Nhà thơ của mùa thu bên cửa sổ

LÊ THÍ 10/03/2018 09:12

Có nhà thơ nữ gốc Điện Bàn rất nổi tiếng nhưng gần đây ít được nhắc đến, đó là nữ sĩ Song Thu. Đọc lại bài thơ xuân thời chiến tranh của bà để yêu hơn những mùa xuân hòa bình.

Nữ sĩ Song Thu (1900-1970).
Nữ sĩ Song Thu (1900-1970).

Nhà thơ của “mùa thu bên cửa sổ”

Bà tên thật là Phạm Thị Xuân Chi, tự Hữu Lan, hiệu Song Thu, quê làng Đông Bàn huyện Diên Phước (nay là xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn). Nữ sĩ Song Thu sinh năm 1900, là con gái của cụ Phạm Phú Lẫm và là cháu nội của danh thần Phạm Phú Thứ. (Phạm Phú Lẫm là con thứ 6 của cụ Phạm Phú Thứ. Lãng Nhân Phùng Tất Đắc trong Hương sắc quê mình, Nxb Làng Văn, 1993 lại ghi là Phạm Phú Lâm, nhưng đúng ra là Lẫm vì Phạm Phú Thứ có một người cháu gọi bằng chú là cử nhân Phạm Phú Lâm - anh em chú bác với Phạm Phú Lẫm). Mẹ bà cũng là người có kiến thức về Nho học. Song Thu (囱秋) có nghĩa là “mùa thu bên cửa sổ” hay “sắc thu ngoài khung cửa”. Lãng Nhân Phùng Tất Đắc cho rằng biệt hiệu này lấy ý từ mấy câu Kiều của Nguyễn Du, nói lên nỗi niềm có liên quan đến một uẩn khúc trong cuộc đời tình duyên của bà: “Song thu đã khép cánh ngoài/ Tai còn đồng vọng mấy lời sắt đinh/ Nghĩ người, thôi lại nghĩ mình/ Cám lòng chua xót, lại tình bơ vơ”...

Sinh ra trong một gia đình quyền quý, từ nhỏ bà đã được hưởng một nền giáo dục khá tốt. Lúc 5 tuổi bà được đi học chữ Hán với các cụ tú tài Trương Trọng Hữu, người làng Châu Lâu (nay là xã Điện Thọ) và cụ cử nhân Lê Bá Trinh (người làng Hải Châu, Đà Nẵng), cả hai sau này đều là những nhà Duy tân, nhà cách mạng nổi tiếng. Sau khi thi rớt bằng Tiểu học Pháp -Việt (Primaire) bà lại tiếp tục học thêm chữ Hán.

Chịu ảnh hưởng tư tưởng yêu nước của hai người thầy, từ khi còn học ở trường Nữ học Huế bà đã tham gia phong trào bãi khóa. Năm 19 tuổi bà ra Hà Nội và tham gia hoạt động cách mạng làm nhiệm vụ liên lạc giữa miền Bắc với miền Trung, chuyển thư từ, sách báo, tài liệu từ hải ngoại về cho các đồng chí...

Bị mật thám Pháp theo dõi, bà bỏ trốn sang Nam Vang (Campuchia) rồi Viêng Chăn (Lào). Một thời gian sau thấy tạm yên bà quay về Hà Nội nhưng rồi phải chạy sang Vân Nam rồi quay lại Nam Vang lần nữa. Bà bị mật thám bắt ở Nam Vang đưa về giam ở Sài Gòn. Sau khi được thả ra bà đi dạy học, làm thư ký tiệm buôn, hãng xe hơi và tham gia viết báo, cộng tác với các báo Đông Pháp thời báo (của Nguyễn Kim Đính), Nam nữ giới chung (của Nguyễn Chánh Sắt)…

Làng quê Điện Bàn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Làng quê Điện Bàn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Khi Nhật sắp đảo chánh Pháp có mời bà tham gia. Không ưa người Nhật nhưng bất đắc dĩ bà phải cộng tác nhằm “cứu các đồng chí bị Pháp giam giữ”. Bà không nhận bất cứ một thù lao nào của người Nhật. Bà thường bảo: “Hợp tác với Nhật vì hy vọng Nhật sẽ giúp Việt Nam ta lấy lại tự do và độc lập, chứ đâu phải là đi làm mướn, lương lậu làm gì cho nhẹ thể quốc gia!”. Người Nhật rất kính trọng bà. Sau khi đất nước bị chia cắt bà sinh sống ở Sài Gòn cùng người con gái là nhà thơ Phương Đài, người có nhiều thơ đăng trên các tạp chí nhất là tờ Phổ Thông của nhà thơ Nguyễn Vỹ, một tờ báo nổi tiếng thời đó.

Tài thi phú

Nữ sĩ Song Thu rất giỏi chữ Hán, nhất là viết chữ Hán rất đẹp. Các nhà văn hóa của Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc trước đây thường đến thăm và đàm đạo với bà (bằng bút đàm), ai cũng khen bà có kiến thức rộng và viết chữ đẹp. Nguyễn Vỹ cho biết có lần Đại sứ Hàn Quốc sau khi gặp bà đã phải thốt lên: “Tôi rất kính phục phụ nữ Việt Nam ngày nay có một nhà thông thái Hán học như bà”.

Đặc biệt, nữ sĩ Song Thu rất giỏi thơ chữ Hán và Quốc ngữ. Lãng Nhân còn cho biết bà làm thơ rất nhanh chẳng thua gì Tào Thực (con trai Tào Tháo, chỉ cần 7 bước là xong một bài thơ). Hiện bà còn cả trăm bài thơ chưa được in. Mời đọc lại bài Lìa cảnh cũ, một bài Đường luật bà viết khi phải bỏ nhà, bỏ nước đi trốn vì bị mật thám  Pháp theo dõi:

Một bước ra đi, một bước ngừng
Đoái nhìn chốn cũ lệ rưng rưng
Nghiêng bàu tâm sự, nghiêng không cạn
Gạt giọt ly sầu, gạt khó ngưng
Non nước thương ai màu ủ dột
Cỏ hoa mến khách vẻ bâng khuâng
Cho hay cảnh cũng trêu người nhỉ
Gánh nọ trần ai nặng quá chừng?

Bà cũng giỏi về câu đối. Vào thời chiến tranh, kinh tế khó khăn, có năm bà cùng một số nhà Nho đã “bày mực tàu, giấy đỏ” trên đường phố Sài Gòn để viết câu đối thuê. Chuyện kể, xuân năm đó có ba người nói tiếng Bắc đi dạo xem tết, dừng lại xin câu đối. Hai ông nhìn nhau chưa biết viết câu nào hợp cảnh thì bà đọc ngay:

Hội bằng hữu ư xuân viên
Tự cố hương chi lạc sự

Tạm dịch:
Họp bạn bè nơi vườn xuân
Nói chuyện vui về quê cũ

Câu này lấy ý từ trong bài “Xuân dạ yến đào lý viên tự” của Lý Bạch. Ba người vỗ tay khen: “Hay quá, hợp thời hợp cảnh, xin viết ngay đi”... Nghe tiếng cười vui, nhiều người dừng lại coi, một ông già quần áo đen, khăn rằn, ngỏ lời xin một câu, nếu hay sẽ tặng l0 đồng. Bà lại đọc luôn:

Sơn hà phong cảnh nguyên vô dị
Thành quách nhân dân bản dĩ phi!

Tạm dịch:
Nhân dân thành quách khác xưa,
Núi sông phong cảnh vẫn như độ nào...

Câu này lại lấy ý từ bài “Tòng Tây chinh” của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Nhận xét về bà, nhà thơ Nguyễn Vỹ viết: “Thơ của bà rất thanh thoát, lả lướt, thi tứ dồi dào như thơ của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, hứng của bà mạnh hơn cả của Bà Huyện Thanh Quan. Tuy là thơ Đường luật nhưng lời thơ của bà Song Thu chuyển động dễ dàng, phấn khởi, ý nhị, không gò ép, khô khan…”.
Bài thơ xuân cuối đời.

Gần cuối đời, nhìn cảnh đất nước bị chiến tranh tàn phá, một lần tết đến bà viết bài thơ chữ Hán và tự dịch ra để đăng báo, như một chút gửi gắm tâm sự. Đó là bài “Xuân cảm”:

Ba đào cổn cổn chấn nhân hoàn
Xuân sắc tiêu điều bất nhẫn khan
Giáp mã tung hoành phao đại địa
Yên vân già tế biến không gian
Bình nguyên mạn thảo oanh khô cốt
Cự uyển danh hoa thất cựu nhan
Thành bại bách niên liêu nhĩ nhĩ
Huyết hòa lưu thủy hướng san san

Dịch:
Ai gây sóng gió suốt nhân hoàn
Cho cảnh ngày xuân kém vẻ vang?
Yên giáp nghênh ngang phơi đại địa
Khói mây mờ mịt phủ không gian
Cỏ hoang đồng ruộng bao xương trắng
Hoa đẹp vườn xưa lợt nhụy vàng
Thành bại trăm năm rồi cũng thế
Dòng sông cuồn cuộn máu hòa chan...

Bà mất ngày 10.3.1970 tại Sài Gòn, thọ 71 tuổi. Một nhà thơ trong thi đàn đã tiễn bà:

Mây buồn u ám phủ ngày xuân
Lão hữu Song Thu vội lánh trần.
Trần giới vàng thau buồn thế sự,
Bồng lai hoa mộng đón thi nhân.
Đàn Dao tưởng niệm bao tình bạn,
Viện Trúc lưu truyền mấy áng văn.
Đem khối đan tâm về cõi thọ,
Trời Nam soi sáng khách thoa quần

Xuân này đọc lại bài thơ xuân thời chiến của một nữ sĩ đất Quảng để yêu mến hơn những mùa xuân hòa bình!

LÊ THÍ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà thơ của mùa thu bên cửa sổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO