Trong số các hội viên âm nhạc của Hội VHNT Quảng Nam, có lẽ Ngọc Phước là người có “nguồn gốc xuất thân” và công việc mưu sinh lạ nhất. Về bằng cấp, anh là kỹ sư nuôi trồng thủy hải sản được đào tạo chính quy tại Trường Đại học Thủy sản Nha Trang. Với công việc hằng ngày, anh lại là một thầy giáo tại gia, vừa dạy nhạc vừa dạy... tiếng Anh để kiếm sống - một cách khá chật vật. Nhưng giữa những quăng quật, buồn vui đời thường, Ngọc Phước vẫn dành ra những góc riêng để thanh âm cất tiếng, để lòng mình lắng lại và viết...
Cây đàn gỗ
Trong các cuộc “du ca” cùng bạn bè hay giao lưu với người yêu âm nhạc, khi được hỏi về hành trình đến với âm nhạc của mình, Ngọc Phước thường bộc bạch rằng đó là một con đường rất dài và gập ghềnh. Anh mất 6 năm mơ ước mới được sở hữu một cây đàn và mất tới ngót 20 năm kể từ khi viết ca khúc đầu tay thì mới được biết đến với tư cách là một người viết nhạc. “Tôi mê âm nhạc từ hồi còn nhỏ xíu. Năm lớp 5, tôi tự đẽo cho mình một “cây đàn” bằng gỗ theo hình dáng cây guitar, căng 2 dây cước vào đó, mỗi lần đi chăn bò thì mang theo gẩy từng tứng tưng cho vui. Nhưng mãi đến năm lớp 11 tôi mới được ba mua cho một cây guitar thật. Tôi bắt đầu học nhạc bằng cách mò mẫm bấm nốt theo các bài nhạc mình nghe được cho đến khi nào thật... giống mới thôi” - Phước kể.
Nhạc sĩ Ngọc Phước. Ảnh: P.C.A |
Mò mẫm tự học một cách say sưa và học lóm từ những người lớn biết chơi nhạc trong xóm, chẳng bao lâu sau Ngọc Phước đã chơi đàn thành thạo. Năm lớp 12, Phước viết ca khúc đầu tay “Dáng xưa”, với phần ca từ khá “lụy, già và sến”: “...Thôi mất em rồi người xưa ơi. Tôi bâng khuâng tìm trong dĩ vãng. Những buổi chiều cùng sóng bước bên nhau... Nhớ chăng em có chiều mưa ngày đó. Dáng em nghiêng chờ tôi mãi bên đường”. Sau này, khi nói về ca khúc ấy, Phước bảo đấy là “bản tình ca ngô nghê”, song anh sẽ không bao giờ quên nó. “Đó là khởi đầu của một hành trình dài, dù sến, dù ngô nghê nhưng... “máu lửa”, Phước nói.
Hành trình tìm về
Những tưởng với bước mở đầu như thế, Ngọc Phước sẽ theo học một chuyên ngành nào đó “ít ra là gần với âm nhạc”. Nhưng không, sau khi tốt nghiệp THPT, anh lại thi vào Trường Đại học Thủy sản Nha Trang, để sau đó lặn lội khắp các vùng đất ngập nước ven sông, ven biển miền Trung cùng với nghề nuôi trồng thủy sản. Mãi mấy năm sau đó, Ngọc Phước mới giật mình nhận ra rằng, việc tìm hiểu về những đời tôm phận cá hình như không phải là sở trường, không phải là duyên nợ của anh.
Ngọc Phước và gia đình trong đêm ra mắt album Ngược dòng tại quê nhà. Ảnh: Hứa Thạnh |
Và rồi Ngọc Phước lặng lẽ quay về quê nhà Đại Lộc, với vốn liếng là... một cây đàn guitar. Đó là một cuộc quay về, một cuộc lội ngược dòng trong chao chát nghệ sĩ, trong ám ảnh cô đơn. Một cuộc “Ngược dòng” buồn tha thiết mà đẹp đến nao lòng: “Ngược dòng ngược dòng ta lội một mình, ta lội đam mê. Loanh quanh ta lội, ta lội bềnh bồng, ngược dòng lênh đênh... Một mình ngược dòng ta lội mệt nhoài, ta lội hoang vu. Chiêm bao ta lội, ta lội vật vờ, ngược dòng u mê...”. Lời ca buồn, ngấm tỏa trong hẫng hụt, thất vọng và đau đớn. Nhưng may sao, Phước đã tìm thấy quê nhà, tìm thấy tình yêu, tìm thấy những hân hoan tinh khôi và thiêng liêng trong một quê nhà bình dị và gần gũi: “...Hình như có nắng nghe ấm vai trần, tựa lưng vách đá ngơ ngác nhìn quanh. Ô hay! Quê nhà đây rồi!”.
Sau này, Phước kể, trong cuộc trở về buồn bã và đầy xáo trộn ấy, anh may mắn có Thúy. Đó là người đã cùng Phước trải qua cuộc tình dài “đúng y một giáp” (12 năm), là tình yêu đầu tiên, duy nhất của anh. Nhiều lần gặp, tôi nhận ra rằng Thúy là người phụ nữ hiền lành, chất phác và có vẻ gì đó hơi cam chịu. Và hình như Thúy cũng biết trong tự hào và âu lo, rằng người chồng tài hoa lãng tử của mình luôn có nhiều người phụ nữ theo đuổi... Mãi cho đến gần đây, Ngọc Phước mới viết riêng cho vợ một ca khúc, hay một cách chân thành: “Muốn tặng em bài ca lòng mình. Viết cho em bài thơ tình yêu. Khi cơn gió theo mây về trời. Khi tia nắng khuất sau lưng đồi và đàn chim bay về tổ ấm đêm bình yên...” (Nói cùng em). Khi tôi hỏi tại sao không nhiều hơn và sớm hơn cho Thúy, Phước trả lời, đại ý rằng cuộc tình của họ đã là một bản tình ca dài!
“Ngược dòng” mà xuôi chèo mát mái
Sau hơn 20 năm sáng tác, Ngọc Phước đã có được hơn 100 ca khúc nhưng mãi đến đầu năm 2015 anh mới phát hành album cá nhân đầu tay “Ngược dòng” với 10 ca khúc được viết trong những năm gần đây. Để có được album này, Ngọc Phước đã phải mất hơn nửa năm vào ra Sài Gòn, lo các thủ tục giấy tờ, tìm ca sĩ thể hiện và đặc biệt là tìm chỗ... vay tiền. Cũng may, tình cờ gặp, rồi mến, rồi thương quý chàng nhạc sĩ lãng du nghèo xứ Quảng, nhạc sĩ Duy Cường - con trai nhạc sĩ Phạm Duy đã đứng ra nhận giúp phần hòa âm, phối khí; một người bạn của nhạc sĩ Duy Cường là Dương Học Minh đứng ra làm “nhà tài trợ chính” để sản xuất album. Đến nay, sau gần 2 tháng phát hành, hơn 1.300 đĩa trong tổng số 1.500 đĩa CD album “Ngược dòng” đã được bán hết. Với giới làm nhạc Quảng Nam, đây là một con số kỷ lục. Gặp nhau, Phước khoe: “Thu hồi vốn được rồi, trả nợ xong rồi, mừng quá. “Ngược dòng” mà không ngờ lại xuôi chèo mát mái quá chừng...”.
Nhạc sĩ Ngọc Phước tên thật là Hồ Ngọc Phước, sinh năm 1973, quê ở xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, trở thành hội viên Hội VHNT Quảng Nam từ năm 2009. Anh từng được trao giải C Tặng thưởng VHNT Quảng Nam năm 2010 với ca khúc “Chuyện trái bóng” và giải C của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam với ca khúc “Tiếng chuông”. |
Và, có lẽ điều quan trọng hơn nữa là, sau khi nghe album “Ngược dòng”, nhiều người yêu nhạc đã gật gù cho rằng nó xuôi chèo mát mái là đúng. Cả 10 ca khúc trong album đều có ca từ đẹp, trau chuốt, mênh mang, nhiều ám gợi, được chuyển tải bằng những giai điệu bay bổng và mới lạ. “...Tìm trong cơn mơ bờ xa dấu hài. Một ngày thôi bơ vơ nằm nghe đá thở... Tình như sương phai vội tan cuối ngày. Nụ cười thôi âm ba còn loang phím đàn. Chiều phơi mắt buồn, bóng dài ai qua gợi nhớ. Thương dài mái tóc em...” (Vắng). Thêm nữa, nhạc Ngọc Phước nói chung và những bài nhạc được chọn vào album nói riêng đều đắm đuối, dễ lan tỏa, dễ kết tạo những miền cộng cảm và mang hơi hướm du ca, vượt thoát... Người nghe cũng vì thế mà dễ tìm thấy bóng dáng họ đâu đó trong miên man thanh âm. Ví như trong một chuyến đi giữa mênh mang, xa vắng mà tha thiết, có thể khóc cười với đời và kết nối yêu thương: “Rong chơi rong chơi chừ thôi đợi chờ, chừ không hò hẹn, lòng nhẹ như mây. Rong chơi rong chơi, trần gian là nhà, cỏ cây bầu bạn, biển trời đan tay” (Rong chơi). Đó có thể là một cuộc phiêu du mê mải, đắm say trên chính quê hương mình, như một cách để “tìm về” cho tâm hồn đa cảm: “...Về lại chốn đây ngồi ngắm lúa vàng. Về nhìn khói lên chiều hôm ráng trời. Hàng cây ngủ quên một sớm mờ sương. Gàu buông giếng khơi nước thơm ngọt trong.” (Một hôm về lại).
Là bạn, thỉnh thoảng tôi lại đi chơi cùng Ngọc Phước. Thời gian sau này, khi đi, Phước hay đưa vợ theo hơn. Và bạn bè lại được nghe Phước, rồi cả Thúy nữa, hát say sưa những ca khúc của Phước. Nghe họ hát, tôi tin vào âm nhạc của Phước hơn và cũng nhận ra rằng quyết định “quay về” của Phước là có lý do chính đáng.
PHAN CHÍ ANH