Nhà soạn tuồng lỗi lạc xứ Quảng

TRẦN TRUNG SÁNG 20/04/2013 15:49

Tống Phước Phổ, nhà viết tuồng lỗi lạc xứ Quảng, xuất thân trong gia đình có truyền thống học vấn, nhưng “yếu tố” đó chưa phải là tất cả để làm nên tài năng. Cuộc đời sáng tác của ông cho thấy, không hề có sự dễ dãi trong nghề soạn tuồng…

Cụ Tống Phước Phổ sinh năm 1902 tại làng An Quán (Điện Bàn) trong một gia đình có truyền thống học vấn và yêu nước. Từ nhỏ, Tống Phước Phổ đã bộc lộ tư chất thông minh cùng đam mê văn chương, nghệ thuật. Mẹ ông là cháu nội Tổng đốc Hoàng Diệu. Cụ Nguyễn Hiển Dĩnh, soạn giả tuồng trứ danh, là cậu của ông. Khi còn bé, ông thường được cụ Nguyễn Hiển Dĩnh cho đi theo xem tuồng và làm thư ký chép tuồng cho gánh hát của cụ. Cứ mỗi khi cụ Dĩnh nghĩ ra câu nào thì đều đọc ra cho ông chép lại, sau đó cụ sửa chữa, giảng giải tỉ mỉ các điển tích, từ lý trong kịch bản. Có lẽ nhờ quá trình đó mà Tống Phước Phổ thuộc rất nhiều vở tuồng, để rồi đi sâu vào môn nghệ thuật này.

Biểu diễn  trích đoạn “Kiều Nguyệt Nga cống Hồ” do diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn.                                                                                                                        Ảnh: T.T.S
Biểu diễn trích đoạn “Kiều Nguyệt Nga cống Hồ” do diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn. Ảnh: T.T.S
 “Viết một bản tuồng là đem hết bình sinh sở học của mình để đúc kết chứ không phải đụng đâu viết đấy, viết thế nào cũng được, miễn xuôi tai thì thôi”
(Cụ TỐNG PHƯỚC PHỔ)

Năm 18 tuổi, ông đã sáng tác vở tuồng “Lâm Sanh, Xuân Nương”, được cụ Nguyễn Hiển Dĩnh ngợi khen. Tiếp đó, ông viết những tác phẩm: Phạm Công Cúc Hoa, Lục Vân Tiên… Tổng cộng, trong hơn 70 năm gắn bó với nghệ thuật tuồng, Tống Phước Phổ đã đọc và viết không ngừng nghỉ, có đề tài phải viết đi viết lại hàng chục lần như viết về Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Trưng Nữ Vương… Ông không cho phép sự dễ dãi len vào nghệ thuật bác học của dân tộc. Ông từng nói: “Viết một bản tuồng là đem hết bình sinh sở học của mình để đúc kết chứ không phải đụng đâu viết đấy, viết thế nào cũng được, miễn xuôi tai thì thôi”. Qua đó, Tống Phước Phổ đã để lại cho hậu thế gần 100 vở tuồng có giá trị, kể cả chuyển thể từ tiểu thuyết, từ truyện Trung Quốc. Tác phẩm của ông thường chứa đựng nội dung  sâu sắc, bộc lộ tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm, văn chương trau chuốt, mượt mà, giàu tính sân khấu mà bình dị… Trong đó có nhiều vở tuồng rất quen thuộc với công chúng như: Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lam Sơn tụ nghĩa, An Tư công chúa, Sao Khuê trời Việt, Lục Vân Tiên...

Hội thảo về danh nhân tuồng Tống Phước Phổ do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Sở VH-TT&DL TP.Đà Nẵng vừa phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông, cũng là dịp Bộ VH-TT&DL truy tặng “Giải thưởng Đào Tấn” cho cụ Tống Phước Phổ.
Theo GS. Hoàng Chương (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam), căn cứ trên số lượng và chất lượng tác phẩm, có thể khẳng định: Sau Đào Tấn, Nguyễn Diêu và Nguyễn Hiển Dĩnh thì Tống Phước Phổ là soạn giả lớn nhất của sân khấu tuồng trong thế kỷ qua. Xét theo đề tài, ông là tác giả lớn nhất của nghệ thuật tuồng Cách mạng Việt Nam.
Tống Phước Phổ mất vào ngày 31.8.1991 tại Đà Nẵng. Năm 1996, ông được Nhà nước tặng danh hiệu NSND và Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên. Hiện nhà lưu niệm của ông được đặt tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng). TP.Đà Nẵng cũng có con đường mang tên Tống Phước Phổ. 

Ngoài sở trường soạn tuồng, Tống Phước Phổ còn là một nhà thơ có tài. Trong tập sách “Tống Phước Phổ - cây đại thụ tuồng”, GS. Hoàng Chương đã sưu tầm và công bố gồm 75 bài thơ gan ruột của Tống Phước Phổ, thể hiện tư tưởng, tài năng và cốt cách của một nghệ sĩ chân chính với cái tâm trong sáng, yêu nghề và yêu đời... Tống Phước Phổ cũng là một trong những nghệ sĩ tuồng đầu tiên khoác  ba lô cùng các nghệ nhân tuồng ra tiền tuyến phục vụ kháng chiến. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, và từ những năm 30 của thế kỷ XX ông đã đứng vào hàng ngũ của Đảng, là Bí thư Chi bộ “Cu li” kéo xe ở Sài Gòn; từng bị chế độ bảo hộ kết án tù 1 năm (năm 1931). Ông hoạt động cùng nhóm với Lý Tự Trọng tham gia bảo vệ đồng chí Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam).

Từ 1940-1945, ông  cùng Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu thành lập gánh hát Tân Thành và đào tạo lớp diễn viên trẻ để nối nghiệp. Gánh hát này một thời vang bóng ở các miền quê Quảng Nam. Năm 1948, ông cùng Võ Bá Huân (sau này là Giám đốc Sở Công an Liên khu 5) vận động thành lập đoàn tuồng biểu diễn lấy tiền ủng hộ quỹ kháng chiến, gây dựng lại phong trào tuồng đang bị phân tán. Đây là tiền thân của Đoàn tuồng Liên khu 5 (cũ) và là Nhà hát tuồng Đào Tấn - Bình Định, nơi ông sống, lao động nghệ thuật ngót 40 năm sau chiến tranh... Trong sự nghiệp sáng tác tuồng của mình, vở diễn mà Tống Phước Phổ tâm đắc nhất là vở “Trưng Vương đề cờ”. Theo lời kể của ông, thì vở tuồng này được viết năm 1927, sau đó chỉnh sửa vào các năm 1930, 1945, 1947. Như vậy, hơn 20 năm với 5 lần chỉnh sửa ông mới thực sự hài lòng. Cũng chính vì vậy, tác phẩm này được xem là một vở tuồng mẫu mực của đề tài tuồng lịch sử, đến ngày nay vẫn khẳng định được vị trí quan  trọng trong kịch mục của các đơn vị nghệ thuật tuồng trên cả nước

 NSƯT Cao Đình Liên, người có điều kiện gần gũi Tống Phước Phổ trong những năm tháng cuối đời, kể lại: “Ông Phổ rất đặc biệt, vui nhưng ít nói, mà nói câu nào là điếng câu đó. Chẳng hạn, thấy mấy bác có hơi men, cãi cọ nhau, ông chỉ nói hai tiếng “tiểu khí” rồi bỏ đi… Tết đến, ông gọi toàn bộ trẻ con trong xóm đến mừng tuổi”. Cố giáo sư Hoàng Châu Ký trong lời đề trên bàn thờ ông đã viết: “… Mang mang thế cuộc, thanh tâm nhất phiến, bảo bảo thiên chân”, để nói lên tấm lòng “như ngọc” (bảo bảo), cái tâm trong sáng (thanh tâm) của một nghệ sĩ, một nhân cách đáng trọng Tống Phước Phổ.

TRẦN TRUNG SÁNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà soạn tuồng lỗi lạc xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO