Dù mất đi đôi mắt nhưng nhạc sĩ Đinh Ngọc Minh vẫn ngày đêm miệt mài với niềm đam mê âm nhạc. Với anh, ký ức về những ngày tháng đau buồn giờ chỉ còn lại một màu trắng xóa, thay vào đó là cuộc sống giản dị, bình an bên những “tình yêu” lớn: âm nhạc, gia đình và các học trò, bè bạn…
Nhạc sĩ Minh kèn và ca sĩ Ánh Tuyết. |
1. Tôi trở ra thăm nhạc sĩ Đinh Ngọc Minh (giới chơi nhạc thường gọi là Minh kèn) tại Đà Nẵng vào những ngày đầu xuân 2016. Anh xuất hiện với phong cách quen thuộc ngày nào: tóc dài, áo phông, quần bò bụi bặm. Đôi mắt giờ đã mắc chứng hẹp đồng tử, chỉ còn thấy chút ánh sáng le lói ở góc nhìn thẳng nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên môi anh trong suốt buổi trò chuyện. Nụ cười của một người đàn ông đã bình tâm khi “họa đến biết chịu và phước đến biết hưởng”. Nhưng có hề gì! Nhạc sĩ Minh kèn vẫn sống thật nồng say, miệt mài không mệt mỏi trên con đường mình đã chọn.
Anh sôi nổi kể lại thời thơ ấu và trai trẻ của mình. Sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên, Minh kèn vào Đà Nẵng sinh sống hẳn. “Khi còn nhỏ ở Hà Nội, tôi thường nghe nhạc trên đài phát thanh. Sau đó tôi tập tành học đàn guitar, tự đàn tự hát” - anh nói về niềm đam mê âm nhạc nhen nhóm trong mình từ rất sớm. Trong mắt của mọi người Minh kèn hồi đó là một thanh niên cao ráo, đẹp trai với vẻ phong trần, bịu bặm và chơi guitar rất cừ. Nhưng khi quyết định thi vào trường âm nhạc Huế, anh lại chọn kèn clarinete (tên một loại kèn) để theo đuổi, sau này mới học thêm saxaphone. Anh bảo: “Cái gì đã biết chơi rồi thì có thể tự học thêm được. Kèn chưa biết thổi mà thấy cũng hay hay, ngộ ngộ nên tôi mới học thử”.
Tôi đặc biệt thích nghe tiếng guitar mộc mạc rơi rơi và tiếng kèn saxo của Minh. Tất cả cứ nhẹ nhàng xoáy vào tâm tư người nghe với những âm thanh trầm bổng vơi đầy. (Ca sĩ Ánh Tuyết) |
Suốt những năm tháng còn là sinh viên của trường âm nhạc Huế, ngoài thời gian đến lớp, Minh kèn lang bạt suốt với những chuyến đi. Anh kể nhiều lần đi diễn xa đến nỗi trốn học, bỏ học. Anh cùng bạn bè lập ban nhạc, tham gia biểu diễn, thi thố khắp nơi. “Tuổi trẻ hừng hực nên tôi… sung lắm! Ở đâu có chương trình là xách đàn, xách kèn đi, quên ăn quên ngủ, không biết mệt mỏi là gì. Có đêm chơi đến 40 bài”- anh cười nhớ lại. Tốt nghiệp xong, anh làm trong đoàn ca múa nhạc Tiên Sa của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) được 1 năm. Có thời gian anh sang Đức học và biểu diễn. Đặc biệt anh được nhiều người biết đến khi tham gia chương trình Sao Mai ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên (từ năm 1997 đến 2003) với nhiệm vụ là trưởng ban nhạc, phối khí, tập bài cho thí sinh.
2. Đang ở tuổi hoạt động nghề sôi nổi nhất thì năm 2004, một bất hạnh ập xuống cuộc đời anh khi đôi mắt không còn nhìn thấy nữa. Anh bảo, thật ra lúc còn học ở trường âm nhạc Huế, mắt anh đã có dấu hiệu kém dần. Không biết mình đang phải gánh căn bệnh vô phương cứu chữa nên Minh kèn chưa bao giờ thôi hy vọng rằng một ngày nào đó mình sẽ lại sáng mắt. Anh không bỏ lỡ bất cứ cơ hội chữa trị nào, dù phải xuôi ngược khắp nơi. Sau thời gian chữa trị không có kết quả, đôi mắt anh đã thực sự chìm hẳn vào bóng tối. Những dự định, những kế hoạch, những niềm tin, hy vọng về cuộc sống mới phía trước tưởng như đã tan tành mây khói.
Bởi ai cũng nghĩ lúc quay về với cuộc sống thực tại, Minh kèn sẽ thất thần không biết phải sống tiếp như thế nào. Nhưng không phải! Anh bình thản đón nhận. Dù giờ đây, muốn đi đâu cũng không được, đọc một tờ báo cũng chẳng xong, giờ đây xem một bản nhạc cũng chẳng thành. Nói chung là làm bất cứ việc gì cũng phải nhờ người giúp đỡ. Khoảnh khắc ấy nhìn vào đôi mắt anh, bao nhiêu người đã rất xót xa. Còn đâu hình ảnh người nhạc sĩ cháy hết mình trên sân khấu, còn đâu bàn tay điêu luyện lướt trên từng dây đàn, còn đâu tiếng kèn du dương say mê. Nhưng Minh kèn lại bảo: “Mất đôi mắt chưa phải là mất tất cả. Cuộc đời tôi còn âm nhạc”.
Minh kèn đã khiến nhiều người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Dù đôi lúc cũng không tránh khỏi cồn cào lên những ám ảnh nhưng anh ít buồn, than thở mà ngày đêm miệt mài với việc hòa âm, phối khí, tập luyện, biểu diễn và thu âm. Không những tự “vực” mình dậy khỏi đau buồn, anh còn chơi nhạc mãnh liệt hơn. Nếu lúc còn sáng mắt, anh chỉ chơi 1 loại nhạc cụ, hoặc guitar hoặc thổi kèn thì lúc bị mù, anh lại có thể chơi 2 nhạc cụ đó cùng lúc. “Khi không còn nhìn thấy, tôi vẫn đi diễn hằng đêm nhưng phải ngồi mới thổi kèn, đánh đàn được. Khi ấy, chỗ tôi làm lại không tìm ra được một người chơi nhạc cụ nữa nên tôi đã thử ngồi vừa ôm đàn trước ngực, vừa để cây kèn trước mặt để thổi” - anh kể. Vậy là hơn 10 năm nay, Minh kèn lúc nào cũng chơi 1 lúc 2 nhạc cụ: vừa thổi kèn saxaphone vừa đánh đàn guitar.
3. Hỏi anh: Hỏng mắt ảnh hưởng thế nào đến hoạt động âm nhạc?, Minh kèn bảo: Tất nhiên mờ mắt cũng gây khó khăn nhưng trong âm nhạc chủ yếu là nghe, cần cái tai hơn là con mắt. Con mắt có nhìn đi nữa thì trong âm nhạc cuối cùng chính vẫn là nghe thôi. Nên với tôi, chuyện có thấy hay không đã không còn quan trọng nữa. Vì thế, anh cười ha hả, sảng khoái với tinh thần lạc quan hiếm thấy. “Tôi còn may mắn hơn nhiều người mà” - anh nói. Anh bảo cuộc đời thật ngộ nhưng luôn công bằng, lấy mất cái này thì cho lại cái khác, lúc tận cùng tuyệt vọng rồi cũng có lúc đỉnh cao hy vọng.
Một ngày bình thường của anh ở tuổi hoa râm bây giờ tuy bớt ồn ào nhưng cũng không tẻ nhạt. Buổi tối anh vẫn chơi nhạc ở các quán bar trong thành phố Đà Nẵng, ban ngày lúi húi ở phòng thu nho nhỏ tại gia. Nhà nhỏ mà cái tình không nhỏ. Bởi ở đó có một gia đình ấm êm và các “đệ tử”. “Đệ tử” chính là những học trò yêu thích âm nhạc, tìm đến và được anh dạy tận tâm những kiến thức và kinh nghiệm về âm nhạc mà không hề lấy tiền công bao giờ. Cô học trò Mai Thi Kiều kể: “Thầy hiểu rõ đam mê của các học trò nhưng chưa từng lấy tên tuổi mình ra để giúp họ. Chỉ duy nhất lời căn dặn, rằng “phải tự đứng trên đôi chân mình”.
Trong quan hệ với giới văn nghệ sĩ, anh không quá ồn ào nên có thể nhắc đến tên Minh kèn, nhiều người không biết. Cũng bởi anh làm nghề chứ không khoe nghề, danh vọng chưa bao giờ làm bận lòng anh. Nhưng nếu một lần đến và nghe anh chơi kèn saxaphone, cam đoan ai cũng mê. Anh nói cuộc đời anh vui ít, buồn nhiều, lắm nỗi gập ghềnh đã bập vào tim anh nỗi sầu thăm thẳm nên tiếng kèn, tiếng đàn đôi khi cũng chẳng giống ai. “Trong CD Ánh Tuyết hát nhạc Trịnh Công Sơn, Minh kèn hòa âm bài “Phúc âm buồn”, “Thương một người”, “Ướt mi”, Minh tự chơi các nhạc cụ. Tôi đặc biệt thích nghe tiếng guitar mộc mạc rơi rơi và tiếng kèn saxo của Minh. Tất cả cứ nhẹ nhàng xoáy vào tâm tư người nghe với những âm thanh trầm bổng vơi đầy” - ca sĩ Ánh Tuyết nói.
Người làm nghệ thuật đôi khi thích tô vẽ đời mình, nhưng Minh kèn thì không. Anh sống chân tình, cởi mở, giản dị; tâm bát ngát bốn phương, giúp đỡ khi bạn cần, không câu nệ nên anh rất nhiều bạn bè. Riêng trong âm nhạc, nhiều người quý mến anh bởi cái kiểu “thích thì chơi, không thích thì thôi”. “Tôi như một con chim trên trời tự do, khi vui thì cất tiếng hót chứ không hót theo sự điều khiển của người khác. Cũng như khi chơi nhạc, tôi không bao giờ vì đồng tiền mà gượng ép tiếng đàn, tiếng kèn. Phải thổi từ tâm hồn thì mới lay động được người nghe và bản thân mình cũng thấy tự hào” - anh chia sẻ.
PHƯƠNG NGUYÊN