Mưa lũ liên tiếp và kéo dài bất thường gần giữa tháng 12 gây thiệt hại nặng nề, lưu thông bị nghẽn và ít nhiều làm giảm tuổi thọ công trình.
Sạt lở trên quốc lộ 14E gây chia cắt lưu thông. Ảnh: S.C |
Mưa triền miên trận này chưa dứt đợt khác chồng lên do ảnh hưởng gió mùa đông bắc, không khí lạnh tăng cường… Mưa to gió lớn kéo sập hạ tầng giao thông nhiều nơi, trong đó có gần hai trăm nghìn mét khối đất đá nằm phía taluy dương của các quốc lộ Trung ương ủy thác cho tỉnh quản lý và một số tuyến tỉnh lộ. Dưới vực sâu thẳm, ngổn ngang sản phẩm do sạt lở taluy âm mà ra, nền hạ tầng giao thông thu hẹp đáng lo ngại. Cống rãnh bùn lầy, nước khó thoát dễ dẫn đến nguy cơ cắt đường. Đường Trường Sơn Đông, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14G (Trung ương không giao tỉnh quản lý) đều chịu chung cảnh ngộ. Rải rác từ Tây Giang vào tới Phước Sơn, hàng trăm nghìn mét khối đất đá thuộc taluy dương rã xuống lòng đường Hồ Chí Minh.
Trước khi được khắc phục thông xe bước một, hiện trường sạt lở kéo theo nhiều hệ lụy. Đất đá, cây cối chất cao ngất, phương tiện giao thông ùn ứ, thậm chí người dân muốn đi bộ cũng khó. Lương thực thực phẩm từ dưới xuôi không lên tới miền ngược, bệnh nhân đau nặng muốn chuyển về tuyến trên thật sự nan giải… Sạt lở taluy dương xảy ra tại km84+450, quốc lộ 14E thuộc địa bàn xã Phước Hòa (Phước Sơn) đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ khối lượng hơn 50 nghìn mét khối mà địa hình “thùng đấu” khó san gạt, xúc dọn hiện trường nhanh gọn. Cách hiện trường 2km về phía đông, chủ quán ven quốc lộ 14E phải chạy xuống xã Phước Hiệp lấy hàng về bán. “Xe dưới xuôi chỉ lên giao hàng khi nào đường thông về Phước Sơn. Họ đi giao tiện thể một lần, chứ có vài điểm lai rai như ở Phước Hòa phải tạm ngưng” - chủ quán nói.
Lũ lụt cũng gây xói lở nặng taluy âm, mặt đường của một số tỉnh lộ. Hàng chục nghìn mét chiều dài lề đường trôi theo dòng nước dữ. Cấp đường vốn thấp, tuổi thọ những đoạn tỉnh lộ càng bị kéo giảm vì nước ngâm. Ngày 16.12, ngành chức năng thống kê kinh phí khắc phục dự kiến để thông xe bước một quốc lộ được giao cho tỉnh quản lý và các tuyến tỉnh lộ vào khoảng 8 tỷ đồng. Nhưng chỉ sau đó một ngày, dự trù nguồn lực chi cho khâu trên đã “đội” lên 11,5 tỷ đồng. Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Sinh chia sẻ, đó mới là dự trù kinh phí ban đầu để hốt dọn thông xe bước một. Còn muốn làm bước hai, tài chính dành riêng phải lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.
Thiệt hại hạ tầng giao thông đường bộ của cấp huyện, xã, phường, thị trấn trong tỉnh chưa có con số thống kê đầy đủ. Tình hình chung từ phía địa phương và Sáu Còi nhìn nhận thực tế, hư hỏng do mưa lũ rất nặng nề. Khu vực đồng bằng còn thêm xói lở kênh mương, giao thông nội đồng. Ở địa bàn miền núi, nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn sạt lở cả ta luy âm và taluy dương. Một cán bộ cấp huyện cho hay: “Tiền đâu để khắc phục đảm bảo cho nhân dân đi lại, lưu thông hàng hóa đang là bài toán nan giải”. Tết Đinh Dậu 2017 sắp gõ cửa, vậy nhưng đường sá khắp vùng miền trong tỉnh xuống cấp nghiêm trọng. Khắc phục thông xe bước một mới giải quyết phần ngọn, làm thế nào để đi lại hanh thông càng khó khăn gấp bội phần. Bởi khi chưa xảy ra sự cố, an toàn giao thông trên nhiều tuyến đường luôn trong tình trạng báo động. Đặc biệt, vũng lầy trên ĐT609B thuộc “đoạn đường đen” hiện đã thành ruộng nước…
SÁU CÒI