Nhà thờ tiền hiền Mỹ Xuyên Tây thể hiện nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và sự cố kết của cộng đồng làng.
Trải qua nhiều biến động thời cuộc, cộng đồng làng Mỹ Xuyên Tây vẫn duy trì được các lễ hội truyền thống rất quy củ, nền nếp, mẫu mực.
Dấu ấn thời mở cõi
Nhà thờ tiền hiền Mỹ Xuyên Tây (thường gọi là đình Mỹ Xuyên Tây) tọa lạc tại Cồn Leo ở ranh giới giữa xóm Mỹ Thành và xóm Mỹ Đô, khối phố Xuyên Tây, thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên).
Nhà thờ được xây dựng trong khoảng niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705 - thời kỳ thịnh vượng nhất của xứ Đàng Trong) dưới thời chúa Nguyễn cùng với chùa Bửu Châu (Trà Kiệu) và chùa Long Hưng (Thanh Chiêm).
Nơi đây thờ tự Tiền hiền Chánh Đề đốc Lê Quý Công, người có công lao to lớn trong cuộc bình Chiêm, lấy đất Chiêm Động, Cổ Lũy và chiêu mộ lưu dân vào vùng bắc Quảng Nam để khai phá, mở cõi, lập làng xã vào giai đoạn đầu của thời Lê sơ (1428 - 1459). Tương truyền, Tiền hiền Lê Quý Công có nguyên quán làng Mỹ Xuyên ở tỉnh Thanh Hóa nên đặt lại tên Mỹ Xuyên cho vùng đất mới để nhớ về cố hương.
Dưới thời Tây Sơn, nhà thờ bị hỏa hoạn, sau này vào năm Minh Mạng thứ 5 (1824), nhân dân trong xã kiến tạo riêng một từ đường mới và thiết đặt ruộng đất để thờ phụng các bậc tiền hiền, lập bài vị tiền hiền đề tên là “Khai cơ”.
Vào thời điểm đó, ruộng đất công tư của làng Mỹ Xuyên Tây hơn 750 mẫu, nhân đinh nội ngoại trong điền tịch là 940 người. Vì vậy, nhà thờ tiền hiền Mỹ Xuyên lúc này có quy mô xây dựng rất lớn ở vùng Duy Xuyên với 40 viên đá táng (còn gọi là đài đá), còn lại đến ngày nay.
Sau này, trong làng có vị hào phú góp tiền xây dựng bên cạnh nhà thờ ngôi nhà đông trù để hằng năm dân làng có nơi cất giữ phương tiện, chuẩn bị vật phẩm cúng kính tiền hiền. Năm 1947, ngôi đình và nhà đông trù được dân làng tháo dỡ để thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”.
Hòa bình lập lại, năm 1957 cộng đồng dân làng góp tiền mua một ngôi nhà rường cổ ba gian hai chái ở làng Mã Châu về dựng làm nhà thờ (người dân gọi là đình). Thời kỳ chiến tranh lan rộng ở miền Nam, năm 1969 vùng Duy Xuyên là vùng nông thôn, chiến tranh càng ác liệt, Mỹ cày xới liên tục, nên ngôi đình lại bị tàn phá.
Sau ngày thống nhất đất nước (1975), do hoàn cảnh dân làng còn rất khó khăn nên không có điều kiện xây dựng lại. Năm 2002, cộng đồng nhân dân làng Mỹ Xuyên Tây gồm các tộc Lê Đình, Lưu Văn, Nguyễn Thanh, Nguyễn Tất, Nguyễn Quang, Nguyễn Đăng, Đinh Công, Nguyễn Thành, Nguyễn Hữu, Nguyễn Như, Nguyễn Tá, Lê Quang cùng các tộc họ khác đã quyên góp xây dựng lại ngôi đình trên nền đất cũ thời xưa.
Những giá trị đặc trưng
Nhà thờ tiền hiền quay mặt về hướng nam, phía trước là cánh đồng rộng. Tam quan nhà thờ có dòng chữ Hán 前賢美川西祠門 (Tiền hiền Mỹ Xuyên Tây từ môn - cổng nhà thờ tiền hiền Mỹ Xuyên Tây). Bờ trước sân nhà thờ có bức bình phong, mặt trước đắp vẽ long mã phù đồ, mặt sau có chạm hình cá hóa rồng. Nhà thờ được xây theo mô hình tiền đường hậu tẩm với kiểu thức tam gian nhị hạ (ba gian hai chái).
Mái nhà thờ có tứ linh long, lân, quy, phụng; ở cổ lầu có biển hiệu “Mỹ Xuyên Tây từ” và 4 bức vẽ điển tích. Hậu tẩm được xây liền với tiền đường, có 3 bộ cửa gỗ ngăn cách và bảo vệ. Bên trong hậu tẩm có 3 bàn thờ tiền hiền, hậu hiền và tiền bối. Hương án tiền hiền đặt ở chính giữa, các vị hậu hiền và tiền bối ở 2 bên tả hữu.
Hiện nay, di tích còn lưu giữ 40 viên đá táng ở “Đài đá tri ân tiền nhân” trong vườn, trong đó 2 viên có âm hưởng của biểu tượng Yoni và nhiều viên gạch vồ nung theo kỹ thuật của người Chăm, là minh chứng về sự giao thoa, tiếp biến văn hóa Chăm - Việt trên vùng đất Quảng Nam.
Nội dung tấm bia cổ cùng hệ thống câu đối, hoành phi ở nhà thờ tiền hiền Mỹ Xuyên Tây và ở miếu Thần Nông có niên đại khác nhau, do nhiều nguồn cung tiến nhưng đều mang ý nghĩa nhắc nhở cháu con uống nước nhớ nguồn, biết ơn tiên tổ, sống có đạo lý, luôn phấn đấu vươn lên với giá trị chân, thiện, mỹ. Đây là nguồn tư liệu quý, góp phần nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, con người ở Mỹ Xuyên Tây nói riêng, Duy Xuyên nói chung.
Mặc dù trải qua nhiều biến động thời cuộc, nhưng cộng đồng cư dân làng Mỹ Xuyên Tây vẫn duy trì được các lễ hội truyền thống. Hằng năm, tế lễ được tiến hành với nghi thức tam tuần, có ban nhạc cổ và xướng tế do cộng đồng dân làng tổ chức tại đình, gồm: Lễ nghinh thần dịp Tết Nguyên đán; Lễ tế Thanh minh và Giỗ Tiền hiền. Riêng hội làng được tổ chức 5 năm một lần vào ngày Thanh minh, có cả phần lễ và hội.
Nhà thờ tiền hiền Mỹ Xuyên Tây đang lưu giữ và truyền đọc 2 bài văn tế do hai vị Cử nhân Nho học nguyên quán ở làng Mỹ Xuyên là Văn Phú Trừng và Trần Dĩnh viết vào năm 1912.
Nhà thờ tiền hiền Mỹ Xuyên Tây là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp, thể hiện nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và sự cố kết của cộng đồng làng.
Đặc biệt, làng Mỹ Xuyên Đông và Mỹ Xuyên Tây do điều kiện lịch sử đã chia tách thành hai làng từ xa xưa, nhưng trải qua mấy trăm năm, cộng đồng nhân dân hai làng vẫn giữ được mối quan hệ gắn bó và đoàn kết, bởi vì cùng một nguồn gốc. Làng Mỹ Xuyên Đông có đình làng, làng Mỹ Xuyên Tây có nhà thờ tiền hiền làng. Đây cũng chính là nét đặc trưng, quý giá mà ít làng xã nào có được.
Nhà thờ tiền hiền Mỹ Xuyên Tây đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 668/QĐ-UBND ngày 13.3.2020. Với những giá trị đặc trưng của một làng quê nông nghiệp thuần hậu, mến khách và những yếu tố bảo lưu nhiều giá trị nguyên gốc của cư dân bản địa, cả về truyền thống tốt đẹp của văn hóa làng, về văn hóa vật thể và phi vật thể, tín ngưỡng, phong tục tập quán xã hội, nghi lễ dân gian, di tích nhà thờ tiền hiền Mỹ Xuyên Tây là điểm kết nối văn hóa làng của vùng đất Duy Xuyên.
Từ đây sẽ là điểm kết nối phát triển du lịch văn hóa làng/du lịch văn hóa tín ngưỡng/du lịch sinh thái vùng quê. Hiện nay, Ban trị sự làng thực hiện tốt hương ước, gắn kết di tích nhà thờ tiền hiền với các thiết chế văn hóa trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, tạo nên quần thể di tích lịch sử văn hóa trên con đường di sản Hội An - Mỹ Sơn.