Nhà văn Nguyễn Văn Học: Dấn thân cùng con chữ

NGUYỄN QUANG 10/09/2023 05:55

Tôi lại gặp nhà văn Nguyễn Văn Học ở Quảng Nam. Lần này anh vừa cùng đoàn sáng tác của Bộ Công an đến Quảng Nam thực tế kỳ vọng sáng tạo những hình tượng mới mẻ về người chiến sĩ công an nhân dân. Anh vẫn vậy, tâm huyết, dấn thân sáng tạo với tâm niệm “văn chương là con đường phía trước”.

Nhà văn Nguyễn Văn Học bên Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: Q.VIỆT
Nhà văn Nguyễn Văn Học bên Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: Q.VIỆT

Gắn bó với đất Quảng

* Trại sáng tác âm nhạc, văn học với chủ đề “Cảnh sát cơ động - lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống” vừa rồi ở Quảng Nam, anh ấn tượng nhất điều gì về đất và người xứ Quảng?

- Nhà văn Nguyễn Văn Học: Tôi đã đến Quảng Nam không ít lần và lần nào cũng nhận lại những điều ấn tượng. Tham gia Trại sáng tác lần này, chúng tôi được tiếp xúc, giao lưu cùng những người con Quảng Nam cũng như người ngoại tỉnh đang sống và làm việc ở nơi đây, được tham quan một số di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng.

Tôi cũng được tham quan, trải nghiệm tại huyện Tây Giang, hít khí trời và săn mây trên đỉnh Quế… Có thể nói, Quảng Nam là đất trữ tình, tạo cảm hứng sáng tạo cho nhiều văn nghệ sĩ đặt chân đến.

* Với những cảm xúc về những chiến sĩ công an nhân dân nói chung, cảnh sát cơ động nói riêng cùng những hành động chân thực của họ, nhà văn dự định sẽ bắt tay sáng tác gì?

Nhà văn Nguyễn Văn Học sinh năm 1981 tại Hà Nội, tốt nghiệp Khóa 8 Trường Viết văn Nguyễn Du (Đại học Văn hóa Hà Nội). Anh viết văn từ khi còn học phổ thông. Nguyễn Văn Học hiện làm việc tại Báo Nhân Dân, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Nhà văn đã xuất bản 11 tiểu thuyết, 17 tập truyện ngắn, 11 tập ký và 7 tập tản văn. Những tác phẩm xuất bản gần đây của Nguyễn Văn Học được nhiều người biết đến gồm các tập truyện ngắn “Nhạc cây”, “Miền thánh đợi”, “Gieo mây”, “Những bức thư gửi về tuổi thơ”… các tiểu thuyết “Vết thương hoa hồng”, “Linh điểu”, “Đắm bầy virus”… các tản văn “Hỏi sông bao nhiêu tuổi”, “Hà Nội rong ruổi thanh xuân”, “Chạm tay vào cánh chim trời”...

- Nhà văn Nguyễn Văn Học: Tôi đã viết hai bài thơ về lực lượng cảnh sát cơ động, dự định để nhạc sĩ Vũ Thiết, người cùng dự trại sáng tác phổ nhạc.

Trong chuyến tham quan và giao lưu tại Tây Giang, tôi hoàn thành bài ghi chép về đất và người Tây Giang.

Ngoài ra, tôi cũng đang hoàn thiện một truyện ngắn, một bài ký về lực lượng cảnh sát cơ động cùng những cống hiến của họ để bảo vệ các mục tiêu, sự kiện, trấn áp tội phạm, gìn giữ sự bình yên của nhân dân.

Tôi thấy hành động của các lực lượng công an tại Quảng Nam không chỉ giúp gìn giữ an ninh trật tự tại địa bàn, qua những công việc thầm lặng của họ, còn tạo mối gắn bó khăng khít với người dân, giúp đỡ mỗi khi họ gặp thiên tai, bão lũ.

Tại Trung đoàn Cảnh sát cơ động miền Trung (đóng tại Quảng Nam), còn có bài tập bơi, mục đích để thích ứng với các điều kiện mưa lũ bất thường, giúp chiến sĩ có kỹ năng cứu nạn, cứu hộ, làm giảm thiệt hại về người và tài sản nhân dân.

Ngoài ra, trong chuyện sáng tạo, có những tư liệu, cảm hứng được “để dành”. Tôi nghĩ những kiến thức, vốn hiểu biết về ngành công an, nhất là tại Quảng Nam sẽ là tư liệu quý để tôi sáng tác tốt hơn.

Tất nhiên, sáng tác về ngành công an không hề dễ dàng. Người sáng tác phải tìm hiểu kỹ, thấu cảm với những công việc lặng thầm của họ để tạo nên tác phẩm đủ sức lay động là vô cùng khó khăn.

Đậm tình với thiên nhiên

* Là tác giả văn học đa thể tài, đa giọng điệu, anh thao thức nhất về đề tài gì?

- Nhà văn Nguyễn Văn Học: Trong những ngày học ở Trường Viết văn Nguyễn Du, tôi đã dấn thân làm báo và tự làm đầy vốn sống của mình bằng những hành trình đi và trải nghiệm.

Tôi tận thấy nhiều nơi, cuộc sống cư dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Đó là hiện thực nóng bỏng và có tác động không chỉ với một cây bút phóng sự, mà còn ảnh hưởng đến tư tưởng của người sáng tác văn chương trẻ.

Từ cách sáng tạo bản năng, khai thác những đề tài mình thân thuộc, tôi hình thành một ý thức sinh thái, với một mức độ nhận thức tự giác đối với tự nhiên. Từ ý thức đó nghĩ về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của bản thân, cộng đồng trong mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên.

Khi tốt nghiệp ra trường, tôi trở thành người làm báo chuyên nghiệp, những chuyến đi càng củng cố chất liệu trong sáng tác, tăng vốn sống. Tôi thuộc diện không trốn tránh hiện thực, luôn ao ước sáng tạo về những vấn đề con người quan tâm nhất, bức bối nhất bằng sự nhạy cảm của một người yêu thiên nhiên và luôn biết lắng nghe.

Lắng nghe cuộc sống, lắng nghe sự quằn quại của các dòng sông ô nhiễm, những cánh rừng bị tàn phá, nhiều quả đồi bị cạo trọc đang kêu cứu… Đó là những vết thương tự nhiên mà chính con người gây nên, song con người cũng là nạn nhân.

Tiểu thuyết “Vết thương hoa hồng” (xuất bản năm 2017), tiểu thuyết “Linh điểu” (xuất bản năm 2020), hay tiểu thuyết “Đắm bầy virus” (xuất bản năm 2021) là minh chứng cụ thể cho những vết thương ấy.

Bây giờ nhìn lại, tôi thấy việc mình quan tâm viết về môi trường sinh thái còn có nguyên do tôi từng đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của trường phổ thông, nơi tôi học trước đây. Đó cũng là một truyện ngắn về môi trường.

Tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Văn Học.
Tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Văn Học.

* Tôi nhớ là văn chương của anh đã đi vào trường học. Đó là đoạn trích tản văn “Bài học từ cây cau” trong sách Ngữ văn 7, tập 1, bộ Chân trời sáng tạo. Anh chia sẻ những cảm xúc của mình?

- Nhà văn Nguyễn Văn Học: Tôi rất vui sướng vì tác phẩm của mình đã được in trong sách giáo khoa. Đây là sự khích lệ tích cực đối với mỗi người cầm bút. Điều đó chứng tỏ những nỗ lực của tôi trong sáng tạo văn chương được ủng hộ, đón nhận và tạo được một chút dấu ấn nhỏ trên con đường sáng tạo đầy dấn thân nhưng cũng hạnh phúc như quả ngọt chín mọng.

Tản văn “Trò chuyện với hàng cau” được in trên báo Quân đội nhân dân, sau đó được chọn in gần như toàn bộ vào sách Ngữ văn 7 và ban biên soạn đã đổi tên thành “Bài học từ cây cau”. Với tác phẩm này tôi khẳng định là mình đã viết theo cách mà con người cần phải đối diện, ứng xử với thiên nhiên, khám phá thiên nhiên theo lối cộng sinh để tìm ra những điều đẹp đẽ, kỳ diệu.

Ngoài ra, trong cuốn đọc hiểu mở rộng sách Ngữ văn 6, tôi có bài ký về môi trường có tên “Những vòng quay không mỏi”. Đây cũng là một bài viết mà tôi rất thích, may mắn được những nhà biên soạn sách lựa chọn.

* Nhà văn có thể chia sẻ với bạn đọc về con đường sáng tác, những dự định ấp ủ về văn chương trong thời gian sắp tới?

- Nhà văn Nguyễn Văn Học: Tôi đang chỉnh sửa lần cuối tiểu thuyết về đề tài tội phạm công nghệ cao. Tiểu thuyết dày 300 trang in có tên “Bị thương”. Đây là tác phẩm đầy thử thách vì tôi động chạm đến vấn đề mà lâu nay văn chương chưa nhắc đến nhiều, đó là tội phạm công nghệ, tội phạm sử dụng trí tuệ nhân tạo. Để viết được, tôi đã phải tìm hiểu rất nhiều về công nghệ, phương pháp đánh án của lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, tôi vẫn dành thời gian sáng tác tản văn, truyện ngắn liên quan môi trường. Tôi nghĩ, đây là mảnh đất cần phải được khai thác nhiều hơn. Tất nhiên, tôi không mô tả thực tại môi trường mà tôi đặt thiên nhiên, môi trường làm nhân vật chính cho tác phẩm. Khi thiên nhiên là nhân vật, thì thiên nhiên có linh hồn, có sự trăn trở, bình đẳng và cần con người trân trọng hơn.

* Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Văn Học về cuộc trò chuyện này!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà văn Nguyễn Văn Học: Dấn thân cùng con chữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO