Phan Tứ là một trong những nhà văn xuất sắc viết về đề tài chiến tranh cách mạng. Ông đã gắn bó mật thiết, sống và hy sinh cho cách mạng, cho đất nước và viết nên hàng nghìn trang sách, góp phần xứng đáng vào thành tựu chung của nền văn học cách mạng nước nhà.
Phan Tứ tên thật là Lê Khâm (đây cũng là một bút danh), sinh ngày 20.12.1930 tại Quy Nhơn, Bình Định, quê gốc ở Quế Phong, Quế Sơn, Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ông ngoại là nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, bố là Lê Ấm, vốn là Đốc học Quy Nhơn. Lê Khâm sớm giác ngộ cách mạng và có ý thức hoạt động xã hội. Ông hăng hái tham gia làm liên lạc chuyển báo chí tài liệu bí mật cho Việt Minh huyện Quế Sơn tham gia khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945 khi mới 15 tuổi. Sau đó ông làm cán bộ thiếu nhi Hiệu đoàn thuộc các Tỉnh đoàn Thanh niên cứu quốc Quảng Nam, Quảng Ngãi. Năm 1950, ông gia nhập quân đội. Sau một thời gian học Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn ở Thanh Hóa, ông tham gia chiến đấu tại Hạ Lào. Vốn sống phong phú trong quá trình tham gia chiến đấu ở Hạ Lào cùng với những nhận thức về tinh thần chiến đấu hy sinh của quân đội hai nước Việt - Lào; tinh thần quốc tế vô sản, tinh thần đoàn kết giữa 2 dân tộc là sức mạnh tạo nên chiến thắng của quân dân Lào và quân tình nguyện Việt Nam, đã giúp cho ông sáng tác nên những tác phẩm văn học sau này.
Tháng 11.1954, ông tập kết ra Bắc. Với vốn sống và nhận thức phong phú ở trên, ông bắt đầu viết truyện “Những người tình nguyện”. Ông được nhà thơ Chính Hữu và nhà văn Vũ Tú Nam dìu dắt, góp ý và đưa tham gia trại viết quân đội mở ra cho những cây bút trẻ lúc đó. Sau 4 lần viết đi viết lại tác phẩm, ông hoàn thành tiểu thuyết với tên mới là “Bên kia biên giới”.
Tháng 8.1958, ông chuyển ngành vào học khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong thời gian này, với vốn sống những năm tháng chiến đấu ở Lào, ông vừa học vừa viết tác phẩm “Trước giờ nổ súng” và xuất bản vào năm 1961. “Bên kia biên giới” và “Trước giờ nổ súng” là 2 quyển sách có giá trị cao trong nền văn học cách mạng Việt Nam và là 2 tác phẩm xuất sắc và đầu tiên viết về mối tình hữu nghị chiến đấu của 2 dân tộc Việt - Lào.
Giữa năm 1961, tiếng gọi tha thiết đòi giải phóng của quê hương đang bị kẻ thù giày xéo đã thúc giục ông trở về. Ông lên đường vào Nam, công tác ở Ban Tuyên huấn Khu ủy 5. Thời gian này, Phan Tứ tham gia vào công tác trọng điểm của khu: giải phóng vùng Tứ Mỹ. Đây là mảnh đất đồng bằng được giải phóng đầu tiên ở chiến trường Quảng Nam và khu 5, khởi đầu cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước cho 14 tỉnh, thành của khu 5 sau khi Trung ương Đảng cho phép cách mạng miền Nam “cầm súng” để chống lại tội ác của Mỹ - ngụy. Ông tham gia công tác phát động quần chúng đồng khởi, sinh hoạt và chống càn cùng cán bộ, nhân dân vùng này. Với đôi quang gánh, một đầu là tài liệu và bản thảo, một đầu là quần áo, gạo, muối, khi sống với đồng bào dân tộc thiểu số, khi sống với đồng bào Kinh giữa hiểm nguy và gian khổ nhưng ông cảm thấy tự hào vì đã trực tiếp góp phần vào giải phóng quê hương. Ông ghi trong nhật ký: “Những tính toán riêng tư cháy vèo đi bên những gương anh hùng chói lọi” và ông tâm niệm: “Phải tắm mình trong cuộc sống”(Nhật ký từ chiến trường khu 5 - Phan Tứ), vừa cùng mọi người chiến đấu vừa rèn giũa chắt chiu mỗi ngày để tìm ra những nét đặc biệt và suy nghĩ tìm cách tái hiện nó. Vừa công tác, ông vừa viết những truyện ngắn nảy sinh từ cuộc chiến đấu, đưa cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đọc. Tập “Về làng” đã được hình thành như vậy. Hình ảnh những người nông dân như ông Sần trong “Về làng”, những người nghèo như cô Cúc trong “Làm đĩ”, của những em thiếu nhi trong “Trong đám mía”. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, trải qua quá trình đấu tranh gay gắt của bản thân đã giác ngộ, đứng trong hàng ngũ cách mạng. Phan Tứ cho ta thấy quá trình chuyển biến khó khăn mà tất yếu của quần chúng, đặc biệt là quần chúng trung gian đến với cách mạng. Như Lê Nin đã nói: “Cách mạng sẽ thành công khi quần chúng trung gian ngả về phía cách mạng”. Phan Tứ đã nhận ra được điều cốt lõi này.
