Albert Sallet được tôn vinh là nhà “Quảng Nam học” không những vì ông đã nhiều năm sống, làm việc, có nhiều hiểu biết mà còn vì là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa - lịch sử vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng.
Vài nét về Albert Sallet
Albert Sallet sinh ngày 17.9.1877 tại làng La Souterraine thuộc Toulouse - một thành phố vùng Tây Nam nước Pháp, nằm bên sông Garonne, giữa đoạn đường nối Đại Tây Dương với Địa Trung Hải. Năm 1899, ông trở thành sinh viên của trường Chăm sóc sức khỏe Hải quân và thuộc địa. Tháng 12.1902 ông tốt nghiệp Y sĩ quân y. Năm 1903, ông được đưa sang thực tập ở Đông Dương với tư cách một y sĩ dân sự làm việc tại Sở Y tế Hà Nội. Tại đây ông tham gia chương trình tiêm chủng ngừa bệnh đậu mùa cho dân chúng.
Sau chuyến nghỉ phép tại Pháp, năm 1906 Sallet quay lại Việt Nam và làm việc trong một bệnh viện dã chiến tại Đà Nẵng thuộc Binh đoàn Thuộc địa. Năm 1910, ông cưới vợ, một cô gái thuộc gia đình Morin đang làm việc tại Đà Nẵng. Thời gian này ông tham gia chống bệnh dịch hạch hoành hành ở miền Trung. Với thành tích chống dịch, ông được thưởng Huy chương (1911) và giấy khen của Bộ trưởng Bộ Chiến tranh (1912).
Năm 1916, Sallet được bổ đến làm việc tại Bệnh viện Faifoo (Hội An), tại đây ông bắt đầu đam mê nghiên cứu về văn minh Chămpa. Năm 1925, ông xin giải ngũ để toàn tâm vào việc nghiên cứu văn hóa bản địa. Năm 1930, ông quay trở về Pháp và làm Giám đốc Bảo tàng George Labit, Bảo tàng Á châu lớn thứ hai của Pháp. Ông mất ngày 7.2.1948 tại quê nhà, thọ 71 tuổi.
Albert Sallet là người làm việc nhiều năm ở vùng Quảng Nam - Đà Nẵng, có nhiều hiểu biết và gắn bó với vùng đất này. Ông là người thông thạo tiếng Việt, tiếng Chăm, có bằng Thông dịch viên tiếng Việt. Ông sống ở đây gần 24 năm (có thời gian ngắn làm việc tại Phan Thiết).
Năm 1913, ông tham gia sáng lập Hội Đô thành Hiếu cổ (A.A.V.H) và trở thành nhân vật thứ 2 của hội, giữ vai trò là thư ký của Tập san của Hội (B.A.V.H). Hội Đô thành Hiếu cổ còn gọi là Hội những người bạn của Huế xưa, có mục đích: “sưu tầm, bảo tồn và truyền đạt những dấu tích xưa về chính trị, tôn giáo, nghệ thuật và văn học châu Âu cũng như bản xứ liên quan đến Huế và vùng phụ cận”.
Năm 1919, ông tham gia xây dựng Viện Cổ Chăm tại Đà Nẵng. Năm 1926, ông gia nhập Trường Viễn Đông Bác cổ và được trường cử làm Quyền Giám đốc Viện Cổ Chăm tại Đà Nẵng và đảm nhận công việc giám sát xuất khẩu các tác phẩm nghệ thuật Đông Dương.
Albert Sallet có nhiều công trình nghiên cứu tâm huyết, có chiều sâu về vùng đất Quảng Nam đăng trên BAVH. “Albert Sallet là một trong những học giả người Pháp xông xáo nhất trong quá trình khám phá, nghiên cứu và bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt, người Chăm và các sắc dân thiểu số bản địa trên địa bàn Quảng Nam…”, những nghiên cứu đó “khiến cho những nhà nghiên cứu hậu thế kính phục và tôn vinh ông là “nhà Quảng Nam dân tộc học xuất chúng” (Trần Đức Anh Sơn).
Những biên khảo về Quảng Nam
Nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy đã có công sưu tầm những công trình của Albert Sallet và hình thành Thư mục Albert Sallet (Quảng Nam và những vấn đề sử học, Nxb VHTT, 2005) với gần 60 nghiên cứu thuộc đủ mọi lĩnh vực từ dân tộc học đến khảo cổ, kiến trúc, lịch sử, địa lý, thực vật, y học… đăng trong nhiều Tập san và Kỷ yếu như của BAVH (tập san của Hội Đô thành Hiếu cổ), BEFEO (Tập san của Trường Viễn Đông Bác cổ), B.E (kỷ yếu Kinh tế Đông Dương), BSEI (Kỷ yếu Hội nghiên cứu Đông Dương), MASIT (Kỷ yếu Viện Hàn lâm khoa học, Bi ký và Văn chương thành phố Toulouse)…
Trong số các nghiên cứu này có 6 nghiên cứu hoàn toàn chỉ đề cập vùng Quảng Nam - Đà Nẵng. Tuy nhiên những nghiên cứu khác về thực vật (cây hà thủ ô, cây mã đề, cây sả…), về y học (sán đường ruột và khoa trị liệu của người An Nam và người Minh Hương, Y học An Nam và cách bào chế thuốc…) hay về văn minh của người Chăm… tuy nói đến những vấn đề chung, hay cho cả vùng Trung Kỳ nhưng cũng đều được nghiên cứu, khảo sát một phần từ vùng Quảng Nam - Đà Nẵng. Sáu biên khảo về vùng Quảng Nam đều là những công trình quan trọng có giá trị lớn:
- Hội An xưa (Kỷ niệm Chàm, Kỷ niệm Nhật Bản, Những ngôi mộ người Châu Âu). BAVH, năm 1923.
- Lưu dấu Chàm trong truyền thống dân gian và tín ngưỡng của người An Nam tại Quảng Nam. BAVH, 1923.
- Những cụm núi cẩm thạch Ngũ Hành Sơn. BAVH, 1924.
- Núi Bà Nà, điểm cao của Trung Trung Kỳ. BAVH, 1924.
- Cuộc viễn chinh của Pháp và Y pha nho tại Trung Trung Kỳ, đánh chiếm Đà Nẵng năm 1858 - 1859. BAVH, 1928.
- Mộ bia châu Âu nằm trong bệnh viện Hội An. BAVH, 1928.
Công trình nghiên cứu về Ngũ Hành Sơn của ông dài 195 trang, trong đó có 43 trang ảnh chụp về phong cảnh và tăng sĩ ở Ngũ Hành Sơn, 6 trang sơ đồ vẽ vị trí các hòn núi, mạng lưới sông ngòi, các khu vực dân cư thuộc Ngũ Hành Sơn và phụ cận, 2 trang họa đồ vẽ các vị trí các chùa, động, nơi thờ tự ở núi Tam Thai và hòn Thủy Sơn.
Nghiên cứu này gồm 8 chương với nội dung phong phú gồm: Mô tả tổng thể và từng ngọn núi (đồng thời đối chiếu so sánh với những mô tả trong các tài liệu trước); đặc điểm địa chất và động thực vật; sự tích và lịch sử; cuộc sống và sự thờ cúng của các tu sĩ; nghề khai thác và chế biến đá; giới thiệu hai văn bia trên núi và hướng dẫn các tuyến đường để đến tham quan Ngũ Hành Sơn.
Có thể xem đây là công trình đầy đủ nhất, cơ bản nhất về ngọn núi này mà bất cứ một nhà nghiên cứu nào sau ông cũng đều phải tham khảo.
Nhưng có lẽ biên khảo “Lưu dấu Chàm trong truyền thống dân gian và tín ngưỡng của người An Nam tại Quảng Nam” đăng trên BAVH năm 1923 là nghiên cứu quan trọng, thông thái và công phu nhất làm nên tên tuổi của ông và ông xứng đáng nhận danh hiệu “nhà Quảng Nam học”. Để thực hiện công trình nghiên cứu này Sallet đã lặn lội khắp “hang cùng ngõ hẻm” của xứ Quảng, không chỉ là các nơi có nhiều di tích quan trọng như Đồng Dương, Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Chiên Đàn, Khương Mỹ, Bằng An, Ngũ Hành Sơn mà còn hơn 40 địa danh khác ở Đà Nẵng, Hòa Vang, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn, Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành…, nhiều nơi chỉ có một vài di tích nhỏ, một tấm bia, một giếng Chăm, một viên đá, một pho tượng Chăm. Ông cũng từng leo lên tận Núi Chúa, lội sông Thu Bồn để khảo sát văn bia Chăm chìm dưới nước ở Chiêm Sơn (Duy Xuyên) và Thạch Bích (Nông Sơn).
Albert Sallet (cùng với Parmentier, Finot, Yersin, J. Roux…) đã góp phần làm cho bộ mặt của chủ nghĩa thực dân Pháp bớt “nham nhở”. Họ thuộc thế hệ “thứ hai” mang tư tưởng du thám, thích nghi, khám phá và tôn trọng những giá trị bản xứ bằng những nghiên cứu biên khảo giá trị!