Vào ngày 20 tháng giêng âm lịch hằng năm, người dân xã Tam Hải (huyện Núi Thành) lại sắm sửa lễ vật tổ chức lễ hội cầu ngư. Lễ hội được tổ chức với nhiều nghi thức trang trọng, trong đó có lễ rước nghinh “ông” được chuẩn bị rất công phu và “nhạc trưởng” đội bả trạo được xem là linh hồn trong nghi lễ này. Bởi vậy, người ta hay gọi ông Võ Sa (thôn 2, xã Tam Hải) là “linh hồn của lễ hội”. Thiếu đi bóng dáng của người “nhạc trưởng” này, lễ hội mất đi phần linh thiêng.
Chuẩn bị cho lễ cầu ngư. |
Năm nay đã 67 tuổi, ông Sa có gần 20 năm dẫn đầu “đoàn chèo” hát bả trạo cầu ngư với mấy mươi ngư phủ. Ông xướng ca, chỉ vẽ cho tổng lái, tổng thương, tổng mũi của đội bả trạo đưa chèo nhịp nhàng trong lễ hội. Là người có uy tín trong làng, hằng năm ông đều đứng ra sắm sửa áo mũ rồi tổ chức dạy hát hò cho đội bả trạo suốt một tuần lễ trước ngày hội cầu ngư. Ông không mảy may đến đồng tiền thù lao nào. Gần 20 năm phụ trách đội bả trạo, cũng từng ấy nghi lễ trong mỗi mùa cầu tế nhưng ông luôn cất công chuẩn bị hàng tháng trời. Ông dồn mọi tâm trí, có khi bỏ cả chuyến biển xa để ở nhà làm “nhạc trưởng”. Ông chia sẻ: “Hát bả trạo trong lễ hội cầu ngư mang ý nghĩa rất đặc biệt và không thể thiếu trong lễ hội. Thế nhưng tôi lo nguy cơ mai một điệu hát này nếu không có ai đứng ra để chỉ dạy cho lớp trẻ đi sau. Làm nghề biển, mình có nghinh trọng biển cả, tổ chức những nghi lễ trang trọng thì biển cả mênh mông mới đón tiếp ta và cho ta cá tôm đầy lưới...”.
Mấy năm trước, cùng đội của ông có nhiều người lớn tuổi. Nhưng hơn hai năm nay, chỉ mình ông là lớp người đi trước còn “ở lại” với đội bả trạo. Sợ đội hát thiếu người nên trước mỗi mùa lễ hội ông đến từng nhà, vận động thanh niên trong làng đi tập hát. Nhiều người bận bịu với mành lưới, ông lại theo sau họ trong những giờ làm, ngồi bên chỉ vẽ từng câu chữ. Đêm đến, ông đến từng nhà gõ cửa vận động thanh niên đến nhà văn hóa cùng tập hát. Dường như ông không biết mệt mỏi với công việc phục dựng đội hát bả trạo. Đến nay, đội hát bả trạo của thôn có hơn 20 thành viên, phần lớn là thanh niên cùng làm nghề câu mực. Đó cũng là niềm vui hạnh phúc của người “nhạc trưởng” này.
Ông Sa là ngư phủ giỏi. Thời trai trẻ đi mực khơi, giờ tuổi già ông vẫn bám biển với nghề lưới vây xa bờ. Ông miệt mài với nghề đến đôi tay chai sạm, lưng còng, mắt mỏi. Vợ ông đã qua đời hồi ông còn trẻ nhưng ông vẫn ở vậy bươn chải kiếm tiền nuôi con. Những người con trai của ông cũng miệt mài bám biển, trở thành những ngư phủ giỏi. Dân làng biển ở Tam Hải “tôn” ông với một niềm quý trọng đặc biệt. Thấy ông có mặt trong lễ hội, người dân làng chài như yên tâm khi có người uy tín thay họ gửi gắm những lời cầu khẩn với các linh hồn ở biển khơi, giúp mưa thuận gió hòa, dân làng luôn được bình an khi ra biển và trở về với khoang cá đầy.
MAI ANH