Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) tự Hoàng Trung, nguyên làng Bát Vọng, sau chuyển sang ở làng Thanh Lương, Hương Trà, Huế. Ra làm quan dưới thời Tự Đức, vốn là người thông minh, hoạt bát ông được triều đình cử đi sứ nhiều lần đến các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Thái Lan…
Trong một chuyến đi Hương Cảng (HongKong), tiếp xúc với nghề nhiếp ảnh đang thịnh hành nơi đây, ông đã học hỏi kỹ thuật và sau đó mang về Việt Nam, mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường năm 1869 tại phố Thanh Hà, Hà Nội. Do vậy, giới nhiếp ảnh Việt Nam đã công nhận Đặng Huy Trứ là ông tổ ngành nhiếp ảnh Việt Nam.
Ngoài ra, sau những lần đi sứ ở nước ngoài, Đặng Huy Trứ luôn quan sát, ghi chép kỹ lưỡng những máy móc, tiến bộ kỹ thuật của phương Tây để mang về phát triển trong nước. Ông cũng là người mang kỹ thuật máy hơi nước vào Việt Nam. Ông đọc một cuốn sách về kỹ thuật này của người Anh và dịch ra tiếng Hán, có tên là Bác Vật Tân Biên để áp dụng, phát triển kỹ nghệ đóng tàu theo kiểu của phương Tây tại nước ta.
Lấy vợ ở Hội An
Nhà thờ Đặng Huy Trứ được con cháu xây dựng tại làng Thanh Lương, Hương Trà, Huế vào năm 1930. Cũng vào năm này, cháu nội Đặng Huy Trứ là bà Đặng Thị Sâm (1886 - 1951), cho sửa sang phần mộ của ông tại thôn Hiền Sĩ, Phong Sơn, Phong Điền, Huế. Tuy nhiên, không nhiều người biết hiện nay vẫn còn một nơi thờ tự Đặng Huy Trứ ở TP.Hội An.
Trong “Đặng Hoàng Trung Thư Tập” cuốn thứ bảy do Đặng Huy Trứ thủ bút, nguyên văn bằng chữ Hán được ông Đào Vũ Luyện dịch có đoạn như sau:
“Năm Tự Đức Giáp Dần (1854) mùa hạ, ta tập việc ở Quảng Nam. Đến ngày 16.12 năm Ất Mão (1855) lấy mẹ Dục là Lương Chính Thị Tuyển làm vợ thứ tư. Mẹ cô ấy họ Từ, bà ngoại họ Phạm đã già nua, nên cô ấy ở góa tại làng Minh Hương để nuôi bà và mẹ.
Lúc trước cha cô ấy là Lương Chính Diệu cùng chú sang đất Nam này, cùng người làng Gián(g?) Đông, huyện Diên Phước, kết thân sanh ra hai con gái. Người lớn tên là Hậu lấy ông cư sĩ làng Thanh Hà là Phạm Uy. Người thứ hai là Nục lấy chồng là Nguyễn Nghĩa. (Lương Chính Thị Tuyển là con thứ 3? - NV)
Năm Giáp Dần (1854) mùa thu, họ Từ về Gián(g?) Đông, nhờ Thị Nục tậu đất làm nhà hương hỏa họ Lương.
Năm Bính Thìn (1856) mùa thu, nước Phú Lang Sa (Pháp) xâm nhiễu cửa Đà Nẵng. Rồi năm Đinh Tỵ (1857) ta phải đi làm phiên tá cho quan tuần phủ Thanh Hóa, ta có bảo cô ấy rằng: Người Tây họ ham lợi, thế nào cũng chiếm cửa Hội An. Làng Gián(g?) Đông đất hẹp, dân thuần, lại có bà con thân thích, nên về đó mà ở. Cô nghe ta về ở Gián(g?) Đông đã sáu năm.
Năm Đinh Tỵ mùa thu cô theo ta đến Hà Trung. Năm Mậu Ngọ (1958) mùa Thu về thăm nhà, đến ngày 23 tháng 11 năm ấy thì sinh con trai thứ tám là Đặng Hữu Dục. Vì người Tây ngăn trở nên cha con không gặp nhau, đã mấy năm. Đến năm Nhâm Tuất (1862) mùa xuân ta vào nội các, Đặng Hữu Dục theo mẹ vào Huế lúc đó đã năm tuổi rồi. Vài tháng sau lại về Gián(g?) Đông đến nay đã mười tám tháng.
Nay ta được vào Quảng Nam – Hội An giữ chức bố chánh tỉnh này thì Dục đã được bảy tuổi, cha con mới được đoàn tụ. Đó cũng là việc kỳ ngộ chưa từng thấy nên làm bài thơ: Nhất biệt kinh sư hốt nhị niên/ Ninh tri kim nhật hữu lai truyền/ Địa đã nga biêu ngô phi hạnh/ Thiên gia tao phùng nhĩ hữu duyên/ Số tự thái canh cam đạm bạc/ Cưu xá trúc mã hứa đoàn viên/ Hồ tư tân dậu dĩ niên gia/ Bi sắc tự phong lý cô nhiên. Các con ta có Đặng Hữu Dục ta thương nhiều nhất vì có nhiều kỷ niệm vui buồn với ta. Đặng Huy Trứ”.
Vào năm 1849 ông bắt đầu vào dạy học tại Hội An. Qua tìm hiểu ở Hội An, sau này ông còn có thêm một người con trai là Đặng Hữu Tước.
Nhà thờ Đặng Huy Trứ
Về sau khi Đặng Huy Trứ được lệnh nhậm chức tại những nơi khác, các con ở lại sống cùng mẹ và lập gia đình tại Hội An. Năm 1958, con cháu ông đồng lập nên ngôi nhà thờ này để thờ phụng Đặng Huy Trứ và tổ tiên họ Đặng tại Hội An.
Đó là một căn nhà ngói nhỏ, nằm trong một con hẻm cụt trên đường Trần Hưng Đạo, Hội An. Ngôi nhà được bố trí làm ba gian như những ngôi nhà ở khác phổ biến vào thập niên 50 thế kỷ 20 trở về sau tại miền Trung. Gian giữa là nơi thờ tự tổ tiên, hai gian bên để giường ngủ cho con cháu, một bộ bàn gỗ sáu ghế để ngay trước gian thờ làm nơi tiếp khách của chủ nhà. Gọn đẹp và đơn giản như những ngôi nhà bình thường khác. Tuy nhiên, ngay cả hàng xóm gần nhất cũng không biết rằng đây là nơi thờ tự ông tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam Đặng Huy Trứ.
Trong gian thờ hiện nay vẫn còn lưu thờ một bảo vật truyền đời là tấm tranh toàn thân của Đặng Huy Trứ được vẽ bằng màu nước trên giấy, do chính ông đặt vẽ tại Quảng Đông. Phía trên có thờ tấm di ảnh vẽ bằng bột than chì của thân phụ ông là ngài Đặng Văn Trọng, phía dưới là ảnh thờ các thế hệ về sau. Gian thờ tuy nhỏ nhưng được bày biện theo từng thế hệ khác nhau trông nghiêm cẩn nhưng vẫn không kém phần trang nhã.
Tộc Đặng phát quan tước phải đi làm việc ở nhiều nơi trên đất nước, nên cũng như những gia đình quan viên ngày trước, ngay từ đời thứ 5 tộc Đặng cũng quy định các con cháu trong gia tộc mỗi thế hệ phải lấy một chữ trong hai câu đối: “QUANG - VĂN - HUY - HỮU - KHÁNH/ HƯNG - MẬU - NHƯ - THANH - XUÂN” để làm chữ lót trong tên họ, ngõ hầu giúp cho con cháu sau này dù có ở bất kỳ nơi đâu đều có thể nhận ra gia tộc, ngôi thứ của thế hệ mình.
Một người cháu nội của Đặng Huy Trứ là bà Đặng Thị Vịnh sau này về làm dâu tộc Trương Đôn Hậu tại Hội An. Chồng mất sớm, bà thủ tiết thờ chồng nuôi ba người con ăn học thành tài. Năm Bảo Đại thứ mười lăm (1940), bà được vua Bảo Đại ban sắc phong cho bốn chữ “Tiết Hạnh Danh Văn” để vinh danh và biểu dương tiết tháo của bà. Tấm hoành phi này vẫn còn được bảo quản nguyên vẹn tại tự đường tộc Trương Đôn Hậu. Đây cũng là niềm vinh hạnh cho cả hai tộc Trương - Đặng.
Là một vị quan có nhiều công lao dưới triều Nguyễn, riêng đối với Quảng Nam, Đặng Huy Trứ cũng để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp thông qua nhiều công việc như trị lũ, cứu hạn, cứu đói trong thời gian ông trấn nhậm nơi đây. Ngoài ra ông còn để lại nhiều trước tác văn chương có giá trị cho hậu thế. Tại Hội An còn lưu lại nhiều bút tích của ông được khắc trên văn bia tại Chùa Ông, Văn chỉ Minh Hương và một số nơi khác.
Nhờ vào bản dịch “Đặng Hoàng Trung Thư Tập”, biết thêm có một ngôi nhà thờ Đặng Huy Trứ đang được con cháu ông ngày đêm nhang khói ở tại Hội An cũng là chuyện hay. Nhiếp ảnh Hội An từ ngày trước đến nay vốn phát triển rất mạnh với nhiều tay máy tên tuổi. Nên chăng giới nhiếp ảnh Hội An kết hợp với gia đình họ Đặng để tạo nên một di tích thờ tổ nghề nhiếp ảnh, có thể tạo dựng nơi đây trở thành điểm tham quan để giới thiệu với du khách thưởng lãm cũng là điều hay vậy.