Viện Nghiên cứu Trang phục Việt vừa chính thức ra mắt tại TP.Hồ Chí Minh hôm 14.10. Người khởi xướng ý tưởng và cũng chính là Chủ tịch Hội đồng của Viện, Họa sĩ - Nhà thiết kế Lê Sĩ Hoàng, từ nhiều năm nay đã góp nhặt từng chút giá trị văn hóa quý báu để tôn vinh truyền thống và tinh hoa Trang phục Việt.
* Hơn 12 năm mày mò, sưu tầm để đi đến hình thành Bảo tàng Áo dài Việt đầu tiên, cũng là khởi nguyên để có nên Viện Nghiên cứu Trang phục Việt quy mô khá lớn này, mong muốn của anh là gì?
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng: Triết lý tạo mẫu mà tôi đưa ra là khai thác sáng tạo từ kho tàng văn hóa dân tộc, gồm cả đạo lẫn đời, cũng như cái đẹp. Có một phóng viên hỏi tôi rằng, từng ấy năm thiết kế, anh đã cạn hết ý tưởng chưa, có cảm thấy nản không? Tôi trả lời rằng thiết kế là lĩnh vực mà cả đời tôi, và những người khác có cùng quan tâm khai thác cũng không bao giờ cạn, huống chi chỉ mới làm có ngần ấy năm. Tôi chỉ sợ đến một lúc sức mình không làm nổi, mắt mình không thấy nữa mà thôi. Tôi tin rồi đây đất nước mình sẽ phát triển mạnh và có nhiều người trở nên giàu có, nhưng phải biết làm sao để không biến mình thành một anh trọc phú, văn hóa thấp còi. Nếu phát triển không hài hòa, đồng bộ, thì lúc ấy dù có tiền nhiều đi nữa cũng không thể làm cho văn hóa của mình cao lên được.
Đây là một vấn đề rất rõ ràng, cần phải được sớm nhận thức, vì từ Bắc chí Nam, chúng ta thấy xây dựng rất nhiều những cao ốc, trung tâm thương mại, khách sạn, nhưng số lượng về nhà hát, bảo tàng, thư viện, những trung tâm bảo tồn giá trị văn hóa… chưa hề có sự tương xứng. Thậm chí, hàng chục năm nay, nhà hát giao hưởng từng mua về những nhạc cụ trị giá vài chục tỷ đồng mà vẫn không có nhà hát, dẫn đến tranh cãi mãi. Rõ ràng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.
Nhưng vì sao nghệ thuật vẫn còn được lưu giữ ở nơi này nơi kia? Vì dân mình có ý thức về điều đó, nên nhiều người không thụ động ngồi chờ sự quan tâm đến với mình. Lý thuyết thì màu xám, cây đời mãi xanh tươi là như vậy. Trên hay thì dưới nhờ, nhưng trên mà dở thì họ cũng không cam chịu, nên phần nào đời sống vẫn vận động theo chiều hướng tốt. Tôi sống trong lòng đời sống ấy nên tôi mới lạc quan, nếu thoát ra khỏi đời sống đó thì tôi cũng sẽ có cái nhìn bi quan, bế tắc. Theo tôi, dường như mặt bằng chung các di sản văn hóa của Việt Nam bị mất dần do hai yếu tố: thiên nhiên và con người. Trong đó yếu tố con người là tàn phá nhanh nhất, nhiều nhất. Như vậy, vấn đề cần lưu giữ một cách có hệ thống, khoa học và lâu dài chỉ có bảo tàng, và áo dài là một trong những trang phục truyền thống của dân tộc chưa có sự bảo tồn, bảo tàng một cách hợp lý.
Họa sĩ Lê Sĩ Hoàng hoạt động trong lĩnh vực giảng dạy, sáng tác mỹ thuật, doanh nghiệp và là nhà thiết kế với thương hiệu áo dài đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế từ 1989, với triết lý tạo mẫu đưa hội họa vào trang phục truyền thống. Ba lĩnh vực được ông vận dụng, gắn kết đến sự thành đạt: một bên là sự bay bổng, khả năng tư duy đa chiều cực tốt của người sáng tạo; một bên là sự nghiêm túc, khả năng liên kết tốt của một nhà sư phạm; cộng với một sự tỉnh táo vốn có của một doanh nhân. Với ông ngọn nguồn của sự sáng tạo chính là những chất liệu từ cuộc sống đời thường, tìm kiếm các ý tưởng từ kho tàng văn hóa dân tộc và từ thiên nhiên bình dị.
Hơn 12 năm chỉ với một đối tượng duy nhất là áo dài Việt, với cũng chỉ một mong muốn là làm sao để áo dài trở nên bình thường trong đời sống sinh hoạt, dân công sở mặc áo dài đi làm, học sinh, sinh viên thì mặc đi học, các sự kiện lớn người dân vẫn chọn bận áo dài. Đấy, chính là điều tôi cảm thấy mình đã đóng góp một phần công sức.
* Riêng về lụa - không chỉ là một sản phẩm vải vóc nữa, mà đã thành một danh từ riêng gần như bản sắc của dân tộc, anh có thể chia sẻ thêm về ý niệm lụa Việt? Qua Festival Tơ lụa tại Hội An anh đã tham gia, liệu có một góc nhìn khác cho các làng nghề tơ lụa Việt Nam?
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng: Chúng ta có một con đường tơ lụa. Và ngay cả Trung Quốc vốn dĩ nổi tiếng về tơ lụa cũng đã có một giai đoạn nhập lụa từ Việt Nam. Cho nên, việc phục hồi tơ lụa trong bối cảnh hàng công nghiệp đang chiếm ưu thế tuyệt đối là điều phải làm. Nhưng nghệ nhân, làng nghề đã dần mai một. Lớp thế hệ trẻ không theo nghề nữa. Tôi nghĩ mỗi một thời đại, một cuộc sống đều đòi hỏi những nhu cầu khác nhau. Nên không phải cứ giá trị truyền thống nào cũng có thể trụ lại được. Nhưng rõ ràng tôi nhìn thấy ở đây một thông điệp lớn hơn, toàn cầu, khi người ta đã được robot hóa, công nghiệp hóa, tự động hóa, những giá trị thuộc về tự nhiên, bàn tay, khối óc và con tim thì nhiều quốc gia trên thế giới đang nhìn nhận lại và xem nó như di sản vật thể và phi vật thể quý giá.
Hội An hội tụ được những điều đó, đang dần trở lại và khẳng định là điểm du lịch văn hóa di sản mà thế giới đang muốn tìm tới. Hội An đang làm một điều mà bản thân tôi đã đi nhiều lần và thấy rằng, cái thành công của Hội An là giữ gìn và phát huy được những di sản trong nhiều lĩnh vực, từ kiến trúc, phong cách sống cho đến những trò chơi dân gian, những đêm trăng rằm phố cổ… Để thấy việc Hội An có lượt du khách nhiều như vậy vì người ta đang muốn quay trở lại một hành tinh xanh, ở đó con người, tất cả mọi sinh hoạt đều trong lành và nó thuận theo tự nhiên.
Lụa và thổ cẩm là những chất liệu vô cùng quý, cho chính các nhà thiết kế thời trang và cho chính đời sống thời trang hiện đại. Phát triển các làng nghề tơ lụa, nghĩa là chúng ta đã song hành được việc làm kinh tế nhưng rất nhân văn, rất văn hóa. Và có lẽ cũng phải có sự hỗ trợ từ phía chính quyền, với những hỗ trợ về vốn để giúp cho gia đình nghệ nhân hiếm hoi còn lại cũng như những nhà đầu tư cho việc phục hồi, từ đó những nhà thiết kế của thế giới sẽ chọn lụa Việt. Xin nhắc lại một lần nữa điều quan trọng nhất mà những người làm về thời trang hoặc cho người tiêu dùng, lụa chính là làn da thứ hai và nó giúp không những chỉ đẹp mà còn khỏe tốt cho người mặc.
* Và tương lai?
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng: Tôi nghĩ tương lai, lụa sẽ đi vào tâm thức và ý thức của mọi người, rằng đây là sản phẩm truyền thống và sẽ phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai nếu như có những sự đầu tư xác đáng. Chúng ta thấy có những thay đổi trong đời sống tiêu dùng, ngày càng nhiều hơn các cuộc tẩy chay về các đồ dùng hủy hoại môi trường, tiến đến gần hơn các sản phẩm thân thiện với thiên nhiên, sản xuất từ chất liệu thiên nhiên. Và lụa là một trong những sản phẩm như vậy. Từ trước đến giờ trong các bộ sưu tập của tôi khi đi lưu diễn ở nước ngoài, nhất là về áo dài tôi luôn chọn lụa tơ tằm. Các làng nghề khi tụ hội cùng nhau sẽ có sự học hỏi lẫn nhau, để cộng hưởng và tạo nên một thương hiệu của lụa Việt.
* Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện thú vị này!