Nhà và làng

NGUYỄN ĐIỆN NAM 23/11/2014 07:33

“Cái nhà hiền như nấm rơm/ cái nhà thơm như quả chuối…”, Xuân Diệu làm thơ với chữ nghĩa thường “rất Tây” mà tả ngôi nhà Việt lại hồn nhiên, mộc mạc, dân dã vậy. Nhưng đó là những ngôi nhà xưa, với mái tranh che nắng mưa, thấm đẫm kỷ niệm tuổi thơ, bóng hình của mẹ. Và, nhà xưa gắn với không gian của làng. Mảnh đất “đầu thừa đuôi thẹo” của làng thường chỉ dành cho dân ngụ cư trôi dạt đến hay “thằng Mõ” ở, còn nhà dân bản địa ít nhiều đều theo quy củ, thân thiện nhau qua hàng rào chỉ là bờ tre, hàng chuối, hàng chè tàu...

Bây giờ thì nhiều làng quê Việt đã bị “cứng hóa” với bê tông hóa từ hàng rào đến nhà. Tính biệt lập theo kiểu “đèn nhà ai nấy sáng” nổi lên, mạnh ai nấy làm nhà to kín cổng cao tường thì tính cộng đồng làng trong không gian thân thiện giảm xuống. Ở miền núi, làng và nhà của đồng bào cũng biến dạng. Nhiều nơi, vị trí đặt nhà làng, cách xây dựng nhà làng không thể hiện được cái hồn của mảnh đất, con người nơi đó. Anh Văn Công Hùng, người gắn bó mấy mươi năm với Tây Nguyên cho hay: “Ở Tây Nguyên hiện có rất nhiều nhà rông “hoành tráng” mà giá trị sử dụng không cao, thậm chí là không có. Đấy là do ý chí của một nhóm người đã đi ngược quy luật, biến những cái “Nhà rông văn hóa” nghênh ngang ở trụ sở xã thành... vô chủ, trong khi ở làng thì không có. Những cái nhà rông loại này chỉ được mỗi chức năng giải quyết khâu oai”. Còn ông Bhriu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, nhìn nhận về sự biến động do quy hoạch nhà và làng của đồng bào miền núi Quảng Nam: “Có thời gian chủ trương phát triển miền núi nhanh để “tiến kịp miền xuôi”, rồi “tách hộ lập vườn”, “bám mặt tiền” để tiện bề làm ăn, phát triển. Điều này xét về quy luật thì không sai, nhưng lại vô tình phá đi cấu trúc văn hóa làng, phá đi tính cộng đồng trong văn hóa, tạo sức ỳ và thụt lùi trong phát triển. Người miền núi mất đi văn hóa làng, văn hóa rừng là mất văn hóa gốc”.

Thế ra, từ cái nhà đến làng, là văn hóa ở, là sinh hoạt đời sống. UNESCO định nghĩa về văn hóa “như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội; và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin”. Theo quan niệm đó, nhà và làng không chỉ là nơi để ở, nó còn chứa đựng nhiều giá trị sâu thẳm của đời sống con người, từ vật chất đến tinh thần. Dòng chảy của đời sống văn minh buộc phải lựa chọn những thay đổi về tiện nghi vật chất. Không thể cưỡng được! Có điều phải chăng chúng ta đã quá chuộng (thậm chí kích thích) cho những ham muốn phải biến đổi, thay đổi để hiện đại hóa theo kịp trào lưu văn minh mà coi nhẹ bảo tồn giá trị văn hóa? Như thế, thì phải nói là xây dựng “làng văn minh” chứ chưa phải là “làng văn hóa”. Văn minh thường chỉ thể hiện mặt vật chất, là một phần trong văn hóa mà thôi.

Giá trị văn hóa truyền thống có sự bảo thủ nhất định trong thành trì của mình. Khi phải giao lưu và hội nhập với thế giới bên ngoài, nó biến thành sức mạnh nội sinh làm nên sự khác biệt, bản sắc của mỗi dân tộc. Do đó việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống là giữ ngọn lửa ấm cho ngôi nhà, ngôi làng, quê hương, đất nước... Giải quyết những xung khắc giữa hiện đại, văn minh và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống là vấn đề của nhiều quốc gia, dân tộc. Ở góc độ đó, Mahatma Gandhi đã bộc bạch một tầm nhìn thật sâu xa: “Tôi không muốn ngôi nhà của mình bị vây kín giữa những bức tường và những khung cửa sổ luôn luôn bịt chặt. Tôi muốn văn hóa của mọi miền đất tự do thổi vào ngôi nhà đó. Nhưng tôi sẽ không bị cuốn đi bởi bất cứ ngọn gió nào”.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà và làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO