Trở về. Tưởng như dừng cuộc dạo chơi cùng âm nhạc. Nhưng Trần Quế Sơn nói, anh vẫn làm nhạc đó thôi, vẫn gắn bó cùng âm nhạc, bằng mọi hình thức. Quãng lặng trong showbiz, là để nhìn ngắm mình, giữ mình đừng trôi theo cuộc đổi dời gang tấc của thị trường giải trí mới.
1. Bạn bè vẫn hay đùa, vì Trần Quế Sơn “quê mùa”, nên mới không bấu víu nổi thị thành. Về quê, vẫn phải mải miết theo cuộc mưu sinh. Và dĩ nhiên, tăm tiếng cũng phải đánh đổi bằng những lần ngồi lặng yên nhìn những triền sông nắng dọi, những đồi sim trái chín, giữa lưng chừng non xanh… Con đường Đồng Mít quê nhà, cánh đồng nếp, cây chè vối vẫn ươm xanh nơi núi Quế khô cằn, cứ vậy tự nhiên đi vào nhạc, vào những suy tư dành cho thứ ân tình da diết, mang tên Quê Nhà.
Trần Quế Sơn, sinh năm 1972, quê nhà dưới chân núi Hòn Tàu (Quế Hiệp, Quế Sơn), tốt nghiệp nhạc viện TP.Hồ Chí Minh, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trần Quế Sơn đã phát hành 6 album: Saigon Twist, Vì anh đấy thôi, Thôn nữ, Một thời dấu yêu, Cõng mẹ đi chơi, Tình ca Quảng Nam… Những tác phẩm được nhiều người hâm mộ biết đến: Tre Việt Nam, Khi một mình, Tình quê, Cõng mẹ đi chơi, Yêu cái mặn mà, Em gái quê mình, Tổ khúc giao hưởng Sông Thu. Anh còn là nhạc sĩ hòa âm phối khí, ca sĩ giọng baritone nam trung trữ tình. |
Hơn 5 năm trở về quê xứ Quảng - Đà, từ một nhạc sĩ trẻ triển vọng của nền nhạc Việt, Trần Quế Sơn, bây giờ, đã kịp là một “chàng trai với màu tóc khác”. Dung mạo đã thôi phảng phất nét sành điệu tân thời của thị thành. Ưu tư cũng đã trầm lắng bởi những lao xao chuyện nhà chuyện quê, chuyện đời được mất của mỗi người thân thương. Những nốt nhạc, vì vậy mà cũng chọn cho mình quãng lặng, là những lời tự sự từ cố quận, là âm giai của đứa con lưu lạc đã trở về nương náu quê hương. Và chọn đi cho mình một con đường khác, không khốc liệt như thời của “Cõng mẹ đi chơi”, không đa mang dựng nên tuổi tên của thời “Thôn nữ”, càng không muốn mình đổ vào vòng xoáy của thời “Làn sóng xanh”… Sơn, bây giờ, chọn mặn nồng ấm lạnh với những vùng đất còn xa lạ trong cuộc hưởng thụ của nghệ thuật, âm thanh. Chọn đắm đuối mối duyên đã khởi từ những ngày đầu của “về đây thăm Quảng Nam, trong lòng tôi nghe xốn xang…”. Nghĩa là đã ruột rà một cư dân Quảng Nam sống trên đất Đà Nẵng, tự thu vén cho mình một căn nhà, tách bạch nhưng vẫn không quá xa con phố Tourane xưa, để mỗi ngày không khỏi chạnh lòng vì tiếc cái hương xưa phố thị. Và, cũng đã yên ắng quen thuộc với mỗi chiều cuối tuần dong xe về quê mẹ Quế Sơn…
“Khi ba mẹ còn, tôi ở Quảng Nam - Đà Nẵng; nhưng mai kia ba mẹ mất đi, chưa biết tôi đi đâu, có lẽ sẽ đi đến nhiều vùng đất lạ trên thế giới để xem có gì hay ho bằng quê mình không, rồi lại sẽ quay về Quảng Nam tìm một ngọn đồi con suối nào đó trồng rau sạch và chăn bò cho vui”. (Trần Quế Sơn) |
2. Cuộc “trở về mái nhà xưa”, lặng yên ngắm nhìn những khuôn mặt khát khao thương qua bao nắng mưa trần thế, nghe hàng chuỗi âm thanh của cuộc đời, mới nhận ra rằng chỉ có điều duy nhất có thể xé hồn mình, chính là tình thân, là quê xứ… Cũng là chốn để mà nương náu, mà an yên, mà thở than, mà bay bổng với những giấc mơ. Và để mà thành thật, với chính mình và cả cuộc đời. Quê hương, chính là bếp lửa nồng hậu ấm áp luôn đón đợi anh về, dẫu anh có đi tìm bao nhiêu hương sắc lạ của cuộc thế. Khi gặp Sơn vào những ngày chính anh, hay chính thị thành đã dứt bỏ nhau, tôi mới nghiệm ra rằng, người càng đi xa, càng ôm ấp khát khao quay về nguồn cội. Bởi, quy luật của muôn đời, ra đi là để trở về. Như ngọn núi cao, chỉ ra xa mới thấy hết sự vĩ đại của nó, và vì vậy, càng muốn được hồi cố. Quê hương, chính như ngọn núi cao ấy. Và những câu chuyện hay dở từ miệng người đời, Sơn nói, anh không chọn đặt tâm trí mình vào đó. Trở về, vì cuộc sống này, sự tĩnh tại này, hợp với anh hơn. Cuộc đời ngắn chẳng tày gang, sao lại chọn cho mình những u minh khổ đau cùng tận, những đua chen tị hiềm ganh ghét? Sao không gom góp lại những hợp âm tươi tắn để xoa dịu những vết lấm lem mà đời người đôi lần gặp phải?
“Bùi Giáng đã gợi cho tôi suy ngẫm biết bao điều về cõi người ta, về sự trùng ngộ, ly biệt; về cuộc ở, cuộc đi; về cái có và không có; và về hương sắc mong manh của đời… Những bài thơ huyền diệu thay, tôi cứ đọc như hát, hát như ngâm, ngâm như tiếc nuối sao ông không ở lại yêu trần gian mãi mãi” - Sơn nói. Và anh như rơi vào mạch liên tưởng: “Hỏi rằng người ở quê đâu/ Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà. Miền quê đích thực của chúng ta là đâu? Có phải Sài Gòn? Duy Xuyên? Thu Bồn? Lục tỉnh? Tôi chợt nhìn lại chỗ thực hư tôi đang ngồi, chỗ quen thân tôi đang nằm, chỗ rác rưởi bần hàn tôi xúm xít; chỗ châu chấu chuồn chuồn bươm bướm đang đùa vui. Và bây giờ, tôi đang ngồi đây ngó trời xanh, tôi đang hát ca lòng tôi trong điệu chào nguyên xuân” .
3. Vài sợi tóc nhạt màu trong những ngày xám chì không nhìn thấy nắng, dễ khiến người ta cảm thông, hơn là soi mói. Trần Quế Sơn, thuở đầu biết nhau, tôi vẫn hình dung anh “ngông”, vì đã cược cả cái gia tài âm nhạc của mình khi ấy, để chơi một cuộc lớn, chọn một dốc cao - hay cũng chính là một “hố thẳm” - để vượt qua, hầu “sang bờ bên kia”, đó là phổ thơ Bùi Giáng. Dẫu thất bại khi tung ra thị trường, vẫn một lần cảm kích anh, vì con người này đã dám liều đến cùng với cái tình yêu đến lụy người. Và, trong những buổi cằn khô đời mình, anh sẽ mỉm cười khi nhớ lại cái thuở si mê ấy. Dẫu những cú va chạm gây ra ít nhiều tổn thương, thì anh vẫn hằng cảm ơn cuộc đời này đã cho mình một lần được khóc cười với tình yêu đã lặm sâu thuở bé. Cái thứ ngông nghênh mà nhiều người đi con đường phẳng lặng thèm khát.
Và bây giờ, dẫu đã chọn một vùng ít gập ghềnh, chọn sự an toàn từ những cuộc truyền dạy thanh nhạc, chọn “sống” bằng những hội hè âm thanh, thì vẫn còn đó, một Trần Quế Sơn lãng mạn, một Trần Quế Sơn dễ lung lay với những xúc cảm quê nhà, với tràng hơi dài tiếng gọi “Mẹ ơi”…
Anh an yên với cuộc chọn lựa này, để chúng tôi đôi lần thấy anh thật gần gũi, khi nhìn thấy số quen, và câu nói đầu tiên: “Anh đang ở đây nè, rứa em ở đâu? Gặp café hỉ?”. Và chốc nữa, một cái nheo mắt rất hiền, sẽ ngồi lặng thinh để nghe anh tỏ bày về đất quê hương… Trần Quế Sơn, nhiều người nói anh, từ cuộc trở về của chừng 5 năm trước, đã thôi không còn một Quế Sơn - nhạc sĩ của Tre, của Cõng mẹ đi chơi nữa… Cũng như, đời sống đã bắt đầu vào một cuộc chạy khác, và âm nhạc dường như cũng vơi đi những khúc khuỷu đêm hôm, những dấu nhấn nhá điệu đàng hay mượt mà quê xứ. Họ, những người quan sát anh, vẫn luôn nhìn anh bằng cái thuở “đình đám” trong âm nhạc nhưng vẫn ở trọ trong một con hẻm Sài Gòn, tối đi hát phòng trà, sáng về ngồi thâu âm bài mới. Vậy đó… Người ta dễ dầu cảm thông cho một nghệ sĩ nghèo, nhưng lại khó thứ tha khi biết anh đi làm kinh tế từ nghệ thuật. Sơn nói, anh vẫn sáng tác đó, và vẫn đang cố để đi tìm một tứ khác, từ sau ngày cơn đau chia ly mất cha lặng lẽ xuôi vào đáy lòng. Và anh lặng yên. Nhưng từ sâu thẳm của lặng im, vẫn cứ mong những thời khắc, khoảng không tĩnh tại này để dành sự chuẩn bị cho một cuộc chơi khác, thú vị hơn, gập ghềnh hơn. Nó, chắc chắn, không phải trong cái vùng an toàn để nhắm mắt kéo dài một cuộc vui đã cũ, của cái dĩ vãng lóng lánh tụng xưng…
Cuộc trà đã phai màu. Ngoài kia, tàn cây đơn độc lặng thinh…
SONG ANH - TRÂM ANH