Công trình nghiên cứu dày gần 700 trang “Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt” mà Lê Minh Quốc theo đuổi hơn 20 năm vừa phát hành. Thay vì chọn góc độ tiếp cận trừu tượng các khái niệm văn hóa, tác giả chọn nhân vật cụ thể để khơi dòng nhận diện bản sắc. Trong bối cảnh nghiên cứu tại Việt Nam, cách làm này vừa mới mẻ, vừa dễ giúp cho độc giả nắm bắt vấn đề.
Các nhân vật trải dài từ huyền sử, truyền thuyết cho đến hiện đại. Sách gồm 5 chương: 1) Vua Hùng và Tứ bất tử; 2) Các vị tổ ngành nghề Việt Nam; 3) Những danh tài sáng tạo tiên phong; 4) Vài cột mốc khơi dòng nghệ thuật hiện đại; 5) Nước non nặng một lời thề. Anh có cuộc trò chuyện cùng Quảng Nam Cuối tuần về công trình này:
* Anh định nghĩa văn hóa thế nào để dẫn đến việc chọn các nhân vật để khơi nguồn?
Nhà thơ Lê Minh Quốc sinh 1959 tại Đà Nẵng, là tác giả của gần 50 đầu sách, trong đó có nhiều cuốn biên khảo được bạn đọc yêu thích như Người Quảng Nam, Hành trình chữ viết, Lắt léo tiếng Việt...
Nhà thơ Lê Minh Quốc: Năm 1998, khi bắt vào công việc nghiên cứu văn hóa Việt, thông qua công nghiệp của các bậc danh nhân, tôi tâm đắc với nhận thức: “Văn hóa khi đã vào sâu đại chúng cũng tác động như một sức mạnh vật chất”. Câu này được ghi ở trang bìa của tạp chí Tiên Phong - cơ quan vận động văn hóa mới của Hội Văn hóa Cứu quốc, số 1 phát hành vào ngày 10.11.1945. Văn hóa là gì? Câu hỏi này, ta có thể tìm thấy dấu vết trong sinh hoạt của một dân tộc, đó là ăn - ở - mặc và tín ngưỡng. Cũng những chuyện căn bản đó, nhưng mỗi dân tộc - do cá tính, tâm lý, tôn giáo… lại có cách vận dụng, tiếp thu và ứng xử khác nhau, miễn là nó nhằm đạt đến mục đích cuối cùng là tồn tại và phát triển lâu dài.
Chính vì lẽ đó, tôi nghĩ văn hóa không có gì sinh động và cụ thể bằng con người. Tôi xem những nhân vật trong sách như một sự gợi mở, với hy vọng thế hệ hôm nay và mai sau còn sẽ tiếp tục bổ sung thêm các nhân vật khác, ở các lãnh vực khác. Văn hóa của một dân tộc là dòng chảy không dừng lại, không đóng khung, nên bên cạnh sự du nhập thêm thì cũng có những gì cần loại bỏ hoặc tự nó đào thải, nếu lỗi thời, không phù hợp với thời đại mới.
* Vậy tiêu chí chọn nhân vật của anh như thế nào?
Nhà thơ Lê Minh Quốc: Tôi đã chọn những nhân vật mà đóng góp của họ thật sự có tác động đến xã hội. Tức là từ khơi dòng của họ đã dẫn đến sự thay đổi về nhận thức, cảm nhận, gu thưởng thức nghệ thuật… Họ là những ai? Ví dụ đầu thế kỷ 20, cùng với súng đạn thì dưới ngọn cờ của quân Pháp còn có những hình thái văn nghệ mới, kể cả giáo dục mới tràn vào nước Việt. Sự cọ xát, va chạm của hai nền văn hóa Đông - Tây đã làm nảy sinh ra một thế hệ trí thức mới, lớp công chúng mới. Họ sẵn sàng tiếp thu cái mới, đòi hỏi người nghệ sĩ phải cải tiến, nâng cao di sản cũ để phù hợp thời đại mới. Họ đòi hỏi nội dung văn nghệ mới phải đáp ứng thị hiếu mới, mỹ cảm mới, cảm xúc mới. Từ đó, mỹ thuật theo lối vẽ, sắc màu, kỹ thuật phương Tây; thơ mới; kịch nói, xiếc… dần dần được công chúng tiếp cận…
Những ai đã tiên phong, đã thực hiện sứ mệnh vẻ vang này qua năm tháng, tôi chọn vào sách của mình.
* Việt Nam thường khu biệt văn hóa trong lĩnh vực khoa học xã hội, anh thì mở rộng biên độ. Tại sao vậy?
Nhà thơ Lê Minh Quốc: Tôi nghĩ rằng văn hóa Việt là một chỉnh thể đa dạng từ Nam chí Bắc, vậy thì đâu thể chọn một hai lĩnh vực, ngành nghề. Diện mạo văn hóa của một quốc gia luôn bao gồm sự tương đồng và dị biệt, điều này dẫn đến nghi thức, nghi lễ, sinh hoạt hội hè, biểu hiện văn hóa từng vùng miền thêm phong phú, đa dạng. Ví dụ nhiều người mê cải lương, mê hát bội, mê bài chòi…, thế nhưng đâu phải nơi nào cũng “sao y bản chính” như nơi nào. Có khác đấy, có khu biệt đấy, thì mới làm nên sức sống, sự đa dạng của văn hóa Việt. Văn hóa sống động thì không thể sao y bản chính.
Tại sao các cột mốc văn hóa có tính cách tiên phong như tân nhạc, thơ mới, kịch nghệ, xiếc, cải lương, y tế, khoa học… trải theo năm tháng đã sum sê cây trái, đạt nhiều thành tựu rất đáng kể. Sở dĩ như thế, vì các thế hệ đương thời và kế cận đã cùng chung vai góp sức từ công việc khơi dòng của người đi trước. Yếu tố này rất quan trọng, nếu không sẽ rơi vào quên lãng. Vậy thì không viết về họ, không cùng họ khơi dòng, làm sao văn hóa thêm sức sống, thêm sự đa dạng.
* Qua các nhân vật trong sách này, anh nhìn ra bản sắc văn hóa Việt Nam là gì?
Nhà thơ Lê Minh Quốc: Có nhiều ý kiến cần phát biểu, trong phạm vi trao đổi ngắn, nếu nhấn mạnh một trong các yếu tố đã làm nên bản sắc đó, cho phép tôi chọn lấy tinh thần xả thân vì cộng đồng của người Việt. Chính từ yếu tố này đã làm nên sức mạnh của đất nước ta qua bao năm tháng.