Nhà thầu "né" gói thầu giao thông

SÁU CÒI 26/12/2022 06:38

Hạ tầng giao thông là “huyết mạch” của nền kinh tế, là nền tảng để xây dựng xã hội an toàn, đảm bảo an sinh xã hội. Chính vì vậy, nhiều công trình giao thông đã, đang được Quảng Nam quan tâm đầu tư xây dựng. Tuyến đường, cây cầu cũ không còn phù hợp với tốc độ gia tăng của lưu lượng phương tiện, mất an toàn giao thông được bố trí nguồn lực lớn để nâng cấp mở rộng, xây dựng mới. Kinh phí dành cho bảo dưỡng, bảo trì các tuyến đường đang khai thác được ưu tiên hơn.

Doanh nghiệp ngành xây dựng cầu đường nói riêng gặp khó khăn do giá vật liệu tăng cao. (Ảnh mang tính minh họa)
Doanh nghiệp ngành xây dựng cầu đường nói riêng gặp khó khăn do giá vật liệu tăng cao. (Ảnh mang tính minh họa)

Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp (DN) tỏ ra không mặn mà đấu thầu thi công các công trình xây dựng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Đơn vị bảo trì đường bộ cũng có ý định xin rút không đảm nhận quản lý, bảo dưỡng.

Một DN cho biết, định mức xây dựng cơ bản mà Nhà nước áp dụng hiện còn nhiều điểm chưa hợp lý và chưa sát thực tế. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lại chậm và phải mất nhiều thời gian do phải… đúng quy trình.

Và thực tế, giá vật liệu năm 2022 đã tăng so với năm 2021 từ 1,2 - 1,4 lần. Giá nhân công thuê ngoài tăng cao 1,8 lần so với dự toán lấy theo định mức đơn giá tại Quảng Nam.

Chính vì thế, gói thầu nào ký hợp đồng từ năm 2020, 2021 mà thi công đến năm 2022 chắc chắn phải bù lỗ, bởi lẽ ký hợp đồng trọn gói theo quy định thì sẽ không được điều chỉnh giá đã trúng thầu.

Sở GTVT cho biết, khó khăn lớn nhất trong năm 2022 đối với lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông là tình hình tăng giá các nhiên liệu, loại vật liệu. Một số vật liệu thông thường như đất đắp, cát khan hiếm; một số mỏ khai thác đá không đáp ứng đủ nhu cầu, có mỏ chất lượng không đạt yêu cầu kỹ thuật.

Chưa kể, năm nay mùa mưa bão đến sớm, thời gian mưa kéo dài dẫn đến thi công gặp rất nhiều thách thức. Những khó khăn vừa nêu làm cho giá thành xây dựng công trình tăng cao.

Nhiều gói thầu được mời thầu nhưng không có nhà thầu đăng ký, có gói thầu Sở GTVT mời thầu đến lần thứ 4 mới có nhà thầu tham dự. Một DN thừa nhận, có nhiều gói thầu mời qua mạng không có nhà thầu nào tham gia, bởi vì họ biết “đụng” vào sẽ lỗ.

“Vừa rồi, tôi trúng thầu một công trình, đơn giá đất đắp 90 nghìn đồng/m3. Nhưng khi triển khai, mỏ đất được xác định lấy đất đắp cho công trình lại hết giấy phép. Thành thử, DN phải lấy đất ở mỏ xa cách 25km, giá thành tăng lên 140 nghìn đồng/m3. Cho nên, làm công trình xong tôi lỗ 700 triệu đồng” - một chủ DN kể.

Theo chia sẻ của nhiều DN ngành xây dựng cầu đường, giá nguyên vật liệu, nhân công tăng cao, trong khi việc điều chỉnh định mức giá từ phía cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện, họ sẽ không tham gia đấu thầu công trình năm 2023.

Một DN thì định trả lại tuyến đường đã nhận quản lý, bảo trì vì chi phí thực tế cao hơn mức giá hiện hành. Thực tế nêu trên là đáng ngại, khi mà nhiều tuyến đường xuống cấp đang chuẩn bị đầu tư sửa chữa, mở rộng sẽ kéo dài thời gian vì không có nhà thầu nào đảm nhận. Nhiều “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông chậm được khắc phục, bởi nhà thầu chẳng mặn mà thực hiện. Đáng lo cho an toàn giao thông là vì thế.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà thầu "né" gói thầu giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO