(QNO) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP về hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10.2020 trên địa bàn một số địa phương miền Trung và Tây Nguyên.
Nghị quyết nêu rõ, trong tháng 10.2020, tình hình thiên tai, mưa lũ, ngập lụt ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhân dân, đặc biệt đã làm số lượng lớn nhà ở của người dân bị sập, trôi hoặc hư hỏng nặng tác động nghiêm trọng đến ổn định đời sống của nhân dân.
Theo đó, thực hiện hỗ trợ các tỉnh chịu tác động nghiêm trọng bởi thiên tai gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum để kịp thời khắc phục thiệt hại về nhà ở của người dân, nhanh chóng ổn định đời sống cho người dân, đảm bảo trật tự xã hội.
Ưu tiên dành nguồn lực ngân sách nhà nuớc, trong đó chủ yếu là ngân sách trung ương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để hỗ trợ người dân xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở bị sập, trôi, hư hỏng nặng. Việc hỗ trợ phải đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; tránh trục lợi chính sách; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không nhận hỗ trợ.
Các địa phương khác có người dân chịu thiệt hại về nhà ở do thiên tai, thực hiện hỗ trợ người dân theo chế độ quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP (ngày 21.10.2013) quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương này theo quy định tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.
Cụ thể, hỗ trợ các hộ gia đình có nhà ở bị đổ, sập, trôi, hư hỏng nặng do thiên tai gây ra. Trong đó, đối với nhà bị sập, đổ, trôi hoàn toàn, ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ. Đối với nhà bị hư hỏng nặng, ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ.
Căn cứ mức độ thiệt hại về nhà ở và mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương, các địa phương chủ động sử dụng ngân sách của mình và huy động thêm các nguồn lực hợp pháp khác để quyết định mức hỗ trợ cho các hộ dân cho phù hợp.
Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh nói trên tổ chức rà soát, thống kê và phân loại mức độ thiệt hại về nhà ở của người dân trên địa bàn, báo cáo Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương; chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của số liệu báo cáo và việc triển khai thực hiện chính sách theo nghị quyết này. Thời gian rà soát báo cáo trước ngày 20.11, quá thời hạn trên, các địa phương có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương để thực hiện, ngân sách trung ương không hỗ trợ.
Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ động cân đối dự phòng ngân sách trung ương để thực hiện cơ chế, chính sách tại nghị quyết này trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất việc hỗ trợ khắc phục thiệt hại về nhà ở theo quy định, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra tình hình hỗ trợ khắc phục thiệt hại về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10 trên địa bàn một số địa phương miền Trung, Tây Nguyên.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam và các tổ chức đoàn thể phối hợp sử ụng kinh phí huy động được từ các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện để bổ sung nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho người dân theo quy định tại nghị quyết này, hạn chế trùng lắp với các đối tượng đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Tham gia kiểm tra, giám sát để việc triển khai đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, tránh tình trạng trục lợi chính sách.