Nhà văn Phong Điệp: Chuyển hóa dữ liệu đời sống vào tác phẩm

LÊ TRÂM 17/09/2023 07:30

Với nhà văn Phong Điệp, viết luôn là nhu cầu thôi thúc tự thẳm sâu tâm hồn, mong muốn thông qua tác phẩm có thể đến gần hơn với bạn đọc, sẻ chia những đồng điệu chị quan sát và chuyển hóa trong từng con chữ...

Nhà văn Phong Điệp trong chuyến đi thực tế tại Tây Giang. Ảnh: NVCC
Nhà văn Phong Điệp trong chuyến đi thực tế tại Tây Giang. Ảnh: NVCC

Nỗ lực làm mới chính mình

* Phong Điệp xuất hiện khá sớm trên văn đàn từ những năm 1990. Đến nay trong tay chị đã có gần 30 cuốn sách. Theo chị, các tác phẩm của chị có thể “phân hoạch” theo những giai đoạn sáng tác nào không, bắt đầu từ “Khi ta hai mươi” và “Ma mèo”?

Nhà văn Phong Điệp sinh 1976 tại Giao Thủy, Nam Định, hiện công tác tại báo Nhân dân, là Ủy viên Hội đồng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025. Phong Điệp đã công bố 30 đầu sách gồm nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, phê bình...

- Nhà văn Phong Điệp: Tôi nghĩ có thể tạm chia hành trình gắn bó với văn chương của mình làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1, tạm gọi là “giai đoạn tác phẩm tuổi xanh”.

Đó là khi tôi bắt đầu chạm ngõ văn chương từ lúc mới 11 - 12 tuổi, viết một cách đầy bản năng và may mắn đã được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định (khi đó gọi là tỉnh Nam Hà) đón nhận.

Thời đó, lứa tuổi của tôi, các bạn bè yêu văn chương đều tìm đến tờ báo Hoa Học Trò và tôi cũng vậy. Hầu như tháng nào tôi cũng có bài đăng trên báo.

Sau đó tôi trở thành thành viên của Hội bút Hương Đầu Mùa. Rồi tôi mạnh dạn gửi tác phẩm đến tạp chí Tuổi Xanh, dự cuộc thi Văn học tuổi 20, cuộc thi truyện ngắn của Văn nghệ Trẻ. Tôi mừng hết biết khi tác phẩm của mình đã được đăng tải và đoạt giải.

Giai đoạn 2 tạm gọi là “giai đoạn trưởng thành”, khi tôi chính thức “đầu quân” về làm việc tại báo Văn nghệ Trẻ. Nếu như giai đoạn trước tôi viết hoàn toàn bản năng thì đến giai đoạn này tôi bắt đầu ý thức về nghề văn một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp hơn. Giai đoạn 3 là “giai đoạn chuyển mình”.

Sau 16 năm gắn bó với báo Văn nghệ Trẻ, tôi quyết định rời tờ báo khi thấy đã đến lúc mình cần phải thay đổi, làm mới lại mình. Đó không chỉ là nhu cầu tự thân trong công việc làm báo mà ngay cả với việc sáng tác của tôi. Tôi thấy rằng, nếu mình không thay đổi, cứ đi mãi con đường cũ thì tôi sẽ tự chán mình trước khi độc giả thấy chán tôi.

* Bạn đọc (nhất là trẻ em và phụ huynh) rất thích những tác phẩm viết về thiếu nhi của Phong Điệp: “Nhật ký Sẻ Đồng” (gồm các tập: Chào em bé, Những rắc rối ở trường mầm non, Bố là bố thôi), “Cùng con vượt “bão” tuổi teen”, “Chúng mình làm bạn con nhé”… Chị có thể nói gì về quá trình viết các tác phẩm này?

- Nhà văn Phong Điệp: Tôi thích viết cho trẻ em, rất thích. Vì khi đó tôi được sống, được nghĩ, được bày tỏ cảm xúc theo cách của trẻ thơ. Tôi nhận ra rằng, mình không chỉ giàu có bởi “dòng máu trẻ thơ” vẫn chảy trong huyết quản có cơ hội sống dậy, mà mỗi lần viết cho các em, tôi còn có cơ hội khám phá, tìm hiểu ra những “hành tinh diệu kỳ” của các em, các cháu thuộc thế hệ gen Y, gen Z.

Sự cách biệt về tuổi tác là thử thách không nhỏ đối với người viết nếu muốn chiếm lĩnh được trái tim các độc giả thuộc thế hệ này, nhưng tôi may mắn vì được làm mẹ và chính thế giới tuổi thơ tràn ngập màu sắc, cảm xúc của các con là chất liệu tuyệt vời, nguồn cảm xúc dạt dào giúp tôi viết nên những tác phẩm cho mình và cho chính các con.

Tôi rất hạnh phúc khi nhận được phản hồi của nhiều phụ huynh chia sẻ rằng họ thấy bóng dáng của mình và con cái mình trong đó. Có lẽ bởi tôi cũng là một người mẹ - một người mẹ viết văn, nên tôi có cơ hội bày tỏ nỗi lòng của mình, và nỗi lòng ấy đồng điệu với nhiều người mẹ khác, nên các tác phẩm của tôi đã được các phụ huynh yêu thương và đón nhận.

