Căn nhà điều hành của Khu trung tâm Làng nghề tre - dừa nước (LNTDN) Cẩm Thanh (Hội An) vừa được hạ giải và thanh lý cho tư nhân, sau 6 năm đi vào hoạt động nhưng không mang lại hiệu quả như mục tiêu đề ra. Câu chuyện này lần nữa đặt lại vấn đề về đầu tư và quản lý các khu nhà làng truyền thống của làng nghề ở mỗi địa phương…
Dỡ bỏ để làm khu du lịch
Trung tâm LNTDN Cẩm Thanh được xây dựng đầu năm 2010 và khánh thành năm 2011. Với mục đích trưng bày, quảng bá sản phẩm làng nghề đến du khách, cũng như kỳ vọng là một khu sản xuất tập trung, để “trình nghề” cho du khách xem khi thăm thú rừng dừa Bảy Mẫu, Trung tâm LNTDN Cẩm Thanh khi ấy được chọn sẽ là điểm nhấn và điểm dừng chân lý tưởng tại khu vực này. Nhưng sau khi khánh thành và đi vào hoạt động với nhiều kỳ vọng, cả chính quyền xã Cẩm Thanh cũng như chính quyền thành phố vẫn không thể huy động được người dân làng nghề vào sản xuất và trưng bày sản phẩm. Cả một vùng đất rộng có diện tích hơn 1,5ha, với tổng vốn kinh phí đầu tư lên đến 7,8 tỷ đồng, bao gồm cả nhà trưng bày và khu hạ tầng, nhưng lại không tạo được sức hút với người làm nghề. Khu trung tâm LNTDN lâm vào cảnh đìu hiu.
Dỡ bỏ căn nhà điều hành của Khu trung tâm Làng nghề tranh tre - dừa nước tại Cẩm Thanh. (ảnh chụp năm 2016). Chuyển đổi mục đích của cả khu này đang được địa phương xúc tiến. |
Thiếu một ban quản lý đứng ra chịu trách nhiệm ở khâu xúc tiến, đưa sản phẩm của người dân ra khỏi giới hạn địa phương, cùng với việc mạnh ai nấy làm du lịch, Khu trung tâm LNTDN Cẩm Thanh không thể phát huy được công năng của nó. Anh Lê Cho - một hộ làm nghề tại Cẩm Thanh, chia sẻ: “Vào sản xuất tập trung, trưng bày sản phẩm tại khu nhà truyền thống thì trốn thuế, trong khi đất chúng tôi ở đây dư sức để làm. Hơn nữa, chính quyền cũng không tạo điều kiện đầu ra cho sản phẩm chúng tôi làm, biết lấy gì đảm bảo để chúng tôi vào đó”.
Để “phá bỏ” tình trạng lãng phí, trong lúc địa phương đang phát triển du lịch một cách rất sôi động, đặc biệt là du lịch sinh thái, Khu trung tâm LNTDN được quyết định sẽ giao cho UBND xã Cẩm Thanh phối hợp cùng một công ty du lịch để đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái. Ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết, vì ngay tại Cẩm Thanh cũng đã có một khu nhà sinh hoạt cộng đồng (công trình này nhận được giải thưởng của Liên hoan Kiến trúc thế giới năm 2016 - NV) nên việc khu nhà truyền thống LNTDN lâu nay không có hoạt động. “Chúng tôi đang kết hợp với Công ty Du lịch xây dựng Hội An để đầu tư xây dựng một khu du lịch sinh thái ngay tại địa điểm này. Vì đã có một khu nhà sinh hoạt cộng đồng nên căn nhà trưng bày tại đây không có người ra vào cũng là điều dễ hiểu. Sau gần 6 năm, các hạng mục như tre, dừa cũng đã mục nát” - ông Thanh nói.
Trong khi đó, ở một góc độ khác, ông Nguyễn Hai - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Nam, cho rằng, mỗi làng nghề rất nên có một khu nhà truyền thống trưng bày các dụng cụ sản xuất, vừa là điểm dừng chân vừa là nơi có thể kết nối thu hút du khách và quảng bá làng nghề. Tuy nhiên, ở câu chuyện lãng phí khu nhà này trong 6 năm vừa qua, ông Hai cho rằng, việc hoạch định một hướng phát triển khác cũng là điều nên chăng. Đặc biệt, khi địa phương này đang bắt đầu một thời kỳ phát triển du lịch sôi động, việc làm mới những sản phẩm du lịch hiện có là điều tất yếu để phát triển. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, cho rằng, vấn đề phát triển du lịch ở Cẩm Thanh hiện nay ở trạng thái khá phức tạp, khi nơi này vừa là cửa ngõ giao thương và tiếp nối phát triển với khu vực vùng đông Quảng Nam, vừa là vùng đệm của đô thị với không gian làng quê. Giữa việc bảo tồn và phát triển, đặt ra cho chính quyền TP.Hội An không ít những phương án lựa chọn tối ưu để làm sao giải quyết hài hòa mối quan hệ này. Ông Lê Thanh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết, hiện tại UBND đang trình lên thành phố phương án bán vé tham quan cho du khách tại rừng dừa Bảy Mẫu để nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng như có điều kiện để bảo tồn khu sinh thái tự nhiên này.
