Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn: Hàn lâm mà gần gũi

INRASARA 02/02/2019 05:46

Hơn 20 năm qua, khi từ Đức trở về Việt Nam sinh sống, Bùi Văn Nam Sơn đã dày công dịch, chú giải, giới thiệu nhiều bộ triết học kinh điển của Tây phương ra tiếng Việt, với ngôn ngữ tường minh, gần gũi đến lạ thường.

Bùi Văn Nam Sơn. Ảnh: Lý Đợi
Bùi Văn Nam Sơn. Ảnh: Lý Đợi

Theo Bùi Văn Sơn Nam, Việt Nam chưa có triết học thực thụ, chúng ta còn chưa nhận diện rõ sự thiếu khuyết, lại không chuẩn bị để vượt qua tình trạng “chưa trưởng thành” này. Do đó chúng ta cần bắt đầu ngay ở đây và ngay bây giờ. Và phải biết bắt đầu: học từ nền tảng kinh điển. Không đi đường vòng, càng không nóng vội đi tắt đón đầu.

Cần tư duy phản biện

Trong vài lần trò chuyện, Bùi Văn Nam Sơn từng bộc bạch: “Việc dịch, chú giải sách kinh điển là con đường ngắn nhất trong việc tiếp phát văn hóa. Người học cần tiếp xúc với tác phẩm đầu nguồn của khoa học thế giới. Đây là điểm yếu của nền học thuật Việt Nam, vì ta đang thiếu nhiều công cụ cơ sở cho người học. Phần tôi, vẫn tiếp tục cố gắng đóng góp một phần rất nhỏ vào tủ sách triết học cùng với nhiều người khác”.

Bộ Trò chuyện triết học (7 tập) trả lời rất nhiều câu hỏi đời thường về triết học.
Bộ Trò chuyện triết học (7 tập) trả lời rất nhiều câu hỏi đời thường về triết học.

Tôi nói Bùi Văn Nam Sơn là con người bình thường, bởi dù được/tự khai sáng để đạt tầm vóc của một nhà triết học, qua các văn bản đã in, anh cũng đã mang lại nhiều điều đáng kể, nhưng không xưng mình là triết gia, mà rất khiêm tốn, chấp nhận danh vị người đời gán cho: nhà nghiên cứu triết học.

Anh khởi đầu từ nền tảng của tri thức hàn lâm - tôi xin lặp lại, hàn lâm - nhưng với suy nghĩ làm sao tri thức ấy đến với đối tượng phổ thông, đối tượng mà triết gia xưa nay rất ngại, ngại và tránh.

Bộ sách “Chat với…” rất thú vị, làm nên dấu ấn triết gia
Bộ sách “Chat với…” rất thú vị, làm nên dấu ấn triết gia

Trong buổi trao đổi với Nguyễn Hữu Liêm - một giáo sư triết học tại Mỹ, người đã in vài tác phẩm triết học, trong đó có tác phẩm khá đồ sộ là Thời tính, hữu thể và ý chí - Một luận đề siêu hình học (2014), tôi hỏi: - Nếu dạy triết học ở đại học Việt Nam, anh bắt đầu từ đâu? - Từ tư duy phản biện (critical thinking)! - anh nói.

Nhưng câu hỏi đặt ra là: Khi chúng ta còn chưa có hiểu biết căn bản, thì làm sao ta có ngón nào đó để mà phản biện? Cần phải học căn bản là vậy. Tuy nhiên đại học chúng ta đến hôm nay vẫn chưa chuẩn bị cho sinh viên kiến thức triết học cơ bản đó. Làm gì? Và làm thế nào?

Bùi Văn Nam Sơn thì khá rành mạch: “Ngày nay, triết học không còn là đặc sản của những thiên tài cô độc hoặc của những triết gia chuyên nghiệp. Triết học sẽ dần dần trở thành món ăn tinh thần quen thuộc cho mọi người. (Tất nhiên người ta vẫn có thể sống mà không cần triết học cũng như có thể hô hấp và tiêu hóa mà không cần biết đến môn sinh lý học). Nó gắn liền với sự phát triển của khoa học và với lối sống hiện đại, tức với lối sống có suy nghĩ và có cái nhìn toàn diện. Lý thuyết khoa học là sự trừu tượng cấp một; triết học là sự trừu tượng cấp hai, thế thôi. Càng có năng lực tư duy trừu tượng, càng dễ tự định hướng trong mớ bòng bong của cuộc đời muôn mặt này”.

“Tám” về triết học

Bùi Văn Nam Sơn nói, và làm. Ngoài dịch, chú giải các bộ triết học kinh điển, đồ sộ như Phê phán lý tính thuần túy (2004), Phê phán năng lực phán đoán, Phê phán lý tính thực hành (2007)… của Kant; Hiện tượng học tinh thần (2006), Khoa học Lôgíc (2008), Các nguyên lý của triết học pháp quyền (2010)… của Hegel. Từ năm 2012 đến 2017, anh viết bộ Trò chuyện triết học (7 tập), rồi xuất bản các cuốn Chat với Hannah Arendt (2016), Chat với John Locke (2016), Chat với René Descartes (2017)…
Rồi anh còn hứa hẹn sẽ chat với Jean-Paul Sartre, Martin Heidegger... nữa. “Chat” là tán gẫu, là “tám” về triết học. Ngoài giảng đường, ở vỉa hè, trong cuộc lai rai, hoặc ở bất kỳ đâu có thể, để bàn về triết học. Không thực tế và độc đáo sao?

Chú họ nhà thơ Bùi Giáng
Bùi Văn Nam Sơn sinh năm 1947 tại Vĩnh Trinh (Duy Xuyên, Quảng Nam), hiện sống tại TP.Hồ Chí Minh. Về mặt dòng tộc, là chú họ của nhà thơ Bùi Giáng (1926-1998). Sử dụng được các cổ ngữ như Latin, Hebrew, Hán…; thông thạo tiếng Đức, Anh, Pháp, Hoa, Việt… Từ năm 1964 đến 1968, học triết tại Đại học Văn khoa (Sài Gòn), ngay sau đó sang Đức học triết tại Đại học J. W. Goethe, là học trò của hai triết gia Karl Otto Apel (1922-2017) và Habermas (sinh năm 1929). Làm việc, dạy triết tại Đức cho tới năm 1998, sau đó quay về Việt Nam sinh sống. Năm 2007 được trao giải thưởng Phan Châu Trinh về dịch thuật.

Tôi chưa đọc được tác giả Việt nào viết về triết học đơn giản, dễ hiểu và hấp dẫn thế. Trước đây, Lê Tôn Nghiêm hoặc Trần Đức Thảo thì hàn lâm quá, Phạm Công Thiện tài hoa, lôi cuốn nhưng đọc rồi... thì ít ai hiểu ông viết gì! Còn Bùi Giáng thì ôi thôi, chỉ có kẻ nhập cuộc chơi với ngôn ngữ và tư tưởng như ông, mới chịu được ông. Bùi Văn Nam Sơn thì khác, hàn lâm rất mực, mà vẫn gần gũi, đời thường kỳ lạ.

Có đọc hàng trăm thuật ngữ triết học của Martin Heidegger mà anh dịch lại - sau hơn 4 thập niên các tác giả khác đã dịch - mới biết anh hàn lâm, gần gũi và kỹ lưỡng cỡ nào. Và có nhìn thấy tận mắt hàng trăm độc giả chen chúc nhau đến với anh ở buổi giao lưu Trò chuyện triết học tại tòa soạn Báo Sài Gòn tiếp thị hồi tháng 6.2012, cũng như nhiều buổi nói chuyện triết học khác, mới thấy được sức hút của anh ra sao.

Tôi cho đó là một hiện tượng hiếm có trong cuộc chữ nghĩa hàn lâm của Việt Nam hôm nay.

Tóm lại, theo nhà nghiên cứu triết học họ Bùi, triết học không ở đâu xa, mà ở ngay cạnh mỗi người chúng ta; triết học không được quyền cho phép mình đứng cao hoặc thấp hơn con người. Và những gì anh nói và viết cũng không thể hiện anh cao hoặc thấp hơn độc giả phổ thông đến với anh, đọc tác phẩm anh.

Dưới góc độ tiếng Việt, đóng góp của anh về các thuật ngữ triết học và cách diễn đạt các tư tưởng trừu tượng là một bước tiến xa về nhận thức học thuật, về ngôn ngữ. Tôi nói anh vĩ đại mà bình thường, là vậy!

INRASARA

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn: Hàn lâm mà gần gũi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO