Nhà văn Lê Trâm: "Viết như lên đồng là viết hay nhất"

TÂY BÌNH 23/04/2017 13:54

Lê Trâm vừa trở về quê nhà sau nửa tháng tham gia trại sáng tác của Hội VHNT Quảng Nam tại Tam Đảo, cùng chặng đường du hí các tỉnh Tây Bắc. Nhân tiện, anh ghé Nhà xuất bản Kim Đồng (Hà Nội) để lo tái bản tập truyện vừa thiếu nhi “Mơ về phía chân trời” và bàn các dự án sách mới.

Nhà văn Lê Trâm.
Nhà văn Lê Trâm.

Lúc nào Lê Trâm cũng cười, thủng thỉnh, dù đương... giáo chức hay đã nghỉ hưu. Cũng dễ hiểu vì sao anh không đẩy nhân vật của mình đến cạn cùng, quyết liệt mà cứ lưng lửng, chơi vơi. Bởi anh không thể khác mình, một tâm hồn nhạy cảm, một tính cách mô phạm và biết đâu đó lại là điểm nhấn tạo nên dấu ấn Lê Trâm - nhà văn.

1. Nhiều người thường đánh đồng giữa Lê Trâm nhà giáo và Lê Trâm nhà văn. Bởi cái cách hiền hiền, cười cười của anh khiến người đối diện nghĩ “tâm nào văn nấy”. Nhưng đọc truyện của anh, mới thấy hết những ẩn giấu sâu kín, kiểu ngọn cỏ tìm cách vươn lên dưới tảng đá sâu với bao chất chứa, gửi gắm suy tư thời đại. Anh viết nhiều thể loại, từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến cả viết cho thiếu nhi. Hơn hai mươi năm cầm bút, nhiều lúc anh dự định in xong cuốn này thì “giũ sổ”, mà cái nghiệp viết lách cứ đeo bám, để rồi lại lọ mọ viết trong những ưu tư. Ngay trong tập truyện ngắn xuất bản mới nhất “Phía gió biển không còn ai” (NXB Trẻ ấn hành tháng 8.2016) gồm 13 truyện ngắn, những trải nghiệm của tuổi tác kéo người đọc vào trạng thái dùng dằng, tưng tức. Anh bảo, tuyến nhân vật trong tập truyện giăng mắc giữa xô bồ và bị xua đuổi, muốn đi tìm chính mình. Trong cuộc trốn chạy ấy, họ ngã vào thiên nhiên hòng mong sự giải thoát nhưng cuối cùng vẫn chấp chới. Thế nên nhân vật Hương trong truyện “Phía gió biển không còn ai” mới thốt lên: “Những ngày còn trẻ dại sao không thấy hết mọi ngóc ngách cuộc đời… Và nàng đứng lên nhẹ nhàng đi ra đường. Chân không dép và đầu đội trời”. Nghe nhẹ tênh mà khiến người đọc như ngả vào thinh không.

Lê Trâm sinh năm 1956. Quê quán ở xã Quế Phú, Quế Sơn. Giáo viên, đã nghỉ hưu. Hiện là Chi hội trưởng Văn học, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam.

Tác phẩm: Lai lịch một thành hoàng - tập truyện ngắn, 1992; Tý cô nương - truyện vừa, 1994; Bức tranh gửi lại - truyện vừa, 1996; Tìm lại thời gian - tập truyện ngắn, 1999; Mơ về phía chân trời - truyện vừa, 2004; Một giấc hồ điệp - tập truyện ngắn, 2007; Nghe vọng tiếng đồng - tiểu luận và tạp văn, 2010; Phía gió biển không còn ai - tập truyện ngắn, 2016.

Giải thưởng: Giải thưởng Văn học nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng (1985-1995), giải thưởng Văn học nghệ thuật Đất Quảng lần thứ I (1998-2008), lần II (2009-2013), tặng thưởng Văn học nghệ thuật Đất Quảng liên tiếp các năm 2010, 2014. Năm 1990, nhà văn Lê Trâm còn được trao giải thưởng truyện ngắn hay của báo Tiền Phong.

“Bây giờ, sự viết đã khó khăn trở lại như lúc mới bắt đầu”. Hỏi tại sao, anh bảo có sự tác động từ nhiều phía: bạn đọc - xuất bản - xu hướng thời đại. Tất nhiên, vẫn phải là mình trên con đường tìm kiếm sự tương tác với bạn đọc. Xoay xở trong phương pháp sáng tác để tìm cánh cửa khớp với mình quả không dễ dàng. Lê Trâm xác định, tác phẩm của anh thiên về sự gợi mở. Có năm anh không viết truyện nào để dừng lại, đường dài, tuổi lớn, đi cho hợp thời, hợp mình. Tưởng anh phải gồng lên để làm mới mình theo cách anh nhìn nhận “lớp trẻ bây giờ rất quyết liệt, có tâm thức thời đại trong bản năng sáng tác”, nhưng với anh chất truyền thống vẫn thấm đẫm. Phần lớn truyện của anh đều bỏ ngỏ, buông lửng. Hỏi sao không quyết liệt, gai góc hơn nữa, anh trầm ngâm. Một tác phẩm đến tay bạn đọc là sản phẩm khác nhiều so với bản thảo nguyên gốc. Muốn xuất bản được phải kiểm duyệt, cắt cúp. Mà cắt giũa thì bớt gai góc, nhẵn như viên bi lăn đâu cũng được. Rồi mối quan hệ chằng chịt giữa tác giả, tác phẩm, in ấn, kiểm duyệt, muốn đứa con tinh thần đến tay bạn đọc, thì gật đầu với bản thảo cuối cùng. “Bạn văn cũng thường nói, có khi nào văn ông hiền quá không. Thật ra, nhiều cái cũng gai góc như “Truyện đốt theo sông”, “Lai lịch một thành hoàng” nhưng tôi không xác định chính xác thị hiếu của bạn đọc” - anh nói.

2. “Nửa đêm nghe chị ú ớ tôi giật mình thức giấc chạy sang. Lão và chị áo quần tả tơi đang hào hển quần nhau trên chiếc giường tre ọp ẹp. Tôi sôi gan lượm hòn gạch ném càn... Thế mà thiên hạ cũng biết đồn rầm. Nên đến bây giờ chị vẫn chưa ai. Chẳng hiểu có phải vậy không? Chị hai sáu tuổi tôi mười lăm. Có gã ăn mày gù từ đâu phiêu dạt về bên kia bãi lau. Gã mang bộ mặt thiên thần như mượn của ai... Dựng xong căn lều trống hơ trống hoác gã bắt đầu đi biệt tối mịt mới về ong ỏng ca. Gã ca rằng: Nước non ngàn dặm ra đi/ Cái tình chi/ Mượn màu son phấn/ Đền nợ Ô Ly. Tiếng sanh tiền gõ nhịp đều đều chậm rãi đệm theo nghe buồn não. Giữa một dải sông nước lặng lờ một vùng quê nghèo khó một ngôi mộ thành hoàng um tùm những cỏ từ lâu tôi đã thấy thiêu thiếu một cái gì nên cảnh trời nước cứ chông chênh” (trích “Lai lịch một thành hoàng”). Anh thừa nhận, đến bây giờ vẫn khó có thể vượt qua một Diêu, Ân, Trần Cư… trong tác phẩm đầy chất thơ năm ấy. Chừng như, con đường sáng tác của anh là hành trình leo lên vách núi, có quãng phải dò bước một, có đoạn nhảy bậc cao. Anh lắc đầu, mấy cái truyện đó là viết như lên đồng, viết không toan định trước, để rồi nhiều năm sau lấy đà mãi vẫn không qua được. “Không dễ gì viết, giống như cuộc xổ số, khó có lần thứ hai” - Lê Trâm trầm ngâm.

Ngót hai mươi năm cầm bút, nhưng vẫn có chút ngắc ngứ, hoang mang trong Lê Trâm. Không phải sự hoài nghi về con đường mình đã chọn, mà ở những khía cạnh râu ria, từ nhiều phía. Thế nên sau tuyển tập truyện ngắn “Phía gió biển không còn ai” vừa qua, anh đang dành thời gian đọc lại tất cả sáng tác của mình. Như là quãng lặng để chiêm nghiệm, để nhìn lại đoạn đường mình đã đi đủ đúng, đủ dài như mình nghĩ. Anh bảo, có chút gì đó hơi chông chênh, khi người viết sách và người làm sách vẫn chưa gặp nhau. Nhất là mảng văn học ngày càng mỏng và yếu. Với nghề viết, lợi nhuận anh thu về là những đứa con tinh thần được bạn đọc đón nhận. Chỉ vậy. Có thể nhiều tác phẩm Lê Trâm cố gai góc, xù xì, nhưng anh luôn “thấy được là được” trong hành trình viết lách của mình. Để rồi, cái triết lý sống ấy bước ra phía ngoài trang sách và đồng hành với anh, hồn hậu.

Ở tuổi này, anh không còn vội vã mà chờ đợi một cuộc hồi sinh, dẫu không còn quyết liệt, nồng nàn, đầy ắp như thuở của “Truyện đốt theo sông”, “Lai lịch một thành hoàng”. Đã có lúc anh muốn buông bỏ để an nhàn nhưng đã thành cái nghiệp. Với anh, làm sao để tăng sức gợi trong tác phẩm chứ không thể làm mình khác đi. Hóa ra, anh bảo thủ trong cách làm mới mình, bởi khó đi chệch thiên hướng của một “ông giáo Trâm” truyền thống, luôn trăn trở về cái chân - thiện - mỹ của thế hệ xưa. Anh thừa nhận, tuổi trẻ với những chờ đợi, đối diện nhiều trạng thái, cảm xúc, những thăng hoa và cả biến cố tạo nên mạch sáng tác tuyệt vời. Rồi anh nhắc lại thứ xúc cảm lộng lẫy khi chờ sinh đứa con đầu lòng, để rồi mới có một “Lai lịch một thành hoàng” ăm ắp, mạnh bạo đến mức “Chị cười buồn kéo tôi ra bến vắng. Loáng cái đã cởi bỏ xong áo quần chị nhìn tôi cầu khẩn: Em xem này chị có đẹp không?”.

3. Lúc nào Lê Trâm cũng cười, thủng thỉnh. Anh đọc lại mình, cả những người trẻ để tìm sự hội nhập. Chọn những bến sông, bãi biền, Lê Trâm đẩy nhân vật của mình ra không gian không giới hạn, để từ đó bật lên bản ngã trong cuộc tìm kiếm đục - trong, khát khao được sống đúng với mình… Phía sau đôi mắt hiền khô đầy những suy tư, trăn trở;  là mơ ước anh gửi vào trang sách: “Làm sao để lòng tốt được khơi lên giữa bộn bề đổi thay của xã hội, làm sao để những tâm hồn nương tựa vào nhau dẫu thân sơ để vượt qua mệt nhọc cuộc đời”…

Về các dự án “làm sách” cho các NXB như Kim Đồng, Trẻ..., Lê Trâm khiêm tốn: “Tiếp cận NXB thật khó. Mình cũng chỉ may mắn thôi”. Theo anh, thực tế, hiện nay hầu hết tác giả phải tự bỏ tiền ra in sách và tự phát hành do người đọc rất ít mua sách. Các NXB, công ty phát hành sách rất cân nhắc, có được đầu ra họ mới chịu in. Do vậy được NXB hay công ty phát hành sách nào đó chịu bao hết các khoản từ in ấn đến phát hành, trả nhuận bút là may mắn lắm cho tác giả. Hiện họ chỉ in cho các tác giả “hot”, hoặc các tác giả mới, trẻ, có lượng độc giả ổn định. Ở tỉnh lẻ rất khó lọt vào diện này. Nhiều nhà văn viết xong vẫn cứ loay hoay tìm NXB, công ty phát hành sách là vậy. Lê Trâm cho biết, dù đến giờ vẫn chưa gặp mặt biên tập viên hay người có trách nhiệm ở NXB Trẻ, nhưng họ vẫn đang bao in tập truyện “Đêm khỏa thân”, và họ tiếp tục đặt anh cuốn thứ hai, nếu tiếp cận được thị trường của họ, thị hiếu của độc giả họ.

TÂY BÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà văn Lê Trâm: "Viết như lên đồng là viết hay nhất"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO