Sau một năm triển khai dự án “Phát triển thị trường nhà tiêu hợp vệ sinh cho hộ gia đình” (do Tổ chức Phát triển quốc tế iDE tài trợ), nhiều người dân ở huyện Tiên Phước không còn ám ảnh bởi câu chuyện “khó nói”…
Chuyện khó nói
Gia đình chị Trần Thị Phúc (thôn Thanh Tân, xã Tiên Châu) sống trong xóm núi nhỏ, không điện, đường vào nhà gập ghềnh khó đi. Một mình chị Phúc bươn chải, làm lụng nuôi 4 đứa con và mẹ chồng già yếu (chồng chị Phúc không may qua đời vào tháng 3.2014). Với rất nhiều gia đình ở thôn nghèo này, việc xây nhà vệ sinh là “chưa nghĩ tới”. Dù: “Mỗi lần đi vệ sinh là một cực hình, phải lên suối xa, nhất là người già và trẻ em, mùa mưa nguy hiểm hơn vì dễ trượt té, mùa nắng cũng dễ bị rắn hoặc côn trùng cắn lắm” - chị Phúc nói. Tháng 9.2014, sau khi được giới thiệu các mẫu nhà tiêu hợp vệ sinh giá rẻ, được chi hội phụ nữ thôn cam kết cho vay vốn, chị Phúc làm ngay nhà vệ sinh cho gia đình với tổng chi phí là 4,6 triệu đồng. Khi nhân viên Tổ chức iDE thấy rõ niềm vui của chị Phúc, biết hoàn cảnh khó khăn của chị nên ngỏ ý muốn giúp đỡ thêm. Chị Phúc nói: “Có được nhà tiêu hợp vệ sinh là tôi đã yên tâm đi làm kiếm tiền mà không lo sợ mẹ bị té ngã, con cái không muộn học vì đi tiêu xa. Tôi không cần gì thêm”.
Nhờ sự phối hợp của hội LHPN huyện, người nghèo Tiên Phước đã có được nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. |
Tương tự, vợ chồng bà Trần Thị Mùi (thôn 1, xã Tiên Mỹ) tuổi cao sức yếu, kinh tế chủ yếu dựa vào mấy héc ta đất lúa nước và vườn tược. Chồng bà Mùi năm nay 80 tuổi, ao ước có nhà tiêu vệ sinh nhưng phải tốn 20 - 22 triệu đồng nên không dám nghĩ nhiều. Mọi chuyện thay đổi khi bà được cán bộ phụ nữ tư vấn mẫu nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế với giá 6 triệu đồng. Thông qua Hội LHPN huyện, bà Mùi vay 15 triệu đồng từ nguồn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội để thanh toán tiền làm nhà tiêu và mua một con bò để nuôi. Bà Mùi hy vọng, ba năm sau, tiền lãi từ nuôi bò sẽ đủ để hoàn lại khoản vay làm nhà vệ sinh.
Nhân rộng mô hình
Gia đình chị Trần Thị Phúc, Trần Thị Mùi chỉ là hai trong số 765 hộ nông dân xây nhà tiêu hợp vệ sinh theo dự án “Phát triển thị trường nhà tiêu hợp vệ sinh cho hộ gia đình” tại huyện Tiên Phước. Dự án được triển khai thực hiện tại 4 xã Tiên Cảnh, Tiên Mỹ, Tiên Châu, Tiên Hiệp trong thời gian từ tháng 8.2014 đến tháng 5.2015. “Qua 9 tháng triển khai dự án, người dân, thợ xây, chính quyền địa phương đã thực sự nhận thức về lợi ích của nhà tiêu hợp vệ sinh, dẫn tới hành động tích cực và đang dần lan tỏa ra nhiều vùng, nhiều xã lân cận” - anh Hồ Sơn Ca, cán bộ điều phối dự án thuộc Tổ chức iDE, chia sẻ. Để dự án thành công được như hôm nay, ban điều phối và cán bộ hội phụ nữ các cấp đã có những đóng góp nhất định. Ban đầu, đội ngũ tư vấn các cấp được lựa chọn tham gia tập huấn kỹ năng xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, phương pháp tư vấn bán hàng, phương pháp họp nhóm, phương pháp tư vấn tại hộ. Bên cạnh đó, một đội ngũ thợ xây được lựa chọn tại 4 xã triển khai dự án được tập huấn kiến thức về tiêu chuẩn nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Các thợ xây nhờ vậy cũng đã nắm rõ được nguyên tắc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh nên khi bắt tay vào thực hiện cũng không hề lúng túng, khó khăn.
Để hỗ trợ tài chính cho người dân nghèo “hiện thực hóa” ước mơ có nhà tiêu hợp vệ sinh, hội LHPN huyện đã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để có phương án rõ ràng, hợp lý giải quyết tài chính cho các hộ gia đình. “Hội đã làm việc trực tiếp với ngân hàng ưu tiên nguồn vốn giải ngân cho 4 xã triển khai dự án. Ngoài ra, chương trình cho vay tài chính vi mô của dự án phát triển vùng cũng được triển khai thực hiện, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn” - bà Trần Thị Diệu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiên Phước chia sẻ. Thêm nữa, năng lực hoạt động của đội ngũ tư vấn cấp xã, thôn có tác động rất lớn đến khách hàng vùng sâu, vùng xa. “Với thắng lợi từ giai đoạn một của dự án, tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính, kỹ thuật xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh tại 5 xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, Tiên Lộc, Tiên Lập, Tiên Thọ với mục tiêu ít nhất 1.000 hộ trong địa bàn dự án đầu tư nâng cấp hoặc xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh” - bà Diệu Hồng nói thêm.
CHIÊU THỤC ANH