Nhà trưng bày sản phẩm làng nghề xứ Quảng: Thiếu sức hút

VĨNH LỘC 10/11/2016 08:40

Nhà trưng bày Tinh hoa sản phẩm làng nghề Quảng Nam (số 35 Nguyễn Thái Học, TP.Hội An) được hình thành với kỳ vọng quảng bá thương hiệu, kết nối du khách, hướng đến thúc đẩy các làng nghề phát triển. Qua hơn một năm hoạt động, hiệu quả bước đầu đã có, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục.

Kết nối khách hàng

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4.2015, Nhà trưng bày Tinh hoa sản phẩm làng nghề Quảng Nam trở thành nơi giới thiệu, trưng bày sản phẩm đặc trưng của 16 cơ sở, làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh. Như tơ lụa Mã Châu (Duy Xuyên); gỗ mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp, gốm Lê Đức Hạ, đúc đồng Dương Ngọc Thắng (Điện Bàn); mây tre Núi Thành; trầm hương Trung Phước (Nông Sơn); tiêu Tiên Phước; chiếu cói Hiệp Đức; thổ cẩm Đhrôồng (Đông Giang)…, với hơn 200 sản phẩm được trưng bày thường xuyên. Khách tham quan nhà trưng bày ngoài chọn mua tại chỗ còn được giới thiệu nguồn gốc cũng như quy trình tạo ra sản phẩm. Nếu khách có nhu cầu được trải nghiệm thực tế, nhân viên nhà trưng bày sẽ liên hệ giới thiệu để trực tiếp kết nối doanh nghiệp, làng nghề. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày có 50 - 80 khách tham quan và mua sản phẩm tại nhà trưng bày. Đặc biệt, thông qua sự giới thiệu của nhà trưng bày, một số làng nghề đã tiếp cận và nhận được những đơn hàng lớn từ khách, như lụa Mã Châu, gốm Sông Hoài, gỗ mỹ nghệ Nam Trân…

Sản phẩm tại nhà trưng bày nghèo nàn, kém hấp dẫn khách tham quan. Ảnh: V.LỘC
Sản phẩm tại nhà trưng bày nghèo nàn, kém hấp dẫn khách tham quan. Ảnh: V.LỘC

Theo ông Trần Hữu Phương - Giám đốc Hợp tác xã Tơ lụa Mã Châu, kiêm Tổ trưởng nhà trưng bày, đây là một mô hình khá hiệu quả, đã giúp giới thiệu làng nghề xứ Quảng với du khách, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Năm 2016, Hợp tác xã Tơ lụa Mã Châu đã đầu tư nâng năng suất hoạt động lên gấp 2 lần nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. “Trước đây người ta đâu biết lụa Mã Châu là cái gì, vì mình bán hàng thô cho các làng nghề khác và nó được khoác lên một thương hiệu mới. Còn bây giờ có nhà trưng bày, khách về Quảng Nam đã biết được lụa Mã Châu, hiểu hơn về các sản phẩm hàng hóa của làng nên chúng tôi đã có nhiều cơ hội kết nối với đối tác” - ông Phương chia sẻ.

Có thể nói, nhà trưng bày là bức tranh thu nhỏ một số làng nghề xứ Quảng, trong đó mỗi sản phẩm mang biểu tượng văn hóa đại diện cho một vùng đất, một cộng đồng, được gìn giữ lưu truyền qua bao đời. Thông qua các sản phẩm, du khách hiểu hơn về các giá trị văn hóa, tâm linh, những tinh hoa làng nghề xứ Quảng. Đồng thời còn có thể cảm nhận được đời sống sinh hoạt, thành quả lao động, sự sáng tạo không mệt mỏi của nhiều thế hệ, cộng đồng các dân tộc anh em tại mỗi làng nghề, từ đồng bằng, ven biển đến miền núi cao… Tuy vậy, quá trình hoạt động của nhà trưng bày thời gian qua cũng đã bộc lộ những bất cập khiến nhiều doanh nghiệp tham gia trở nên hết mặn mà.

Chưa như kỳ vọng

Dù hiện nay tại nhà trưng bày có 16 cơ sở, làng nghề tham gia ký gửi hàng hóa nhưng hầu như số lượng không nhiều và mẫu mã cũng đơn giản. Thậm chí, nhiều sản phẩm ký gửi đã bị phủ bụi, xuống cấp do lâu ngày ít được quan tâm. Ông Dương Ngọc Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Làng đúc đồng Phước Kiều cho rằng, cách quản lý mô hình vẫn chưa thể thu hút sự mặn mà của doanh nghiệp, làng nghề tham gia. Từ ngày nhà trưng bày khai trương, doanh nghiệp ông Thắng đã ký gửi hàng, nhưng hơn một năm qua vẫn không thấy có tín hiệu gì, kể cả bán hàng và kết nối với khách. Ông Thắng cho biết, điều này khiến ông chán nản, dự định cuối năm nay sẽ mang hàng về. Còn theo bà Vũ Thị Oanh - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Trà Nga Sơn Sáu Oanh (Hiệp Đức), hiệu quả từ việc ký gửi sản phẩm tại nhà trưng bày rất ít, hơn một năm ký gửi, hàng của Hợp tác xã Sông Trà mới bán được vài triệu đồng nhưng cũng phải nhắc nhở nhân viên nhà trưng bày mới gửi lên…

Mặt khác, nhiều sản phẩm hàng hóa tại nhà trưng bày mẫu mã cũng bình thường nên khó có thể nói đại diện cho “tinh hoa” của các cơ sở, làng nghề xứ Quảng. Cùng với đó, do thiếu sự quan tâm chăm chút của nhân viên nơi đây nên không ít sản phẩm đã bị mốc cũ, bụi bặm phủ bám, trông rất thảm hại. Chưa kể, hiện tại nhà trưng bày rất bất tiện do diện tích nhỏ hẹp, chật chội, hàng hóa mới chỉ được trưng bày ở phần diện tích bên ngoài, phần trên gác vẫn là nơi ở của học sinh từ Cù Lao Chàm vào trọ học, gian giữa và phía sau là nơi nấu ăn của học sinh… nên rất mất vệ sinh và bất tiện. Bà Ngô Thị Thiên - Giám đốc Trung tâm Tư vấn hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ (đơn vị quản lý nhà trưng bày) cho rằng, sản phẩm không đa dạng, không đáp ứng nhu cầu của khách, rồi mẫu mã sản phẩm, đầu tư trưng bày cũng hạn chế nên khó khăn vẫn còn nhiều. “Nhiệm vụ chính của nhà trưng bày là giới thiệu sản phẩm, kết nối đối tác khách hàng, chứ không phải kinh doanh. Sắp tới dự án JICA (Nhật Bản) sẽ giúp thiết kế lại nhà trưng bày để nơi đây vừa trưng bày vừa bán sản phẩm được” - bà Thiên cho biết.

Có thể thấy, tuy vấn đề kinh doanh không đặt nặng nhưng lại là yếu tố quyết định cho hoạt động của nhà trưng bày. Bởi, hàng hóa doanh nghiệp, làng nghề ký gửi bán ra sẽ được trích lại phần trăm cho nhà trưng bày và các nhân viên làm việc nơi đây để chi phí những phát sinh trong quá trình hoạt động. Bình quân một tháng nhà trưng bày bán được 30 triệu đồng, số tiền trích lại khoảng 3 triệu cũng chỉ tạm đủ cho các chi tiêu tại chỗ nên khó kích thích nhân viên nhiệt tình, nhất là với các sản phẩm chiết khấu thấp hoặc giá trị bán không cao.

Ông Nguyễn Hữu Phương cho hay đã đề xuất UBND tỉnh tính toán lại việc bàn giao ngôi nhà số 35 Nguyễn Thái Học sao cho hợp lý, chứ với tình trạng như khu nhà trọ hiện nay thì khó có thể trưng bày sản phẩm làng nghề được. “Nếu nói trưng bày đúng nghĩa thì chỉ riêng một mình Hợp tác xã Mã Châu cũng cần một diện tích gấp 4 lần nhà trưng bày hiện tại, trong khi đó mình lại có đến 16 doanh nghiệp, làng nghề cùng trưng bày thì sản phẩm chắc chắn chỉ tượng trưng nên sẽ không đầy đủ chủng loại. Do đó nhà trưng bày chỉ gói gọn ở chỗ giới thiệu sản phẩm tượng trưng, còn ai có nhu cầu tận mắt chứng kiến các sản phẩm làng nghề Quảng Nam hay cần thông tin gì thì nhân viên nhà trưng bày sẽ cung cấp hoặc dẫn đến tận nơi, chứ ở đây mà đặt vấn đề kinh doanh thì chưa hiệu quả” - ông Phương nói.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà trưng bày sản phẩm làng nghề xứ Quảng: Thiếu sức hút
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO