Nhà văn Nguyễn Hiệp với vẻ lãng tử đầy chất nghệ sĩ nhạy bén với văn chương và thời đại luôn có mặt trong nhiều sự kiện, cuộc thi sáng tác văn học từ khu vực cho đến toàn quốc và đã để lại nhiều dấu ấn đáng kể. Nhắc đến văn xuôi đương đại chắc chắn phải kể tên nhà văn Nguyễn Hiệp với dấu ấn “Bông cỏ giêng”.
Tôi quen nhà văn Nguyễn Hiệp từ năm 2010 qua lần gặp gỡ các nhà văn chuyên viết truyện ngắn ở miền Trung mang tên “Buffet truyện ngắn Miền Trung” do công ty Sơn Ca Media tổ chức tại Thừa Thiên Huế.
Cuộc gặp như mối lương duyên kết nối các thế hệ đam mê sáng tác với nhau, đặc biệt là với các nhà văn ở vùng “ngoại vi” như miền Trung. Cùng duyên nợ văn chương, các tác giả thường “dõi theo bước chân nhau” và tranh thủ mọi điều kiện để trao đổi, gặp gỡ như là một cách để nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê sáng tác văn chương trong lòng mỗi người.
Sau cuộc gặp ấy, nhiều nhà văn đã góp mặt cùng nhiều tác phẩm hay trên văn đàn. Tháng 8/2023, nhà văn Nguyễn Hiệp tham gia một trại viết và đi thực tế tại Quảng Nam, lại thêm dịp hiếm có để anh em viết văn gặp gỡ, trao đổi tiếp về câu chuyện sáng tác…
Nhà văn Nguyễn Hiệp sinh 1964 tại Hàm Tân, Bình Thuận, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm chính đã in bao gồm các tập thơ: “Mang cả chiều đi”, “Trả áo về trời”; tiểu thuyết gồm: “Ngã Hai”, “Mùi chồng”, “Từ thời gian khác”, “Vực thẳm trắng”; truyện ngắn gồm: “Dưa huyết”, “Bông cỏ giêng”, “Làng người xanh”, “Trần gian nhìn từ sau lưng”, “Âm thanh đổ bóng”, “Chỗ trống dưới ngón tay Phật”, “Dự án chôn dọc”… và một số tập tản văn khác.
Trăn trở về thân phận con người
* Năm 2004, nhà văn đoạt giải cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ với truyện ngắn có tên khá lạ “Bông cỏ giêng”, tạo nên thương hiệu của Nguyễn Hiệp, cái tên truyện gắn với tác giả như một kiểu “Bến My Lăng” của Yến Lan, “Lá diêu bông” của Hoàng Cầm…. Vậy với Nguyễn Hiệp, “Bông cỏ giêng” còn gởi gắm thêm điều gì?
- Nhà văn Nguyễn Hiệp: “Bông cỏ giêng” đoạt giải nhì truyện ngắn báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam 2003 - 2004. Đọc truyện ngắn, bạn sẽ thấy rõ ý tưởng mà. Viết về một loài hoa nhưng đích đến cuối cùng vẫn ẩn chứa thân phận con người, hướng về con người.
* Nhà văn có cách đặt tên truyện đầy ấn tượng: “Mùi chồng”, “Âm thanh đổ bóng”, “Dưa huyết”, “Trần gian nhìn từ sau lưng”, “Chỗ trống dưới ngón tay Phật”, “Dự án chôn dọc”… Khi viết, vai trò của tên tác phẩm có ảnh hưởng nhiều đến nội dung và câu chuyện “bếp núc” của nhà văn?
- Nhà văn Nguyễn Hiệp: Tên tác phẩm quan trọng bởi nó định hướng cảm xúc và hình thành giọng điệu cho tác phẩm. Tôi viết đã khó nhọc nhưng đặt tên cho tác phẩm còn khó nhọc hơn, thường tôi phải tự đọc diễn cảm và thu âm, phát nghe nhiều lần mới ưng ý bởi tiếng Việt không chỉ ngữ nghĩa, phần âm thanh phát ra cũng liên quan đến từ trường câu chuyện.
* Nhiều tác phẩm của nhà văn lấy bối cảnh từ vùng đất Đông Nam Bộ, những vùng đất “xôi đậu” thời chiến tranh. Vì lý do nào mà nhà văn lựa chọn đề tài này?
- Nhà văn Nguyễn Hiệp: Tôi viết nhiều đề tài chứ không riêng gì chiến tranh và hậu chiến nhưng chiến tranh vẫn là đề tài ám ảnh tôi nhiều nhất. Có lẽ với mỗi người cầm bút, ký ức luôn chiếm giữ một phần cảm thức quan trọng trong việc hình thành tác phẩm. Với tôi, nơi đây chốn đó cũng nhiều nhưng cái ngõ nhỏ vào khu trại gia binh gần nhà tôi ngày thơ bé luôn là một thế giới thu nhỏ sinh động, chất chứa trong đó vô vàn nỗi đau, vô vàn câu chuyện, những nguyên mẫu, vô vàn bi kịch chiến tranh… Cũng là tự nhiên thôi, nhà văn không đứng về phía nỗi đau thì đứng ở đâu trong cuộc đời này...
Văn chương: cuộc đi không ngơi nghỉ
* Được biết nhà văn liên tục đoạt các giải thưởng văn chương danh giá. Trong các giải thưởng ấy, giải thưởng nào tác động đến công việc sáng tác của nhà văn nhất? Có còn lý do nào khác nữa?
- Nhà văn Nguyễn Hiệp: Nhà văn không ai viết vì giải thưởng nhưng tôi vốn tính lười biếng nên nương vào chuyện thi cử để tự thúc ép mình viết. Đó cũng là một cách, tuy hơi bị động nhưng cũng hiệu quả với những người tự thấy mình yếu như tôi. Trong các giải thưởng thì giải truyện ngắn báo Văn nghệ 2004 là quan trọng bởi nó giúp tôi tự tin hơn trong giai đoạn chân ướt chân ráo bước vào làng văn.
* Anh vừa tham gia trại viết và đi thực tế tại nhiều vùng đất của Quảng Nam. Ấn tượng của anh qua chuyến đi về vùng đất này và dự định sáng tác về Quảng Nam?
- Nhà văn Nguyễn Hiệp: Trong chuyến công tác 7 ngày ở Quảng Nam lần này, có nhiều dự tính của tôi đã trở nên rõ ràng hơn. Về phần công việc của trại sáng tác, tôi sẽ viết một truyện ngắn về bông hồng thép - nữ đặc nhiệm và một bút ký về Tây Giang. Ngoài ra, có một tiểu thuyết tôi ấp ủ lâu nay cũng đã tìm được mạch chảy và xác định giọng điệu chính.
Nhờ bối cảnh! Bối cảnh gây cảm xúc và liên kết các ý tưởng còn rời rạc trong đầu. Cảnh vật và con người Quảng Nam là kho báu lớn cho những nhà văn biết cách khai thác để xây dựng tác phẩm. Tôi rất mê Quảng Nam, mê Đà Nẵng, mê Tam Kỳ, mê Hội An, mê Tây Giang…
* Có vẻ như mọi chuyện đều hanh thông và tiếp tục phát triển với nhà văn: Con cái học hành giỏi giang và thành đạt; có một sự nghiệp văn chương khá lớn… Anh có thể chia sẻ thêm về những việc đang và sẽ làm của mình?
- Nhà văn Nguyễn Hiệp: Công việc của tôi vẫn bình thường, chỉ xin ơn trên cho giữ được sức khỏe, tôi sẽ là cây nến nhỏ cháy đến giọt sáp cuối cùng. Sự đam mê ít nhất cũng giúp mình đỡ nhạt hơn, là tôi nghĩ vậy.
* Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Hiệp, chúc nhà văn có thêm nhiều tác phẩm mới, nhiều thành công mới và “cháy đến giọt sáp cuối cùng”!
“…Hạnh phúc có thật trong lòng ông già râu trắng khi ông phát hiện con mắt sau lưng của mình còn nhìn thấy được cả quá khứ. Ông nhắm hai mắt trên khuôn mặt của mình lại, không nhìn phía trước nữa để tập trung cho cái nhìn từ sau lưng.
Bao nhiêu năm tháng ông khao khát nhìn lại được nụ cười của vợ ông không ngờ bây giờ điều mơ ước ấy đã thành hiện thực. Nhưng tức chết là cứ mỗi lần hình ảnh nụ cười của vợ ông hiện lên là hình ảnh cái “thằng bố” rách rưới ấy cũng hiện lên cùng lúc.
Ông thấy như in cái ngày đầu tiên “thằng bố” rách rưới ấy bưng đến cho vợ chồng ông dĩa bắp luộc bốc khói, loại bắp nếp hột nhỏ ấy sao mà thơm ngon. “Mệ ăn đi kẻo nguội”, “thằng bố” ấy nhìn vợ ông trìu mến mà nói như vậy, chả lẽ lời ấy, thái độ ấy lại của kẻ giả dối, kẻ mưu đồ ư?
Ông cũng nhớ như in chính “thằng bố” Lê Văn… ấy khom vai một đầu võng cùng ông lụi hụi chạy đến bệnh viện trong đêm khi bà vợ ông bị mấy viên sỏi bàng quang hành cho đau xé người ngất lên ngất xuống.
Thương cảm vậy đó nên vợ chồng ông mới gọi “thằng bố” ấy đến cho mấy thước đất phía tây. Chính bà vợ ông lận lưng quần ra, mở hai lớp kim băng, lấy đưa cho “thằng bố” ấy chiếc nhẫn dành dụm cắc củm một đời để cho con trai của mình cưới vợ.
“Phận em nó ngắn ngủi, con cầm chiếc nhẫn này mua lá mua cây làm nhà, có cái mà đụt mưa đụt nắng với người ta, con à”. Vợ ông là người như vậy, bà ấy sống tốt với mọi người cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay.
Ông bần thần ngồi hồi lâu, chợt cái buổi trưa nghiệt ngã kia hiện ra mồn một, cái buổi trưa mà chỉ cần gợn lên trong đầu ông đã rùng mình…”.
(Trích đoạn truyện ngắn “Trần gian nhìn từ sau lưng” của Nguyễn Hiệp).