Nhà tạm lánh an toàn

DIỄM LỆ 23/05/2018 14:41

Trạm Y tế xã Tam Giang (Núi Thành) thành nhà tạm lánh an toàn dành cho nạn nhân bị bạo lực gia đình. Đây là mô hình điểm của huyện Núi Thành trong xây dựng địa chỉ tin cậy cho người dân khi họ cần đến sự giúp đỡ của cộng đồng.

Trạm Y tế xã Tam Giang được chọn là địa chỉ tạm lánh an toàn cho người bị bạo lực. Ảnh: D.L
Trạm Y tế xã Tam Giang được chọn là địa chỉ tạm lánh an toàn cho người bị bạo lực. Ảnh: D.L

Thiết thực

Tại thôn Đông Mỹ của xã Tam Giang, nhiều vụ bạo hành gia đình vẫn còn diễn ra trong thời gian dài. Ông Nguyễn Văn Liền - Trưởng thôn Đông Mỹ nói rằng có những vụ bạo lực xảy ra không phân biệt lứa tuổi, già có, trẻ có. Như câu chuyện của hai vợ chồng già, ông cụ đã hơn 80 tuổi, bà cụ hơn 70 tuổi. Nhiều hôm uống rượu say về, ông cụ nổi lên ghen tuông, mang dao rựa rượt bà cụ chạy quanh xóm. Những người hàng xóm thấy vậy phải chạy ra can ngăn, dỗ ông cụ về nhà nghỉ, rồi cho bà cụ vào nhà trú tạm.

Ban nhân dân thôn Đông Mỹ và những người làm công tác dân vận của thôn phải khuyên nhủ lời lẽ thiệt hơn, lựa lời nói với ông cụ để ông bỏ rượu, giữ tinh thần tỉnh táo vui sống tuổi già. Nói một lần không được thì đến lần hai, lần ba và nhiều lần như thế nữa. Sự bền bỉ của Ban nhân dân thôn Đông Mỹ, lời khuyên của những người hàng xóm láng giềng trong thời gian dài đã giúp cụ ông nhận ra lẽ phải. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, những người hàng xóm không còn phải chứng kiến cảnh bạo hành từ vợ chồng già này nữa.

Hoặc như câu chuyện của hai vợ chồng trẻ quê ở Tam Hải, nhưng dọn đến thôn Đông Mỹ (Tam Giang) ở từ hai năm trước khiến mọi người thấy thương cho thân phận của người vợ trẻ. Hai vợ chồng cùng sinh năm 1994, vợ là người đồng bào dân tộc thiểu số làm dâu về nhà chồng. Người chồng ban ngày đi làm, chiều lại thường xuyên uống rượu. Rượu vào, lời ra, tiếng lớn tiếng nhỏ rồi đánh đuổi vợ ra khỏi nhà. Không chịu nổi cảnh bạo hành, người vợ quyết định ly hôn.

Để góp phần hàn gắn gia đình trẻ, ông Nguyễn Văn Liền cùng hàng xóm láng giềng phải vào cuộc vận động, hòa giải. Ông Liền nói: “Quan trọng là ở người chồng, phải tránh được rượu mới không đánh đuổi vợ con. Ban nhân dân thôn phải đến nhà, phân tích phải trái theo kiểu mưa dầm thấm lâu, theo dõi thường xuyên. Đồng thời chú ý quan sát, hễ nghe lớn tiếng là chúng tôi phải có mặt can ngăn. Đến nay, vợ chồng trẻ này đã bỏ ý định ly hôn, lo làm ăn nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bạo hành do người chồng chưa bỏ rượu hẳn nên thôn phải thường xuyên theo dõi để can thiệp kịp thời”.

Nơi tạm lánh an toàn

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.281 vụ bạo lực gia đình, trong đó có 1.118 vụ nạn nhân là nữ, 46 vụ nạn nhân là trẻ em. Đó là con số được báo lên, còn rất nhiều những vụ bạo lực xảy ra trong gia đình nhưng không được báo về chính quyền xã can thiệp vẫn diễn ra âm ỉ hàng ngày trong cuộc sống.

Theo bà Võ Thị Hồng Trang - Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Núi Thành, sở dĩ huyện chọn Tam Giang là nơi xây dựng mô hình địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng vì ở đây đang nổi lên những vụ bạo lực. Bà Trang cho biết: “Mô hình không chỉ là nơi tiếp nhận nạn nhân bị bạo lực, mà còn là địa chỉ tuyên truyền hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội đối với vấn đề đảm bảo bình đẳng giới, thực hiện đạt hiệu quả các mục tiêu của bình đẳng giới. Hy vọng đây sẽ là địa chỉ tin cậy cho người bị bạo lực trong thời gian tới”.

Địa chỉ tin cậy lựa chọn là Trạm Y tế xã Tam Giang, được trang bị các điều kiện về cơ sở vật chất nhằm đảm bảo có thể tiếp nhận cùng lúc ít nhất 2 người bị bạo lực đến tạm lánh một thời gian, được đảm bảo các điều kiện ăn ở, an toàn trong thời gian tạm lánh. Ông Phạm Văn Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang kiêm Trưởng ban Quản lý mô hình, cho biết: “Chúng tôi hy vọng mô hình sẽ phát huy hiệu quả, góp phần hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời nạn nhân bị bạo lực gia đình. Hiện nay, bạo lực ở Tam Giang đã xảy ra có nhiều vụ gây nguy hiểm cho tính mạng của người bị bạo lực. Nguy cơ tiềm ẩn cao, kể cả phụ nữ và nam giới đều trở thành nạn nhân bạo lực gia đình. Vì thế khi mô hình đi vào hoạt động, xã sẽ tích cực huy động sự vào cuộc của cả xã hội trong phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, xây dựng một xã hội lành mạnh hơn”.

Trong kế hoạch hành động thực hiện các biện pháp nhằm phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới thì mô hình địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng là một nơi an toàn cho người bị bạo lực. Người bị bạo lực gia đình, bạo lực học đường, kể cả bạo lực xảy ra ngoài xã hội... đều có thể tìm đến với nhà tạm lánh này bất cứ lúc nào đều có người hỗ trợ. Người chịu trách nhiệm tham gia mô hình sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ nạn nhân khi bị bạo lực hoặc có nguy cơ bị bạo lực, tuyên truyền để ngăn ngừa bạo lực trên cơ sở giới nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, vì một xã hội an toàn, phát triển cho mọi người.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà tạm lánh an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO