(QNO) - Ngày 28.12, tại Đà Nẵng, Hội Khoa học Lịch sử TP.Đà Nẵng phối hợp với Công ty CP Kinh doanh ấn phẩm văn hóa Tao Đàn Thư Quán tổ chức hội thảo khoa học "Nhà Trần trong lịch sử Việt Nam".
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: ĐÌNH TĂNG. |
Hội thảo là sinh hoạt học thuật nhân kỷ niệm 790 năm ngày sinh của danh tướng Trần Hưng Đạo (1228-2018), 760 năm nhà Trần chiến thắng quân Mông - Nguyên lần thứ nhất (1258-2018) và 730 năm nhà Trần chiến thắng quân Mông - Nguyên lần thứ ba (1288-2018).
Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, văn học, tư tưởng trong và ngoài nước; các giảng viên đại học đến từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng và Cộng hòa Liên bang Đức…
Trên cơ sở 17 tham luận của các tác giả gửi về đầy tâm huyết và có giá trị, hội thảo đã được chia thành 3 phiên thảo luận chính, tập trung vào 3 chủ đề lớn gồm: Nhà Trần trong lịch sử Việt Nam; vùng đất Thuận - Quảng thời Trần; một số vấn đề văn học - nghệ thuật thời Trần.
Theo ban tổ chức, các tham luận đã đề cập đến nhiều vấn đề như: lịch sử, ngoại giao, tư tưởng quân sự, nghệ thuật chiến tranh, tôn giáo - tư tưởng, văn hóa - nghệ thuật của thời Trần.
Trong đó, nhiều tham luận đáng quan tâm như: quan hệ ngoại giao giữa Đại Việt với đến quốc Mông- Nguyên qua ba cuộc kháng chiến, của PGS.TS.Nguyễn Thị Phương Chi (Tạp chí nghiên cứu Lịch sử); Bang giao Đại Việt dưới triều Trần (1226-1400) qua một số sứ thần tiêu biểu, của TS.Nguyễn Thu Hiền (Đại học Sư phạm Hà Nội); cái nhìn của sử quán triều Lê với thể chế chính trị thời Trần, của ThS. Đặng Ngọc Hà (Viện Việt Nam học và Phát triển, ĐH Quốc gia Hà Nội); Vương triều Trần với việc quản lý làng xã và nông thôn Đại Việt, của ThS.Đỗ Danh Huấn (Tạp chí nghiên cứu Lịch sử); Trần Thái Tông - Nhân ảnh trong Thiền học Việt Nam, của GS.TS. Thái Kim Lan (Đại học Ludwig-Maximilian, Đức)...
Đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: ĐÌNH TĂNG. |
Đây là những tham luận khảo cứu về thơ văn thời Trần, về ứng xử của nhà Trần đối với nền văn hóa và nghệ thuật Cham Pa; về quá trình giao thoa - tiếp biến văn hóa giữa Đại Vìệt với Chăm Pa thời Trần và giới thiệu di vật từ thời Trần hiện còn bảo lưu trong một ngôi chùa ở Thanh Hóa.
Theo ban tổ chức, cả 17 tham luận tại hội thảo này là 17 mảnh ghép, phác họa nên một bức tranh tổng thể về chính trị, xã hội, quân sự ngoại giao, văn hóa, nghệ thuật, văn học, tư tưởng thời nhà Trần. Có những tham luận là những nghiên cứu chuyên sâu, đưa ra những kiến giải mới, khách quan, khoa học và thuyết phục. Có những tham luận chỉ mới cung cấp một vài gợi ý để các học giả, cử tọa tham dự hội thảo cùng đánh giá, thảo luận để vấn đề được sáng tỏ. Nhưng vượt trên tất cả là tinh thần khoa học, sự tâm huyết trong nghiên cứu và giá trị học thuật mà các tham luận đã và đang cố gắng đạt đến khi nghiên cứu và đánh giá về nhà Trần, một triều đại rực rỡ trong lịch sử dân tộc Vìệt Nam.
Với tinh thần và nội dung mà hội thảo đặt ra, theo ban tổ chức, hội thảo là một đóng góp quan trọng cho việc nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn về nhà Trần trong lịch sử Việt Nam trong tương lai.
ĐÌNH TĂNG