“Về làng” với bút pháp hiện thực sắc sảo đã đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình sáng tạo của Phan Tứ. Càng đặc biệt hơn, nó ra đời khi văn học cách mạng miền Nam hãy còn ít ỏi.
Tiếp theo “Về làng”, Phan Tứ càng được bạn đọc yêu mến với “Gia đình má Bảy” (1968), một tiểu thuyết phản ánh sinh động phong trào đồng khởi của một xã ở khu 5 bất khuất kiên cường. Tiểu thuyết đã phản ánh được toàn diện bước chuyển vĩ đại của cách mạng miền Nam đang chuyển sang thế tiến công. Ở “Về làng”, Phan Tứ phản ánh quá trình giác ngộ của quần chúng, còn ở “Gia đình má Bảy” ông hướng vào khối quần chúng cách mạng đã được giác ngộ để làm cuộc cách mạng. Với “Gia đình má Bảy”, Phan Tứ đã làm sáng tỏ chân lý “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.
Tiểu thuyết “Gia đình má Bảy” được coi như một bức tranh toàn diện và sâu sắc về cuộc đấu tranh giành và giữ chính quyền gay go, quyết liệt và xu thế tất thắng của nhân dân miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là một bước tiến mới của bản thân Phan Tứ và của nền văn học cách mạng miền Nam nói chung.
Sau những năm lăn lộn với phong trào, bị nhiễm chất độc hóa học và bị thương bởi bom đạn Mỹ, Phan Tứ ra Bắc chữa bệnh, sau đó công tác ở Nhà xuất bản Giải Phóng. Vừa công tác, vừa tranh thủ thời gian, Phan Tứ tiếp tục viết cuốn tiểu thuyết “Mẫn và tôi” (in 1972) lấy chất liệu từ những trải nghiệm trong cuộc đời chiến đấu, đặc biệt là vốn sống ông thu nhận được trong thời gian công tác ở vùng Nam Tam Kỳ (Quảng Nam). Cuốn tiểu thuyết này tạo được tiếng vang lớn và có sức hấp dẫn với nhiều độc giả trong nước. Nhà thơ Tố Hữu đã gọi đó là “quyển sách gối đầu giường của thanh niên miền Bắc”. Qua 2 nhân vật chính Mẫn và Thiêm (tôi) tiêu biểu cho lớp cán bộ trẻ, dũng cảm, kiên cường, thông minh và sáng tạo giữa dòng thác cách mạng như sóng trào nước xoáy của quần chúng, tác giả đã tái hiện chân thật cuộc chiến đấu của quân dân ở một vùng vành đai ác liệt sát căn cứ Chu Lai của Mỹ trong thời gian chuyển tiếp giữa 2 cuộc chiến tranh đặc biệt và cục bộ. Từ đây Phan Tứ khái quát rộng ra những vấn đề có ý nghĩa nhân loại, thời đại: “Loài người đánh lấn đế quốc từng bụi tre trên một làng cá”. Thành công xuất sắc của “Mẫn và tôi” cho ta thấy bước tiến vượt bậc của Phan Tứ trên nhiều mặt: Quy mô hiện thực được phản ánh, tầm khái quát tư tưởng, nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật tiểu thuyết, đã đáp ứng nhu cầu của cuộc chiến đấu giai đoạn đó.
Có thể nói, “Mẫn và tôi” cùng với “Trước giờ nổ súng” là 2 đỉnh cao trong đời viết văn của Phan Tứ.
THANH QUẾ
(Còn nữa)