Bỏ ngỏ vì không có kết nối
Từ câu chuyện dỡ bỏ khu nhà truyền thống làng nghề để hợp tác với tư nhân đầu tư phát triển du lịch theo một hướng khác ở Cẩm Thanh, lại đặt ra dấu hỏi về sự tồn tại của những căn nhà truyền thống làng nghề với mức đầu tư hàng trăm triệu đồng trên địa bàn tỉnh. Hầu như tất cả nhà truyền thống ở các làng nghề đều không thể phát huy được công năng của nó. Đa số ở vào tình trạng vắng vẻ, dù khi bắt đầu xây dựng được kỳ vọng sẽ là nơi để lại dấu ấn về hành trình phát triển làng nghề cũng như sẽ là điểm dừng chân khi làng nghề tham gia làm du lịch. “Xưa nay các làng nghề ở Quảng Nam đều bị bỏ ngỏ vì chưa thể kết nối thu hút được du khách cũng như quá nghèo nàn để có thể làm phần việc quảng bá về tính đặc sắc của làng nghề mình” - ông Nguyễn Hai, chia sẻ. Dưới góc độ nhà quản lý hoạt động văn hóa, du lịch, ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, muốn phát triển nhà truyền thống thì buộc sản phẩm làng nghề phải có chất lượng. Cùng với đó, việc thổi hồn vào làng nghề bằng những “huyền thoại, truyền thuyết” cũng là cách thức để “kéo” du khách. “Làng phải có câu chuyện nhuốm màu truyền thuyết để kể cho khách du lịch nghe. Rồi sản phẩm của làng nghề phải có chất lượng, dịch vụ du lịch tại làng nghề phải tốt. Nếu làng nghề phát triển nhờ du lịch, sẽ kéo theo việc “tận dụng” những khu nhà truyền thống làm nơi dừng chân, đưa đón khách, giới thiệu sản phẩm...” - ông Cường nói.
Tâm lý muốn nhà truyền thống làng nghề phải đặt ngay ở làng của mình, cũng là một trong những nguyên nhân khiến các khu nhà này vắng vẻ. “Ví dụ như nhà truyền thống làng đúc đồng Phước Kiều, ở xã Điện Phương, trong khi làng du lịch Triêm Tây cũng ngay tại xã này. Vậy thì tại sao không xây dựng một khu nhà truyền thống nghề đúc đồng Phước Kiều gần với Triêm Tây, vì Triêm Tây có lượng khách du lịch tìm đến khá đông. Từ vị trí này, người ta sẽ biết và có thể quảng bá về nghề đúc đồng ở Phước Kiều. Dưới góc độ tâm linh làng nghề, ngay tại vùng đất của làng, người làm nghề có thể xây dựng một gian thờ…” - ông Hai chia sẻ thêm. Cũng ở câu chuyện về các tour du lịch làng nghề, lâu nay dù đã có kế hoạch nhưng người dân làng nghề vẫn không mặn mà, dẫn đến việc xây dựng tour tuyến gặp khá nhiều khó khăn. “Phát triển du lịch làng nghề phải có dịch vụ đảm bảo, từ nhà giữ xe, nhà vệ sinh cho đến các dịch vụ lưu trú kèm theo. Quan trọng nhất vẫn là sự kết nối giữa các làng nghề cũng như giữa địa phương với các hãng lữ hành, thì mình vẫn chưa làm được” - ông Hai cho biết. Cùng với đó là hàng loạt trắc trở, từ việc các sản phẩm du lịch phụ trợ bên cạnh làng nghề vẫn còn thiếu, đặc biệt là sản phẩm du lịch về đêm khi du khách chọn lưu trú tại địa phương vẫn còn nghèo nàn, chưa giải quyết được nhu cầu du khách…
Rõ ràng ở chuyện phát triển du lịch từ làng nghề, các địa phương ở Quảng Nam vẫn còn rất lúng túng. Trong khi đó, các khu nhà truyền thống ở mỗi làng nghề đã bị bỏ ngỏ trong thời gian dài và đang xuống cấp dần…
LÊ QUÂN