nước trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO