Nhạc sĩ Dương Trinh: Cội nguồn của mình, phải giữ!

SONG ANH 22/01/2017 09:35

Hào sảng. Bản lĩnh. Và đam mê. Mỗi lần nhìn thấy anh, tôi cứ hình dung người đàn ông này cứ như mang vác vào mình cả âm vang núi rừng Trà My, dù anh có làm gì, ở đâu…

Dương Trinh, người nhạc sĩ của đồng bào Co, Ca Dong, Xê Đăng, Bh’noong. Cũng đồng thời là người anh em ruột rà của trai bản, đứa con hết mực chân thành của những già làng. Một người đàn ông rất phong trần, mạnh mẽ, quyết liệt, một bờ vai vững chãi của những a-mế. Nhưng hơn hết, anh là một người mê đắm những giai điệu dân gian cội nguồn của mình, một giọng ca đại ngàn của đồng bào các bản làng xa xôi.

1. Trong một căn nhà bề bộn nhạc cụ, sách, đĩa nhạc, giấy khen, huy chương ở Bắc Trà My, có một đĩa nhạc được bày biện rất trang trọng, với cái tựa “Hồn núi”. Đó, cũng chính là album duy nhất đến thời điểm này mà Dương Trinh dành cho riêng mình. Tuyển tập 13 ca khúc, dành cho những giọng ca chuyên nghiệp. Anh bảo, những sáng tác của mình, anh muốn hát trực tiếp trước bạn bè, anh em. Còn giọng hát Dương Trinh lên đĩa, thì để dành khi khác. Nhưng tiếng hát lồng lộng đất trời vùng cao, với gió hun hút, mưa dầm dề, nắng thiêu đốt, cùng vẻ tươi xanh, màu mỡ, hào phóng, nhân hậu của rừng núi và cả thân phận chơi vơi, vẫn ám ảnh tôi. Tôi nghe trong ấy, những âm vi vút cao không tài nào diễn được, những âm khàn thì cũng buồn tựa lúc nghe lại giọng mình vọng lên từ một đáy nước sâu. Giọng của Dương Trinh không giống một ai. Đã từng có người nói Dương Trinh bắt chước “huyền thoại” Y Moan. Nhưng nghe rồi, mới thấy, sao mà bắt cái người khẳng khái, sinh ra từ một cánh rừng thơm nồng hương quế này, giống với cái người lớn lên từ các buôn làng Ê Đê, với rẫy cà phê và gió núi mây ngàn. Dẫu hai ông, giống nhau lắm, từ cái vóc người đậm, da dẻ khỏe khoắn, tóc tai, cả cái tính tình. Nhưng giọng hát thì trời phú. Mỗi ông có một nội lực riêng, tình cảm riêng.

Và Dương Trinh mang giọng hát mình đi khắp nơi, từ Hà Nội, đến Huế, cả vào đất miền Nam. Nhưng anh nói, cũng như lời của nhiều người từng nghe giọng anh, chỉ khi về giữa đồng bào mình, Dương Trinh mới thực hát “sung” nhất. Anh bảo, chỉ ở làng, nhìn thấy đồng bào đứng xung quanh, có ché rượu, có bếp lửa, có cây đàn đá nhà trời… thì hát mới “đã”, giọng mới tròn, mới to, mới vang hết mức. Dù đồng bào không có thói quen vỗ tay tán thưởng! “Người miền núi thích sống trên cao vời, nơi đại ngàn, chông chênh bên dòng suối mát. Người miền núi quen với gian lao rồi, lưng vai trần đôi chân lang thang trên rẫy đại ngàn…” - ca từ trong ca khúc “Hồn núi” của nhạc sĩ Dương Trinh, hát theo giai điệu ting ting của đồng bào Xê Đăng được đa số người ở vùng Trà My yêu thích. Chính vì ở lại với rừng, nên dấu ấn văn hóa thấm đẫm trong từng con chữ, giai điệu của anh.

Âm ỉ chảy qua từng ngóc ngách của lòng người, âm nhạc như một thứ “tôn giáo” với người vùng cao. Và ai, nếu đã một lần để thính giác của mình rung theo từng giai điệu hùng vĩ, sảng khoái của họ, mới thấy hết được sức sáng tạo phóng khoáng và niềm yêu đời không ngừng nghỉ từ chính bản thân mỗi con người nơi này. Những bước chân vẫn rộn ràng trong ánh lửa bập bùng, dù ngày mai họ sẽ phải lên rẫy tìm cái ăn, con em họ sẽ tiếp tục băng rừng để tìm cái chữ, nhưng nếu đã say với rượu cần, đã lỡ để mình trôi cùng cuộc chơi quây quần này, thì bất cứ điều gì của ngày mai cũng thành vô nghĩa. Và chính cái thế giới âm nhạc đã làm chất kết dính để có một Dương Trinh nghệ sĩ với một Dương Trinh của bản làng, một Dương Trinh phóng khoáng với một Dương Trinh sâu sắc, một Dương Trinh của những sáng tạo với một Dương Trinh cẩn trọng trong từng bản ký âm.

Và dĩ nhiên, không thể quên nhắc đến câu chuyện cồng chiêng, nếu nói đến âm nhạc miền núi. Khoảng chừng hai năm trở lại đây, Nam Trà My có nhiều tín hiệu vui từ những nhóm nhạc cồng chiêng ở các xã Trà Nam, Trà Linh. Đúng như Dương Trinh nói, ở những nơi càng xa chỗ đông người, càng ẩn sâu vào rừng núi, thì văn hóa truyền thống của đồng bào còn gần như nguyên vẹn. Nó vẹn tròn từ tập tục, nếp nghĩ đến nếp ăn, tiếng nói. “Người Xê Đăng ở Trà Nam, Trà Linh mình vẫn còn giữ được nhiều loại nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là các bộ cồng chiêng. Với người Co, người Xê Đăng, cồng chiêng là thước đo phẩm chất của gia đình và dòng họ nên được gìn giữ rất cẩn trọng. Cồng chiêng, hay còn gọi là chéc tok, chéc tup, chỉ dùng trong những dịp lễ hội, có tính chất thiêng liêng. Còn đàn đá hay trống đất là những nhạc cụ thường được dùng khi đi lên rẫy, cảnh báo con thú hay thậm chí là để đáp trả những cơn thịnh nộ của đất trời. Với những phụ nữ Co ngày xưa, đêm đêm, họ thường trải lòng mình với tiếng kèn a máp, mang những nỗi niềm, những vất vả của ban ngày ra để “kể” với bếp lửa, với rừng núi” - Dương Trinh nói.

2. “Nhưng bữa nay thì hết rồi, phụ nữ Co ít dùng kèn a máp lắm. Những người mẹ già chết đi, đám trẻ không chịu thổi kèn nữa. Lâu lâu chúng nó còn hát được câu dân ca theo điệu xà-ru là may lắm” - nhạc sĩ Dương Trinh bộc bạch. Và mạch chuyện của chúng tôi, thôi nói về giọng hát vang cả núi rừng của Dương Trinh, thôi cả những trận đấu chiêng đi cùng điệu múa ka-đấu của trai gái bản làng, và những tiết tấu vui nhộn của điệu a-giới, a-ly cũng đành gác lại. Để cùng nói về âu lo, khi bây giờ, tụi trẻ đã thôi hẳn điệu hát của đồng bào mình. “Thậm chí nó nghe mình hát điệu ca truyền thống, nó còn cười, quay lưng đi” - Dương Trinh chua chát bảo. Thanh niên trong làng quay lưng đi, bởi bây giờ, trong ngôi nhà nào cũng có tivi, có âm-li, loa thùng, tha hồ mà nghe Ưng Hoàng Phúc, nghe Sơn Tùng MTP, thậm chí cả dàn máy karaoke, họ cũng đã sắm sanh đủ đầy. “Mất gần như hết rồi! Miền núi ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, nên những hoạt động văn hóa hiếm lắm. Người già chết đi thì lớp trẻ không ai biết gì” - lại một cái lắc đầu, xem chừng gần như bó tay.

Nhiều hiện tượng, phá rừng, đầu tư nhà sàn lợp tôn, làm đường bê-tông vào tận trong bản mà không tính toán phù hợp… đã phá vỡ cấu trúc văn hóa đặc trưng, làm đứt gãy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Mất rừng, kéo theo sức sống văn hóa của đồng bào trở nên đơn điệu, những sinh hoạt truyền thống gắn với rừng mai một dần. Không gian văn hóa rừng bị những ngành công nghiệp “nuốt chửng”. Những “khu rừng thiêng”, “khu rừng ma” của đồng bào ngày càng bị thu hẹp, và cái luật tục “bất khả xâm phạm” cũng không còn linh thiêng. Văn hóa rừng mai một, hoặc mất hẳn, kéo theo không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào cũng ngày càng nhỏ nhoi, phai nhạt. Trong khi đó, ở làng bản sử dụng các loại nhạc cụ điện tử thay cho nhạc cụ truyền thống ngày một phổ biến. Âm nhạc cồng chiêng và môi trường diễn xướng cồng chiêng mất đi tính linh thiêng vốn có. Cồng chiêng cũng ngày càng hiếm do phải chôn theo người chết, hoặc có khi bị hỏng, người trong bản làng cũng không ưng học đánh cồng chiêng mà cứ thích nghe nhạc trẻ thôi. Chuyện học đánh cồng chiêng trước cả học cái chữ đã trở thành chuyện xa xưa của đồng bào.

Dương Trinh nhìn thấy điều đó, ngay từ những ngày đầu tiên trở về sau khi học trường âm nhạc ở Hà Nội. Năm 1982, anh đã bắt đầu cho ý nghĩ phải ghi chép, phải giữ lại cái vốn quý của đồng bào mình. Chính âm nhạc đã góp phần khắc họa nét văn hóa truyền thống của đồng bào, là dấu khắc vô hình để mỗi người con khi bước chân ra khỏi làng vin vào đó mà nhớ nhung, quay về… Thôi thúc từ cái bản năng của một người con nhìn thấy những mất mát của vùng đất mình, nên Dương Trinh cứ vậy, say sưa làm. Ghi chép. Ký âm. Năm 1995, anh đoạt Huy chương Vàng giọng hát hay toàn quốc. Tiền thưởng đủ gửi đứa cháu mua một cái máy ghi âm. Và dùng cái máy này, đi bộ mấy ngày trời, vào từng nóc, thuyết phục người già ngồi hát, ngồi nói chuyện. Hơn 30 năm, lưu lượng tư liệu đã dư dả để làm nên vài bộ sách sưu tầm văn hóa dân gian. Nhưng kiểu như duyên chưa tới, đến giờ vẫn chỉ là tư liệu thô, anh vẫn chưa có điều kiện để in ấn. Và những người quản lý văn hóa cũng như lãnh đạo địa phương, vẫn chưa thấu hiểu đam mê của Dương Trinh, để mà giúp đỡ ông. “Họ nói việc đó không nằm trong phạm vi công việc mà mình phụ trách, mình muốn đi thì tự lo kinh phí. Mà thôi, mình cũng không cần. Mình cứ giữ lại cội nguồn văn hóa của mình trước đã. Đó cũng là bản chất, là máu chảy trong người mình” - Dương Trinh nói.

Ừ, đôi khi, hồn nhiên, say sưa, quyết liệt, theo đúng kiểu tính cách vùng miền của mình, như Dương Trinh, thì dù ở vai một trưởng phòng văn hóa của huyện miền núi, hay một phó chủ tịch mặt trận huyện, vẫn không làm anh tắt lửa lòng với cội nguồn dân tộc mình.

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhạc sĩ Dương Trinh: Cội nguồn của mình, phải giữ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO