Tiến sĩ Mai Bá Ấn là nhà thơ - nhà lý luận, phê bình văn học, quê làng Phú Quý, xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành, Quảng Nam. Anh là người đa tài. Viết văn. Làm thơ. Nghiên cứu, phê bình văn học. Ở lĩnh vực nào anh cũng có những đóng góp nhất định, được bạn đọc và bạn bè văn nghệ ghi nhận.
Nghiêm túc trong phê bình
Mai Bá Ấn mê đọc sách từ thuở thiếu thời. Khác với thiên hạ, mỗi khi đọc xong một quyển sách, anh dành thời gian nghiền ngẫm về nội dung và hình thức biểu đạt, về văn chương và hiện thực cuộc sống. Nhờ vậy, khi làm thầy giáo đứng trên bục giảng, anh truyền đạt kiến văn cho các thế hệ học trò với vốn hiểu biết sâu rộng và những điều mới lạ của những tác phẩm văn học.
Và rồi nghề giáo đã đưa đẩy anh trở thành nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học. Anh viết nhiều giáo trình giảng dạy tại Trường Đại học Tài chính - kế toán (Bộ Tài chính) tại Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, anh cũng là tác giả của các tác phẩm nghiên cứu, phê bình văn học được đồng nghiệp đánh giá cao: “Đặc trưng trường ca Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo”; “Thơ - từ nguồn tới biển”; “Văn hóa, ngôn ngữ và văn học”; “Logic của tưởng tượng”; “Những bí mật thơ”…
Trò chuyện với tôi, Mai Bá Ấn cho hay: “Tập tiểu luận phê bình “Đặc trưng trường ca Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo” là tác phẩm đầu tay của tôi về mảng phê bình văn học được in thành sách.
Để viết được tập tiểu luận ấy, tôi đã dành cả chục năm đọc nhiều cuốn sách viết về thể loại trường ca, đọc đi đọc lại các trường ca của Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo và các tác giả khác. Từ đó, tôi mới có những đối chiếu so sánh và phát hiện những độc đáo mới lạ trong trường ca của ba nhà thơ ấy”.
Đấy là cách làm việc nghiêm túc, cẩn trọng và khoa học của một nhà phê bình văn học. Chính vì thế, tập tiểu luận phê bình “Đặc trưng trường ca Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo” đã có chỗ đứng trong lòng bạn đọc yêu thơ.
Quê nhà thấm từng con chữ
Mai Bá Ấn “tập tành” làm thơ, viết văn từ cuối bậc THPT và có thơ, truyện ngắn đăng báo khi vừa khoác áo sinh viên Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Năm 1980, chùm 4 truyện ký của anh được chọn in trong tuyển tập truyện ký “Những ngày kháng chiến” do Ty Thông tin Nghĩa Bình xuất bản. Có lẽ viết truyện ngắn chiếm nhiều thời gian và công sức, vì thế, sau này anh thỉnh thoảng “viết chơi” thôi, không chuyên tâm với thể loại văn học “dễ mà khó”.
Tập truyện ngắn “Bến thất tình” là thành quả của những lần “viết chơi” với giọng văn nhẹ nhàng và giàu chất thơ. Đọc “Bến thất tình”, người đọc dễ dàng nhận ra những nhân vật được tác giả cóp nhặt từ đời thực ở quê anh - nơi “con sông Trầu lờ lợ nước chè hai”, ngày đêm êm ả trôi xuôi.
Họ là những người em thân thương, những người chị, người mẹ, người bà… cả đời lam lũ nhưng sống nghĩa tình; những người anh, người chú, người cha… không giàu chữ nghĩa nhưng giàu lòng trắc ẩn vị tha.
Tâm sự với tôi, Mai Bá Ấn thổ lộ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê Tam Mỹ, Núi Thành, nhưng sống và làm việc tại TP.Quảng Ngãi. Xa quê từ hồi trai trẻ, cho nên trong tôi lúc nào cũng “vọng cố hương”. Những truyện ngắn trong tập “Bến thất tình” được tôi sáng tác trong tâm thế đó”.
Thơ là thể loại văn học được Mai Bá Ấn yêu thích nhất, sáng tác nhiều nhất. Anh đã trình làng ba tập thơ dày dặn: “Lục bát làm liều” (2001), “Và bốn chung quanh” (2005), “Thị trường lục bát” (2008).
Cũng như truyện ngắn, thơ Mai Bá Ấn viết về quê kiểng khá nhiều với những hoài niệm thuở thiếu thời, những mối tình đơn phương thầm yêu trộm nhớ của tuổi mới lớn, những ký ức một thời khó khăn gian khổ: “mẹ là dòng nước mát/ cha là rãnh cày khô/ lúa trĩu bông đơm hạt/ nuôi đàn con dại khờ”.
Trong bài thơ “Làng tôi”, Mai Bá Ấn có bốn câu thơ được những người Tam Mỹ ly quê yêu thích: “Ngày thơ bé lùa trâu ra sông tắm/ Con sông Trầu lờ lợ nước chè hai” và “Xa quê lâu, bạn bè chê mất gốc/ cái thằng dân Tam Mỹ chẳng ra hồn”.
Lớp trẻ bây giờ ở quê không biết “nước chè hai” như thế nào nhưng những người ở độ tuổi sáu mươi đều tường tận. Chè nguồn nấu uống hết nước đầu, đổ nước nấu thêm lần nữa, uống không còn vị đậm chát, chỉ nhàn nhạt.
Con sông Trầu khi thủy triều lên, nước biển xâm thực sâu vào tạo nên màu sắc khác với vị nước lờ lợ chẳng khác gì nước chè hai. Còn hai câu thơ “Xa quê lâu, bạn bè chê mất gốc/ cái thằng dân Tam Mỹ chẳng ra hồn” như một lời tự bạch, tự trách mình khiến người đọc sau cái cười tủm tỉm lại có sự đồng cảm sẻ chia bao nỗi niềm…
Những sáng tạo riêng
Thơ Mai Bá Ấn hầu hết có hình thức biểu đạt là lục bát. Điều đáng ghi nhận là dù viết theo thể thơ truyền thống nhưng anh đã dụng công làm mới bằng cách cố tình ngắt chữ xuống hàng, tạo nên nhịp điệu “hai - bốn - tám” mang lại cảm xúc thẩm mỹ cho người đọc.
Đơn cử như trích đoạn bài thơ “Trong veo nỗi buồn”: “Ngày về/ hỏi những hàng cây/ lá xanh nhòe bụi mắt cay giọt buồn/ còn đâu bóng mát bên đường/ trơ cành/ ngọn gió thổi tuôn lá vàng/ dừng chân bên giếng đầu làng/ trong veo dòng nước dưới tàng đa xưa/ khô queo từ độ đầu mùa/ giếng hoang tiếng nhái nhặt thưa/ điếng lòng/ em nay vui sống bên chồng/ em xưa vẫn sống trong lòng người xưa”.
Mai Bá Ấn cho tôi hay, chính sự “phá cách” ấy, khiến thơ anh có giọng điệu riêng, được bạn đọc yêu thích và các nhà phê bình văn học đánh giá cao. “Lục bát làm liều” và “Thị trường lục bát” là hai tập thơ của Mai Bá Ấn được giới phê bình nhận xét: Ngôn ngữ thơ bình dân, bụi bặm, trần trụi, khấp khiểng như cuộc đời nhưng ẩn sau câu chữ là một tâm trạng, một nỗi buồn, một triết lý nhân sinh…
Đề tài chính trong thơ hay truyện ngắn của Mai Bá Ấn là tình yêu quê hương xứ sở. Anh bộc bạch: “Quê hương cứ đi về trong các tác phẩm của tôi, mặc dù làm việc và sáng tác ở bất cứ nơi đâu, nó cứ như nằm sẵn trong tiềm thức và kể cả vô thức của mình.
Thơ và truyện ngắn của tôi chủ yếu là độ lắng của cảm xúc, viết thật lòng, không hề có chút gì về việc cố tình hiện đại, cách tân, ngoài việc làm cho câu lục bát bớt khuôn mẫu để phản ánh đúng những trần trụi của cuộc đời cho phù hợp với hơi thở của cuộc sống mà thôi”.
“Anh quan niệm thế nào về thơ?”, tôi hỏi. Mai Bá Ấn cười: “Tôi đã viết thành thơ: “Ca dao: Tuyệt!/ Truyện Kiều: Tinh/ Lục bát của mình của viết liều thôi”. Và nữa: “Đem câu lục bát yêu thương/ Lia vào giữa cuộc thương trường/ Liều chơi…”. Thế nên, theo tôi nghĩ, làm thơ, suy cho cùng là một cuộc liều chơi…”.
Đành rằng, làm thơ là một cuộc “liều chơi” nhưng Mai Bá Ấn luôn ý thức được trách nhiệm của người cầm bút, vì thế, thơ anh cứ da diết nỗi đời, nỗi quê: “Tết xa quê không về thăm xóm làng/ bỗng thấy thiếu rất nhiều, dẫu rượu trà dư dả/ nhớ dáng mẹ giữa khu vườn xanh lá/ đang chờ mong những đứa con xa…”.
- Là một người đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng anh vẫn đảm nhận trọng trách Phó Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ngãi kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Sông Trà và Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Ngãi, điều đó có ảnh hưởng đến công việc nghiên cứu, phê bình văn học và sáng tác của anh?
- Có chứ! - Mai Bá Ấn cười - Tạp chí Sông Trà có chuyên mục “Văn nghệ - Sự kiện”, nhiều lúc thiếu bài, tôi phải “trần lưng” viết để “lấp chỗ trống”, những bài kiểu dạng ấy mang tính chính luận hơn là văn chương. Rồi còn bao việc không tên nữa. Bù lại, tôi được thường xuyên gặp gỡ anh chị em hội viên, được trao đổi với họ về văn chương học thuật, nhờ đó tôi có thêm động lực để nghiên cứu và sáng tác… Nếu không có gì thay đổi, sắp tới tôi sẽ in tập chân dung - phê bình - tiểu luận khoảng bốn trăm trang và hai tập thơ đã hoàn thành bản thảo từ lâu.