Nhà văn Phong Điệp trong chuyến đi thực tế đến Nam Trà My. Ảnh: NVCC
Nhà văn Phong Điệp trong chuyến đi thực tế đến Nam Trà My. Ảnh: NVCC

Viết luôn là sự thôi thúc

* Nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết của nhà văn như: “Ma mèo”, “Mẹ và con và trần thế”, “Blogger”, “Delette” (in chung cùng Nguyễn Việt Hà)… đã được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc… Các tác phẩm này có vị trí, vai trò như thế nào trong gia tài văn học của chị?

- Nhà văn Phong Điệp: Các tác phẩm này đều đã được xuất bản tại Việt Nam, tuy nhiên khi mang một “hình hài” mới, được chuyển ngữ sang ngôn ngữ khác, được giới thiệu với những cộng đồng độc giả mới khiến tôi phấn khích vô cùng.

Tôi luôn tò mò tự hỏi: độc giả ở các nước mà tác phẩm của tôi được xuất bản sẽ tiếp nhận những tác phẩm ấy như thế nào? Có cơ hội sang Pháp ra mắt sách, giao lưu, tọa đàm về tác phẩm của mình và trao đổi về văn học đương đại Việt Nam, tôi không khỏi bất ngờ khi thấy rằng sự quan tâm rất lớn của độc giả Pháp với văn học Việt Nam cũng như với cá nhân tôi.

Điều này có ý nghĩa như một “cú hích” đối với tôi, để tôi có trách nhiệm hơn với những tác phẩm của mình sao cho không phụ lòng mong đợi của độc giả. Tôi cũng kỳ vọng rằng, trong một “thế giới phẳng”, nhu cầu giao lưu, tìm hiểu về văn hóa - nghệ thuật giữa các quốc gia ngày càng gia tăng thì các tác phẩm văn học của Việt Nam sẽ được giới thiệu nhiều hơn với bạn bè quốc tế.

* Phong Điệp đi, đọc, viết và in sách hằng năm có vẻ như đã được lập trình sẵn. Năm nào cũng có sách in. Năm này Phong Điệp lại ra mắt cuốn sách mới. Người đọc ngạc nhiên khi cầm trên tay cuốn tiểu thuyết tâm lý, hình sự dày những 336 trang mang tên “Cuốn sổ máu”. Với tác phẩm này, dường như chị đang có sự thay đổi trong quá trình sáng tác của mình?

- Nhà văn Phong Điệp: Chính xác năm nay tôi sẽ có 3 cuốn sách được ra mắt. Riêng tiểu thuyết “Cuốn sổ máu” tôi viết trong thời kỳ ngồi nhà thực hiện lệnh giãn cách trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành.

Tôi quyết định ngồi vào bàn và viết, mong muốn tìm được một không gian riêng, một thế giới riêng để sáng tạo. Và tôi cũng muốn những tác phẩm mình viết ra “phải khác”.

Tiểu thuyết tâm lý, hình sự là thử nghiệm mới của tôi, vừa giúp tôi thể hiện thế mạnh về khai thác tâm lý nhân vật, đi sâu về những thân phận con người mà rất có thể chúng ta đã từng gặp ngoài đời, đồng thời khai thác những yếu tố hình sự để có thể nói nhiều hơn về những vấn đề của cuộc sống, về tội phạm, về các vụ án lớn mà độc giả rất quan tâm nhưng hầu như chỉ mới xuất hiện dưới hình thức báo chí. Văn học tại sao lại có thể đứng ngoài cuộc. Đó là lý do ra đời “Cuốn sổ máu”.

* Vừa rồi nhà văn có chuyến công tác tại Quảng Nam, trong đó có hai huyện miền núi Nam Trà My và Tây Giang, đường đi khá xa xôi. Nhà văn ghi nhận được những gì qua chuyến đi này?

- Nhà văn Phong Điệp: Đó là một chuyến đi với lịch trình dày đặc, hầu như hôm nào đoàn công tác cũng lên xe từ 6 giờ sáng và trở về nhà nghỉ vào lúc 10 giờ đêm. Nhưng tôi vô cùng háo hức. Đã từng đến với Quảng Nam vài lần trước đó, nhưng chuyến công tác lần này tôi mới thực sự có cảm giác đã “chạm” vào được đất và người Quảng Nam.

Tôi ấn tượng với một bạn trẻ 8X, bỏ việc lương cao ngoài thành phố để về quê Tam Thanh, nối tiếp nghề truyền thống làm nước mắm của gia đình. Tôi yêu những giọt mồ hôi của người thợ làm gốm ở Thanh Hà. Tôi xúc động nhìn khu tái định cư Bằng La, nghe câu chuyện của bà con kể về cuộc sống mới nơi đây sau thảm họa sạt lở đất ở Trà Leng 2 năm trước.

Tôi ngưỡng mộ già làng Bríu Pố, người Cơ Tu ở thôn Arớh, xã Lăng, huyện Tây Giang, phát huy vai trò nêu gương, tìm tòi con đường xóa đói giảm nghèo cho bà con từ cây ba kích bản địa, và say mê bảo tồn văn hóa dân tộc… Chuyến đi chưa đầy một tuần mà tôi đã mang về được cho mình quá nhiều câu chuyện, cảm xúc để tôi yêu hơn mảnh đất này và mong muốn sẽ có dịp quay lại.

* Xin cảm ơn nhà văn Phong Điệp. Chúc chị tiếp tục có thêm nhiều tác phẩm hay gởi tới người đọc!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà văn Phong Điệp: Chuyển hóa dữ liệu đời sống vào tác phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO