Thu Bồn là con sông mãi tạo nguồn cảm hứng sáng tác thơ ca, nhạc họa... của văn nghệ sĩ, vì thế, có không ít người con xứ Quảng trót “ôm thơ” đi suốt cuộc đời. Sơn Thu, có lẽ là một nhà thơ như thế. Nếu lấy tính cách vùng miền vận vào câu chữ, thơ Sơn Thu - cũng như dòng Thu Bồn vậy, không lắm gập ghềnh nhưng đủ đầy phù sa để tưới tắm bãi biền. Giấu trong những vần, những điệu là cả miền suy tư về quê kiểng, về mẹ cha, về xóm mạc, về những đồng đội đã một thời bom đạn, dầu dãi nắng mưa.
Quê hương vẫn là nỗi ám ảnh không nguôi với nhà thơ ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. Tình quê dằng dặc trong lòng kẻ tha phương, yêu đến nỗi những bận về quê, với nhà thơ, dù đi đến đầu non cuối bãi của dòng Thu Bồn, dù đã cùng ký ức ghé thăm những chốn cũ, vẫn đau đáu nỗi nhớ quê: “Sau lưu lạc tôi trở về làng cũ/ Đi giữa quê hương vẫn nhớ nhà” (Làng Đông Yên). Tuyển tập thơ Sơn Thu hơn 1.500 bài từ thuở còn là anh chàng “Vệ quốc quân” đến khi tuổi đã xế chiều, Sơn Thu vẫn giữ cho riêng mình nguồn cảm hứng bất tận với quê nhà, hay rộng hơn là với xứ sở, đất nước. Tuyển tập thơ do NXB Thanh Niên ấn hành vào đầu năm nay, như tác giả chia sẻ, là “một tập hợp của cảm xúc, một sự tích tụ những trải nghiệm từ thời chiến tranh loạn lạc đến khi đất nước hòa bình, một đúc kết của hành trình đời người”. Bởi trong số phận con người đã làm nên thơ gửi đến độc giả có một phần lịch sử đầy biến động của đất nước trong thế kỷ XX.
Nhà thơ Sơn Thu thổ lộ: “Đời tôi là khúc giao thừa/ Nửa nay ngơ ngác. Nửa xưa đợi chờ/ Giật mình gió thoảng cơn mơ/ Quê hương thương nhớ đợi chờ nhớ thương” (Chờ trông). Những câu thơ viết ở giai đoạn đất nước bị chia cắt sau Hiệp định Genève - 1954. Đại thắng mùa xuân 1975, Bắc - Nam thống nhất, cũng như bao nhiêu người dân Việt, nhà thơ Sơn Thu mừng vui khôn xiết, ông viết: “Xuân về rợp bóng mây xanh/ Băng qua chinh chiến dệt thành giấc mơ/ Hợp long nguyện ước đôi bờ/ Đoàn viên mộng tưởng bây giờ là đây” (Bây giờ là đây).
Tuyển tập thơ Sơn Thu. |
Nhà thơ Sơn Thu tên thật Lương Thanh Liêm, quê làng Đông Yên, xã Duy Trinh, Duy Xuyên. Hiện đang sống tại TP. Hồ Chí Minh. Ông tâm niệm rằng: “Thơ là giãi bày lòng mình ra trước cái đẹp. Nó vu vơ mà đồng điệu. Nó lãng mạn mà đời thường. Mỗi người cảm nhận thơ theo cách nghĩ riêng mình. Chung quy gặp nhau ở cái tình, cái nghĩa. Thơ làm cho tình yêu gần lại. Thơ làm cho nghĩa lớn lên. Thơ là sức sống, nên cuộc sống cần thơ”. Tuyển tập thơ Sơn Thu “Đi giữa quê hương vẫn nhớ nhà” gồm 8 phần: Tâm tình bốn câu; Đung đưa lục bát; Đi giữa quê hương vẫn nhớ nhà; Cái vui hoa nở. Cái buồn nở hoa; Đất nước trống đồng; Những nẻo đường tình; và các thủ bút, ảnh, nhạc, đồng cảm tình thơ Sơn Thu. |
Và khi quê hương sạch bóng giặc thù, những cảm tình về mẹ, về chị, về em... là đề tài sáng tác của ông. Mẹ của những ngày gian khó, của bom rơi đạn lạc, đã không chỉ là mẹ của riêng tác giả. Hẳn ai khi đọc đến những vần thơ này, sẽ rưng rưng khi nghĩ về mẹ thuở xưa xa, về đất nước thời gian khó: “Sông Thu tơ lụa đôi bờ/ Quê hương yên tĩnh bất ngờ đạn bom/ gập ghềnh mẹ gánh chúng con/ Đèo Cây Trao vượt trăng non theo cùng” (Cánh cò bay nhớ mẹ). Hay hình ảnh người chị quê nghèo của một thời gian khó trong thơ ông làm xúc động người đọc: “Làm công ở đợ gieo neo/ Lẻ loi bóng chị ngả theo bóng chiều/ Vì em chị phải chắt chiu/ Chị đi trong cõi đời nhiều oái ăm” (Chị tôi). Mạch nguồn thơ Sơn Thu, có lẽ bắt đầu từ những trải nghiệm vốn rất chân chất của tác giả, từ những niềm riêng đến niềm chung, và bàng bạc trong thơ ông một tình yêu dung dị, chân chất, đậm tính Quảng. Con người, một khi lấy quê hương làm thế mạnh, lấy sự tinh trải làm vốn, chắc chắn ấy là người hạnh phúc, thành công. Đọc thơ Sơn Thu, đủ để độc giả biết “nhà thơ” luôn đau đáu với quê hương xứ Quảng thế nào.
Một tuyển thơ chọn lọc từ 24 tập thơ riêng lẻ, đi suốt từ thời chinh chiến đến lúc về già, gia tài nhà thơ, chừng ấy đã quá viên mãn. Và con thuyền đậu bến sông Thu, hay neo lại nơi bờ bến nào của đất nước, lúc nào cũng “thao thức dòng đời nước đục trong”, âu cũng đã “vui qua những bước thăng trầm”.
SONG ANH