Nhạc phổ từ... văn

HỨA XUYÊN HUỲNH 27/12/2019 03:52

Khi sách giáo khoa lớp 1 đang biên soạn các bộ mới và vẫn chờ thẩm định, tự dưng tôi liên tưởng đến những trang sách cũ, nơi câu chữ bình dị đã lại vụt bay lên theo giai điệu. Do tác giả biên soạn sách biết chọn lựa câu chuyện và hình ảnh ấn tượng, hay bởi người nghệ sĩ rung động với cả những bài văn cũ?

 

"Ai bảo chăn trâu là khổ"

Thật khó xác định câu vừa dẫn là văn, thơ hay ca từ trong âm nhạc, dù chả thấy câu ấy có chút nhạc tính hoặc hình ảnh nào đặc biệt.

Nhiều người vẫn nhớ câu này trích ở đầu bài thơ “Quê hương” quen thuộc của Giang Nam:

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
“Ai bảo chăn trâu là khổ?”
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được...
Chưa đánh roi nào đã khóc!
(…)

Nhà thơ nhắc “qua từng trang sách nhỏ”, chắc chắn đang nói về cuốn Quốc văn giáo khoa thư, một trong 2 bộ sách giáo khoa tiếng Việt được dạy song hành ở các trường tiểu học Việt Nam suốt những thập niên nửa đầu thế kỷ 20. Bộ sách còn lại là Luân lý giáo khoa thư.

Đó là bài thứ 28 của lớp Dự bị (trên lớp Đồng ấu, dưới lớp Sơ đẳng bậc tiểu học ngày xưa), có tựa “Chăn trâu”. Xin chép nguyên văn:

“Ai bảo chăn trâu là khổ?

- Không, chăn trâu sướng lắm chứ! Đầu tôi đội nón mê như lọng che. Tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ. Trong khoảng trời xanh, lá biếc, tôi với con trâu thảnh thơi vui thú, tưởng không còn gì sung sướng cho bằng!”.

Một bài văn rất ngắn, đếm kỹ chỉ có 69 chữ (không tính tựa bài “Chăn trâu”), vậy mà bao thế hệ học trò khắc cốt ghi tâm và lại đi thẳng vào thơ Giang Nam, kể cũng lạ. Nhưng chưa hết, câu đầu tiên “Ai bảo chăn trâu là khổ” và ý văn “ngồi mình trâu”, “vui thú”… còn được nhạc sĩ Phạm Duy ứng tác ngay trong đoạn đầu ca khúc danh tiếng “Em bé quê”, viết từ năm 1953.

Hãy nghe lại đoạn này, theo thể điệu Fox:

“Ai bảo chăn trâu là khổ/ chăn trâu sướng lắm chứ
Ngồi mình trâu/ phất ngọn cờ lau/ và miệng hát nghêu ngao
Vui thú không quên học đâu/ nằm đồi non gió mát
Cất tiếng theo/ tiếng lúa đang reo/ em đánh vần thật mau (…).

Như nhiều nhà phê bình âm nhạc từng ca ngợi, nhạc sĩ Phạm Duy đã thi vị hóa cái thú chăn trâu vốn dĩ rất cực nhọc. Nhưng tôi muốn nghĩ đến sức ảnh hưởng cực lớn khác từ trang sách giáo khoa bình dị, với bài “Chăn trâu”. Phải được học trò tin cậy, thân thiết gần gũi ra sao, trang sách ấy mới gây được nguồn cảm hứng cho cả nhạc lẫn thơ đến như vậy. Theo nhà nghiên cứu Trịnh Thanh Thủy trong bài phân tích âm nhạc Phạm Duy, “Em bé quê” cùng với “Bà mẹ quê”, “Vợ chồng quê” được xếp vào bộ ba ca khúc về con người Việt Nam của Phạm Duy. Đó là những bài hát quê hương - dân tộc, có chỗ tương tự với bộ ba bức tranh trong hội họa Tây phương, vẫn theo ý của nhà nghiên cứu Trịnh Thanh Thủy.

Nét nhạc từ… tiểu thuyết

Mỗi lần nghe ca khúc “Gọi tên bốn mùa” của Trịnh Công Sơn, câu ca cuối  “Trẻ thơ ơi/ trẻ thơ ơi/ tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” cứ nhắc tôi nhớ về mẩu đối thoại giữa Meggie và mẹ trong tiểu thuyết “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Nhà văn Colleen McCullough đã cho nhân vật Meggie hỏi “Chúng ta đã làm gì nên tội hả mẹ?”. Bà mẹ đáp, gãy gọn: “Tội đã sinh ra làm người”. Chút “nghi vấn” về chuyện ảnh hưởng qua lại giữa nhạc và tiểu thuyết này, tôi từng đặt ra trong một bài viết ngắn từ nhiều năm trước. Chỉ đặt ra vậy thôi, cốt để thỏa trí tò mò của một người yêu thích ca từ đầy ám ảnh trong nhạc Trịnh.

Cũng thế, mỗi khi nghe hát đến đoạn “Mình dựa vào nhau cho thuyền ghé bến/ Sưởi ấm đời nhau bằng những môi hôn/ Mình cầm tay nhau nghe tình dâng sóng nổi/ Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn” do Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc, dĩ nhiên tôi nhớ ngay đến khổ thơ thứ 5 trong nguyên tác - bài thơ cùng tên của Nguyên Sa:

Gió có lạnh hãy cầm tay cho chặt
Ðêm có khuya em hãy ngủ cho ngoan
Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn
Nếu em sợ thời gian dài vô tận.

Nhưng cũng vì quá yêu thích lối tỉ dụ “Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn”, tôi cố tìm và nhận ra Kalih Gibran cũng từng đề cập trong danh tác “Uyên ương gãy cánh” viết bằng tiếng Ả Rập (tựa tiếng Anh “The Broken Wings”). Ngay “Lời mở đầu”, tác giả đã nhắc đến hình ảnh “mỗi đêm như mỗi lần hôn lễ”. Kalih Gibran viết rằng: “Vào năm tôi mười tám tuổi, tình yêu đã khai nhãn cho tôi bằng những tia sáng huyền ảo, ve vuốt linh hồn tôi lần đầu bằng những ngón tay nóng hổi. Selma Karamy là người nữ đầu tiên mà nhan sắc đã giúp linh hồn tôi bừng tỉnh và dắt tôi vào khu vườn tình ái tuyệt diệu nơi ngày ngày trôi qua như những giấc mơ, và mỗi đêm như mỗi lần hôn lễ”.

Đấy đúng là trang tình sử để dịch giả Nguyễn Ngọc Minh ngẫu cảm chuyển dịch “The Broken Wings” (bản tiếng Anh của Anthony R.Ferris) thành “Uyên ương gãy cánh”. Thật khó để đoán định xem liệu nhà thơ Nguyên Sa có chịu “ảnh hưởng” gì của Kalih Gibran, nhưng khi nét nhạc của Hoàng Thanh Tâm cất lên, người mộ điệu có thể kết nối hai ý tưởng thơ mộng tài hoa ấy thành một. “Gom” cả trường ca “Động hoa vàng” 400 câu thơ lục bát của Phạm Thiên Thư vào trong một ca khúc “Đưa em tìm động hoa vàng” mà Phạm Duy còn làm được (tương tự trường ca “Hà Nội phố” của Phan Vũ và ca khúc “Em ơi Hà Nội phố” của Phú Quang), thì ở chiều ngược lại, ngôn từ tiểu thuyết cũng có thể vào thơ. Và từ ý thơ, đi tiếp vào nhạc…

Người xưa từng cất tiếng hát ở mọi góc cạnh của đời sống, rồi lưu giữ lời ca ấy thành ca dao. Còn ngày nay, nghệ sĩ có đủ độ mẫn cảm để rung động và “ném” những câu văn bình dị lên khuông nhạc.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhạc phổ từ... văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO