Từ khi có báo chí quốc ngữ đến nay đã quá 1 thế kỷ. Ngoài những ký giả chuyên nghiệp, sự có mặt của các nhà văn, nhà thơ Việt trên báo chí nước ta đã đóng một vai trò khá quan trọng trong việc phát triển, hoàn thiện văn viết như ngày nay. Bên cạnh đó, các nhà văn cũng đã dịch thuật và giới thiệu nhiều luồng tư tưởng mới từ Âu Tây cho người đọc…
Từ báo quốc ngữ đầu thế kỷ XX
Đọc lại “Công cuộc tài bồi cho nền quốc văn” do 3 tờ báo Tin văn, Khuyến học và Tràng An khởi xướng trong những năm 1930 - 1935, ta thấy rằng làng báo non trẻ từ sau Đông Dương tạp chí (1913) đã đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá quốc ngữ và đã gây được sự chú ý sâu rộng khắp 5 xứ Đông Dương. Trong giai đoạn này, đọc lại những tờ báo cũ ta thấy nhà văn Nguyễn Trọng Thuật (bút danh Đồ Nam Tử) với loạt bài về Nghề làm báo, hàng loạt phóng sự của Nguyễn Đình Lạp, Vũ Trọng Phụng; tiểu thuyết của Trương Tửu; các chuyên mục của Tản Đà, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng… đã góp phần làm phong phú hơn nội dung trên mặt báo, đặc biệt là làm cho tính thời sự đậm đặc trên cả những tờ báo chuyên đề như Khuyến học, Khoa học Phổ thông, Tiểu thuyết thứ Bảy…
Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh sau giai đoạn báo chí Quốc ngữ ban đầu, dưới bút danh Tân Nam Tử đã tổng kết các đề mục phong phú trên chính tờ Đông Dương tạp chí của ông: “Trong hai năm 1913 đến 1915, Đông Dương tạp chí đã lập ra các chuyên mục ổn định bao gồm: 1. Kính Khai 2. Cẩn cáo 3. Thời sự tổng thuật 4. Điện báo 5. Quan báo lược lục 6. Đông Dương thời sự 7. Nhời đàn bà 8. Văn chương 9. Tự do diễn đàn 10. Dưỡng anh nhi pháp 11. Việc buôn bán 12. Luân lý học 13. Sách dạy tiếng An-nam. Đến năm 1917, có thêm các mục: Tiểu thuyết Tây diễn nôm, Tiểu thuyết Tàu, Tân học văn tập (Văn quốc ngữ, cách trí, tập đọc, giảng nghĩa và học thuộc lòng, Nam sử), Văn chương (Pháp văn, Hán văn, Kim Vân Kiều, Bình phẩm sách mới), Công văn tập và Thiệt hành điện học (theo tannamtu.com). Sự đa dạng này là nhờ các nhà văn, nhà thơ trong vai trò làm báo của họ.
Lê Minh Quốc ký tặng sách Người Quảng Nam cho độc giả. |
Về sau, ngoài vai trò tiền phong của báo Tiếng Dân, nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng như Hải Triều dưới đề mục “Tư tưởng mới” trên các báo ấn hành tại Huế, sau được in thành sách “Văn sĩ và xã hội” do Hương Giang thư quán ấn hành năm 1937, đã giới thiệu về M.Gorki, Romain Rolland (Nobel 1916) và Henry Barbusse (người đã giúp Nguyễn Ái Quốc ra báo Người Cùng Khổ) rất thu hút người đọc theo tân học, tạo cho người đọc ý thức mới về vai trò của trí thức với vận mệnh đất nước đang bị ngoại xâm…
Nhà văn trong làng báo đương đại
Trước năm 1975, văn giới ở miền Nam xuất hiện trên mặt báo phần lớn là đăng các truyện dài kỳ (feuilleton) hay truyện ngắn đăng trên các tạp chí văn chương. Có vài nhà văn làm chủ bút - đa số là tạp chí hoặc tuần báo như Nguyễn Vỹ (Phổ Thông), Mai Thảo (Văn), Trùng Dương (nhật báo Sóng Thần), Duyên Anh (tuần báo Tuổi Ngọc), Nguyễn Mạnh Côn (Chính Văn)… Nhưng ngoài những bài xã luận, ít thấy họ viết báo như một nhà báo thực thụ. Tại miền Trung, nhiều nhà văn, nhà thơ trẻ lớp sau như Đông Trình, Thế Vũ, Thái Ngọc San, Trần Quang Long, Tần Hoài Dạ Vũ… đa số tham gia các phong trào phản chiến, viết và thực hiện những tờ báo mang khuynh hướng chính trị rõ rệt mà đa số đều bị đình bản hay tịch thu sau một thời gian ngắn.
Từ sau 1975, đặc biệt là sau giai đoạn đổi mới (1986) người đọc chứng kiến ngày càng nhiều nhà văn, nhà thơ xuất hiện trên mặt báo với những bài báo kêu gọi đổi mới, chống tiêu cực và cổ súy cho trào lưu bảo vệ văn hóa dân tộc. Các nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng) với những bình luận sắc sảo trên Thanh Niên, Tuổi Trẻ TP.Hồ Chí Minh; nhà văn Nguyên Ngọc với nhiều loạt bài nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên và nhiều bút ký và các bình luận về văn hóa mang tính cách tân mạnh mẽ; Nhàn đàm của Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn là một tiếng nói riêng và đặc sắc bởi vốn hiểu biết của ông; nhà thơ Thanh Thảo ngoài bình luận thời sự còn viết cả bóng đá, các nhà văn - nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Quang Thân, Dạ Ngân… xuất hiện thường xuyên trên nhiều mục của Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Thể Thao &Văn hóa. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư với hàng loạt tạp văn trên nhiều tờ báo từ Bắc vào Nam với một giọng văn đặc sệt chất Nam Bộ là một hiện tượng được chú ý mà theo tôi cũng không thua gì Nguyễn Nhật Ánh, người thường xuyên góp mặt các mục Vườn Hồng (Anh Bồ Câu) hay bình luận bóng đá (bút danh Chu Đình Ngạn)…
Những tờ báo quốc ngữ đầu thế kỷ XX. |
Trong giai đoạn này, vai trò của các nhà văn trên mặt báo không như các thế hệ đi trước. Họ ít bị sức ép áo cơm hơn nhưng lại đầy dũng khí khi đương đầu với những quán tính đã cũ trong đời sống nói chung để kêu gọi một nhận thức mới nhằm đất nước tiến lên, chống lại nhưng biểu hiện tha hóa trong văn hóa, đạo đức và đặc biệt, như trường hợp Lại Nguyên Ân, đã dày công sưu tầm các bài viết, tài liệu cũ, hệ thống lại và đưa ra công luận để đánh giá lại vai trò của nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn trong quá khứ mà vì nhiều lý do đã bị quên lãng hoặc đánh giá sai lệch…
Tóm lại, nhà văn khi đóng vai trò nhà báo, trong nhiều giai đoạn lịch sử đã tiếp tục vai trò tiên phong, dẫn dắt dư luận như một thuộc tính của thiên chức mình, mà nhiều khi tác phẩm văn học chưa ra đời kịp. Họ xứng đáng cho chúng ta học tập. Nhưng ngược lại, nhiều nhà báo chuyên nghiệp sau lại trở thành nhà văn, nhà nghiên cứu với các tác phẩm nổi tiếng nhờ tích lũy vốn sống và tư liệu khi làm ký giả. Vũ Bằng với Thương nhớ mười hai và nhiều tác phẩm tạo dư luận của một số nhà báo đương thời (như tiểu thuyết của Huỳnh Bá Thành, thơ Nguyễn Việt Chiến, biên khảo của Lê Minh Quốc… là những ví dụ).
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG