Người nhà quê hỏi người làm ở tỉnh sao thường… say. Chừng như ngày nào ra phố cũng thấy quán nhậu tràn. Tiền ở đâu không biết, người đâu về không rõ, chỉ thấy quán nhậu, quán cà phê thì vẫn đầy người. Nhà quê buồn, chiều “giải mỏi” bằng dăm con cá khô lai rai vài xị đế. Còn người ở tỉnh, ở phố uống bia như suối đổ, tiền ở đâu mà lắm thế?
Con của người nhà quê giờ ở tỉnh, đâu rõ hết chuyện người ta thế nào, chỉ thấy chuyện mình cũng lắm hệ lụy. Quan hệ đủ thứ nhì nhằng. Mà mối quan hệ nào cũng thường nói chuyện dăm ba câu rồi kéo ra quán. Vui: uống! Buồn: uống! Không vui không buồn, không nắng không mưa, cũng uống!
Những cái quán ở phố đó, hồi mới chia/tái lập tỉnh, cứ cuối tuần là vắng ngơ vắng ngắt. “Cô hàng bán sách lim dim ngủ”, đã đành. Những cô sòn sòn hoặc tươi phơ phớ trong mấy quán xanh đỏ cũng liu thiu. Ngã ba đi lên ngọn nguồn xứ “cao sơn ngọc quế” thì còn nhà quê rõ lắm. Chỉ có quế phơi cùng rơm rạ. Bây giờ chỗ ấy dập dìu cả một phố nhậu, đủ cả sơn hào hải vị. Ngã ba đi về phía biển, bên chân cây cầu, xập xệ vài ba quán, mùi cá hấp trộn mùi cá ươn phía chợ. Nay thì cả một phố nhậu kéo dài suốt cả bờ sông. Lạ thay, chỉ có mấy miếng tôn quây lại, người ta có thể giải quyết cái đầu ra cho sự uống, rồi chẳng bao lâu nữa sông cũng tanh tức tưởi.
Ừ thì phố đẹp ra biết bao nhiêu đó. Nào những bùng binh và tháp truyền hình đèn đỏ đèn xanh. Nào những con đường quang rạng có hoa cỏ điểm tô. Nào trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn. Nào nhà cửa, công trình trụ sở bề thế khang trang… Cái được cũng nhiều mà nhiêu khê cũng lắm. Đường xây dở dang không khớp nối ở một số khu dân cư làm ra cảnh lỡ quê lỡ chợ. Rồi nạn đào lên lấp xuống khiến những con đường oằn mình bụi bặm, ổ gà. Nào hồ điều hòa mát mẻ quanh năm nhưng… không hiếm khi bốc mùi vì ô nhiễm. Nào những góc chợ tràn ra đường. Nào mắt xanh mỏ đỏ còn bu bám lẩn khuất trong những hóc phố, có cả “hàng lược”, “hàng thớt”, “hàng chim”…
Trong chuyện người chuyện phố còn thấy những dở dang. Phố là nơi tụ về của bao tinh hoa và rác rưởi. Xưa cũng như nay, đều thế, chỉ có cách quản lý đô thị thông minh mới tìm ra được lời giải. Mà cách ấy ở đâu? Ở con người. Ở tư duy, tầm nhìn đầu tư. Ở chiến lược khuyến khích và kìm chế. Một phố Hội mấy trăm năm từng được vinh danh di sản nhân loại nhưng phải nỗ lực từng giờ để kìm chế tình trạng gây ô nhiễm, tiếng ồn, ngăn chặn tội phạm nẩy sinh. Vậy thì một phố trẻ, mới mở rộng, chỉnh trang thành một đô hội của tỉnh sẽ còn nhiều việc phải làm. Vậy thì… người nhà quê lại hỏi, thành phố sẽ khuyến khích cái gì từ những dãy phố nhậu “bình dân” san sát? Có đấy, giải quyết cho dân nghèo thành thị tìm kế mưu sinh từ dịch vụ buôn bán. Nhưng sẽ bao lâu nữa? Và ai sẽ cho họ thấy con đường nào từ quê lên phố không mang theo những thách thức ô nhiễm cùng khuôn mặt nhàu nhĩ hốc hác vì những đồng bạc lẻ? Phải chăng cả nước nhậu gần 4 tỷ lít bia mỗi năm nên có chi đâu mà xót chỗ này? Ôi, sau những cơn say bất tận vẫn để lại nỗi đắng đót của Kiều: “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh/ Giật mình, mình lại thương mình xót xa”.
ĐĂNG QUANG