Nhà vệ sinh ở các cơ sở y tế: Khó giữ sạch sẽ

PHƯƠNG GIANG 27/12/2013 13:28

Tuy không thiếu nhà vệ sinh nhưng việc giữ vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sử dụng của bệnh nhân đang là vấn đề đáng lưu ý  ở các bệnh viện, trung tâm khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam mới được đưa vào sử dụng nhưng nhà vệ sinh đã xuống cấp.
Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam mới được đưa vào sử dụng nhưng nhà vệ sinh đã xuống cấp.

Nhanh xuống cấp

Mới được khánh thành và đưa vào sử dụng hơn một năm nhưng nhà vệ sinh  Khoa Phụ sản - Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đã hư hỏng, xuống cấp, nhiều phòng không sử dụng được. Chị Nguyễn Thùy D. một sản phụ từng nhập viện tại Khoa Phụ sản chia sẻ: “Nhà vệ sinh trong phòng bệnh nhân thường xuyên bị tắc, vòi xả nước không sử dụng được, bốc mùi hôi. Cả sản phụ và người nhà đều phải đi nhờ ở các khoa phòng khác rất khổ sở”. Tại các khoa, phòng khác của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hầu hết những người được hỏi đều cho rằng, nhà vệ sinh ở bệnh viện chỉ “sử dụng được” chứ không sạch sẽ. Đặc biệt, tại các phòng khám, phòng chờ giải quyết bảo hiểm y tế, số lượng nhà vệ sinh được xây dựng không đáp ứng được nhu cầu trong giờ cao điểm.

Tại một số trạm y tế tuyến xã như Trạm Y tế xã Sông Kôn (Đông Giang), việc xây dựng ý thức cho người dân khi sử dụng nhà vệ sinh được thực hiện rất tốt, nhờ đó đảm bảo và duy trì được hiệu quả của công trình. Việc làm này dần dần hình thành thói quen cho cả cán bộ trạm y tế lẫn người dân khi đến khám chữa bệnh luôn nhắc nhở lẫn nhau giữ gìn vệ sinh khi sử dụng nhà vệ sinh ở các cơ sở y tế. Một cán bộ làm việc ở Trạm Y tế xã Sông Kôn cho biết, người dân đến khám chữa bệnh lần 2, lần 3 tại trạm y tế đều tự giác chấp hành, dặn dò cả người thân đi theo...ellentesque ornare consectetur mi, in molestie velit venenatis sed.

Ông Huỳnh Viết Hùng, Phó phòng Hành chính - quản trị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Hệ thống nhà vệ sinh gắn liền với các khoa, phòng cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người bệnh và đều được tính toán kỹ khi xây dựng. Tuy nhiên, do đặc thù của bệnh viện luôn ở mức quá tải, cộng thêm ý thức của người sử dụng chưa tốt nên nhà vệ sinh thường nhanh xuống cấp, hư hỏng. Bệnh viện đã phải sửa chữa rất nhiều lần nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn, khó khắc phục”.

Khảo sát tại nhiều bệnh viện tuyến huyện, tuyến xã trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy, số lượng nhà vệ sinh tương đối đầy đủ so với nhu cầu. Đối với các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tư nhân, các khoa phòng đặc thù như khoa Lây, khoa Sản, hạng mục nhà vệ sinh là một trong những điều kiện thiết yếu được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, việc đảm bảo vệ sinh, phục vụ nhu cầu của người bệnh và người nhà bệnh nhân đang là một vấn đề nan giải trước sự xuống cấp nhanh chóng. Cũng cần nhìn nhận một thực tế, tình trạng quá tải ở các bệnh viện cộng thêm sự thiếu ý thức của bệnh nhân đang là nguyên nhân chính khiến các nhà vệ sinh hư hỏng, xuống cấp.

Khó xử lý

Trao đổi về việc nhà vệ sinh Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường xuyên hư hỏng gây ra không ít phiền hà cho bệnh nhân, ông Huỳnh Viết Hùng nói: “Chủ yếu là ý thức của người bệnh, nhất là Khoa Phụ sản, sử dụng rất nhiều sản phẩm cho trẻ em, đổ không đúng nơi quy định gây tắc, hư hỏng nhà vệ sinh. Ngoài nhắc nhở, tuyên truyền cho bệnh nhân và người nhà có ý thức, bệnh viện cũng không thể làm gì hơn để xử lý”.

50,8% ý kiến khảo sát trên website Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho rằng vệ sinh chưa đảm bảo, 28% ý kiến đánh giá “tạm được”.
50,8% ý kiến khảo sát trên website Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho rằng vệ sinh chưa đảm bảo, 28% ý kiến đánh giá “tạm được”.

Chưa có đánh giá cụ thể về chất lượng nhà vệ sinh ở các cơ sở y tế, nhưng qua khảo sát chung được thực hiện hàng năm, ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở y tế khẳng định, số lượng nhà vệ sinh hiện tại về cơ bản đảm bảo đáp ứng cho bệnh nhân và người nhà khi đến khám chữa bệnh. “Nhà vệ sinh ở các trạm y tế tuyến xã được đầu tư lồng ghép từ chương trình nước sạch, vệ sinh nông thôn và các chương trình khác cũng đang được hoàn thiện. Còn ở các bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh khác trong tỉnh, việc quản lý giám sát được thực hiện thường xuyên. Giữ gìn vệ sinh môi trường cũng là nhiệm vụ bắt buộc của các cơ sở y tế trong việc đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh”- ông Sơn cho biết. Tuy nhiên, theo ông Sơn, việc đảm bảo đạt “chuẩn” về vệ sinh và duy trì là vấn đề nan giải của không riêng bệnh viện nào.

Bác sĩ Trương Văn Thế - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hội An nhận định, vì phí dịch vụ của các cơ sở y tế công lập hiện nay còn khá thấp, nguồn lực hạn chế nên việc tăng cường vệ sinh tại các cơ sở y tế công lập không thể tốt bằng các bệnh viện tư nhân. Thêm vào đó, bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở các bệnh viện công lập có một bộ phận không nhỏ còn hạn chế về trình độ dân trí, trình độ nhận thức cũng là một nguyên nhân.

Không quá bức xúc như ở các thành phố lớn, tuy nhiên, với nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng, tình trạng quá tải trở nên phổ biến ở các bệnh viện, việc đảm bảo vệ sinh bệnh viện tiếp tục là vấn đề nan giải. Tạo điều kiện cho các bệnh viện nâng cấp, hoàn thiện hạng mục nhà vệ sinh, song song với công tác quản lý, duy trì đang trở thành yêu cầu quan trọng trong thời điểm hiện tại.

PHƯƠNG GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà vệ sinh ở các cơ sở y tế: Khó giữ sạch sẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO