“Làm công tác biên khảo lịch sử, văn hóa rất vất vả, suốt ngày phải khổ công sưu tầm, đi thực tế, phải biết xử lý tư liệu, trình bày công trình, miệt mài trong phòng với máy vi tính, xung quanh bề bộn sách, báo, tờ ghi chép… Niềm vui là được nhìn thấy “đứa con tinh thần” của mình đăng trên báo hoặc in thành sách. Song vui hơn nữa, mình có thêm kiến thức về văn hóa, về sau con cháu chúng ta còn biết nguồn gốc đình làng, di tích lịch sử, làng nghề truyền thống, ca dao tục ngữ…” - Nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban tâm sự nỗi niềm buồn vui nghề nghiệp như thế.
Nhà giáo ưu tú
Một buổi sáng, chúng tôi tìm đến ông tại số nhà 1358, đường 23/10, vùng ngoại ô TP.Nha Trang (Khánh Hòa). Ông có mái tóc bạc, người hao gầy, miệng luôn nở nụ cười, nhanh nhẹn so với tuổi. Ông dắt chúng tôi lên căn phòng riêng của mình. Đó là một căn phòng lớn chứa đầy sách báo, xếp thành kệ, thành hàng, đủ thể loại và nhiều vô kể, giống như một thư viện chuyên ngành. Ông bảo: “Từ nhỏ, mình đã nghiện đọc sách báo. Sách thể loại nào cũng đọc, miễn là chữ, miễn là sách. May mà vợ mình làm nghề giáo viên, cũng là người thích đọc sách. Chính vì vậy, mỗi lần đi đâu có quyển sách hay đều mua về, dần dần mấy chục năm qua, mới có được tủ sách gia đình như hôm nay…”.
Nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban sinh ngày 6.5.1942, quê ở Khánh Hòa, trước đây vốn là nhà giáo. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, khóa 1966-1970, ban Việt- Hán. Ông từng dạy các trường trung học ở Ninh Hòa, Diên Khánh, rồi Hà Huy Tập (Nha Trang) và cũng trải qua nhiều chức vụ Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng. Năm 1998, ông được phong Nhà giáo ưu tú. Ông tâm sự rằng, ngay từ thời sinh viên, ông đã đam mê viết lách. Ban đầu ông tập tành sáng tác thơ, truyện, nhưng rồi thấy không hợp với khả năng mình nên chuyển sang nghiên cứu và cũng có bài đăng báo, tạp chí. Những tác phẩm đầu đời ấy, vui lắm, lưu luyến mãi không quên, chính vì vậy nó thôi thúc những tác phẩm tiếp theo. Vừa dạy, vừa quản lý trường học, ông không có thời gian sưu tầm, nghiên cứu cho đam mê của mình, song trong lòng vẫn nung nấu, vẫn ấp ủ….
Năm 2004, ông nghỉ hưu, mới chính thức tập trung vào công việc nghiên cứu nhiều hơn. Bốn năm sau, ông ra cuốn sách đầu tiên của riêng mình với tựa đề: “Địa danh Khánh Hòa Xưa và Nay”, đã đoạt giải nhì chuyên ngành Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (VNDGVN). Cuốn sách này viết về địa danh Khánh Hòa, có đến 7 - 8 trăm mục từ. Các ban ngành trong tỉnh, khi làm đề tài khoa học có liên quan đến địa danh trong tỉnh đều lấy tư liệu từ cuốn sách này. Nhiều người quen biết, khi đọc cuốn sách xong gặp ông gọi đùa: “Nhà Khánh Hòa học”. Như được đà, từ đây ông đắm chìm trong đam mê nghiên cứu.
Như ong hút mật cho đời
Hàng ngày dù nắng hay mưa, ông đều luôn làm việc cật lực. Ban ngày phải lặn lội về các huyện, tìm những làng nghề truyền thống như đúc đồng, bánh tráng, làm nem…, nhận xét cái hay cái đẹp làng nghề, phỏng vấn, ghi chép, viết bài. Những huyện gần thì ông đi xe buýt, những huyện xa thì ông đi xe đò. Có nhiều khi trễ chuyến xe ông phải ở luôn cơ sở. May mà, ông vốn là nhà giáo đã 34 năm trong nghề, nên đi đến chỗ nào cũng có học trò yêu quý giúp đỡ tận tình. Rồi đêm về, ông lại ngồi một mình với cái vi tính gõ cốc cốc, ghi ghi, chép chép đánh dấu các thư mục. Chính vì lao động miệt mài như vậy, năm 2011 ông lại ra đời tiếp 2 cuốn sách nghiên cứu, sưu tầm “Một số nghề, làng truyền thống và văn hóa ẩm thực Khánh Hòa”, do Hội VNDGVN liên kết với NXB Thanh Niên xuất bản và cuốn “Chân dung con người qua cái nhìn Việt Nam”, (tập 1), do Hội VNDGVN liên kết với NXB Dân Trí xuất bản. Đến năm 2013, ông ra tiếp tập 2, tập 3 cùng một chủ đề: “Chân dung con người qua cái nhìn Việt Nam”. Riêng về cuốn sách chủ đề này, ông đã tìm tòi trong gian sách nhà mình, trong thư viện, chọn lọc hơn 80 tài liệu tham khảo, trong đó có 23 cuốn từ điển các loại. Ngoài ra, ông còn gặp gỡ các bậc cao niên có vốn hiểu biết rộng về ca dao, tục ngữ để ghi lại những câu, từ chỉ về diện mạo con người. Giới thiệu về tập sách của mình, ông cho rằng, ca dao, tục ngữ, câu đố của người xưa rất tinh tế, những ý tứ khen chê, phê phán rất dí dỏm. Ví như nói đến cái mặt đẹp: mặt hoa, mặt như trăng rằm, mặt phúc hậu, mặt trái xoan, mặt tiên nữ, mặt chữ điền… Hay những câu ca dao, tục ngữ về cái mặt: “Chửa đánh người, mặt đỏ như vong/ Đánh được người, mặt vàng như nghệ....”. “Em ơi ngoảnh mặt lại đây/ Anh nhìn thấy mặt cho khuây tấm lòng…”. Hay nói về cái tay: “Khi xưa ngọc ở tay ta/ Vì ta chểnh mảng ngọc qua tay người”… “Làm phúc quá tay, ăn mày chẳng kịp”. “Lật lọng như trở bàn tay”... Từ đó cho thấy, trí tuệ và tâm hồn con người Việt Nam thật tuyệt vời. Cuốn sách này, tập biên khảo nào cũng dày hơn 500 trang và cũng đều được giải thưởng chuyên ngành ở Hội VNDGVN.
Ngoài những đầu sách cho riêng mình, ông còn tham gia làm đề tài khoa học trong tỉnh và làm chung nhiều công trình với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Triều Dương. Tiêu biểu trong hai năm 2013 và 2014, ông và nhà nghiên cứu Võ Triều Dương cho ra đời hai cuốn sách: “Hái lượm và săn bắt của người dân vùng đất Khánh Hòa xưa”, và “Chợ, quán vùng đất Ninh Hòa (Khánh Hòa) xưa và nay”. Hai cuốn sách này đều đoạt giải nhì chuyên ngành Hội VNDGVN. Ông tâm sự rằng: “Một người ở Nha Trang, một người ở Ninh Hòa, làm chung việc đi lại rất khó khăn. Cùng làm với Võ Triều Dương 2 công trình này, hai anh em phải đi nhiều nơi trong tỉnh để tìm hiểu, phỏng vấn, chụp hình… Khổ nhất là đi tìm các dụng cụ săn bắt heo rừng xưa mà nay ít ai còn lưu giữ. Viết về các chợ ở các xã, phường Ninh Hòa, có chợ nay không còn dấu tích, phải tìm trong thư tịch, phỏng vấn người già. Ngoài ra, còn phải tìm hiểu thêm nghề mua bán rong trong các làng xã, những mánh khóe gian lận trong nghề mua bán... May mà hai anh em cùng tâm đắc đề tài này, nên làm việc quên đi mệt mỏi. Vui nhất là mình có thêm kiến thức về văn hóa vùng đất đó…”.
Từ Khánh Hòa ra xứ Quảng
Năm 2015 vừa qua, ông lại tiếp tục đoạt giải nhì chuyên ngành Hội VNDGVN với bản thảo cuốn sách mang tựa đề: “Tìm hiểu địa danh Việt Nam: - Địa danh dọc đường ven biển Khánh Hòa qua ca dao, truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian địa phương - Quảng Nam, những địa danh ghi dấu qua ca dao xứ Quảng”. Nói về cuốn sách này, ông chân thành kể rằng: “Cuốn sách này cũng vất vả như bao nhiêu cuốn sách khác, cũng tự nhốt mình trong đống sách, cần mẫn mày mò tài liệu, cũng tham khảo, cũng ghi ghi, chép chép. May mà, về địa danh Khánh Hòa tôi đã thực hiện từ lâu, khi viết tác phẩm trên, tôi chỉ bổ sung phần nào cho phù hợp với nội dung đề tài. Nhưng ở Quảng Nam, tôi không có điều kiện ra nhiều lần như các cuốn sách khác. Cũng may, ngoài là hội viên Hội VNDGVN, hội viên Hội VNDG Khánh Hòa, tôi còn là Hội viên Hội VNDG Đà Nẵng. Chính vì vậy, sau khi hoàn thành bản thảo, tôi có gửi ra Đà Nẵng nhờ số anh em đọc, góp ý, sửa chữa, bổ sung. Nhân đây, tôi cũng gửi lời cám ơn các anh em, đồng nghiệp đã hỗ trợ cho tôi hoàn thành tác phẩm này”.
Mới đây, ngày 1.9.2016 vừa qua, ông lại đoạt giải nhì, giải thưởng 5 năm của VHNT tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011- 2015. Đến nay, ông đã có trên 10 đầu sách về sưu tầm, nghiên cứu và đoạt hơn 22 giải thưởng chuyên ngành địa phương và Trung ương.
Mặc dù nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban đã 73 tuổi, song ông vẫn còn làm việc cần mẫn như ong hút mật cho đời, còn nhiều ấp ủ, thai nghén nhiều cuốn sách. Dự định trong năm nay cũng như những năm kế tiếp, ông sẽ ra những cuốn sách mới. Ông thành thật tâm sự: “Bây giờ mình chỉ mong sao sức khỏe tốt. Mong thời gian chậm lại, để mình tiếp tục làm việc, cống hiến!...”.
LÊ ĐỨC QUANG