Nhân 15 năm chia tách xã Ch'Ơm (Tây Giang): Hương sắc vùng biên

PHƯƠNG GIANG 16/05/2014 09:44

Dù vẫn còn nhiều gian khó, nhưng niềm vui với những ngôi nhà mới và diện mạo bản làng đổi thay từng ngày đang là kỳ vọng cho bước phát triển đi lên của mảnh đất vùng biên Ch’Ơm (Tây Giang).

Diện mạo mới

Những ngôi nhà khang trang còn thơm mùi gỗ mới trải dọc hai bên đường vào thôn Rú. Tái định cư, người dân thôn Rú không còn phải sống mấp mô trên những mảnh đất lưng đồi, mà được quy hoạch, san ủi hẳn một vùng đất bằng phẳng, sạch đẹp. Già làng Alăng Hướch phấn khởi nói: “Từ ngày được chuyển về làng mới, bà con cũng bắt đầu dựng nhà mới to hơn, đẹp hơn hồi ở làng cũ. Bây giờ mặt bằng cũng được san ủi rồi, đi lại, ăn ở thuận tiện hơn, không phải khổ như hồi trước nữa”.

Khu tái định cư mới thôn Rú, xã Ch’Ơm.
Khu tái định cư mới thôn Rú, xã Ch’Ơm.

Trong số 8 thôn của xã Ch’Ơm, đã có 5 thôn hoàn thành cải tạo mặt bằng, tái định cư cho người dân. Đối với xã vùng biên như Ch’Ơm, nơi giáp giới nước bạn Lào với muôn vàn gian khó, việc ổn định chỗ ở, tái định cư cho người dân là cả một nỗ lực không nhỏ của chính quyền. Con đường ô tô đã được mở lên đến tận bản Ch’nóc, nơi đặt cửa khẩu mới, thông tuyến vào mùa nắng. Từ Ga Ry qua Ch’Ơm, đường cũng đã thông tuyến, thuận tiện cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa. Những tháng mùa mưa, bị cô lập, cách trở nhưng nhờ chính quyền chủ động dự trữ gạo, lương thực giúp người dân vùng biên không phải thiếu đói, thiếu ăn như những năm trước. Ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm chia sẻ: “Toàn xã có 333 hộ, hơn 1.500 nhân khẩu. Người dân Ch’Ơm đã biết làm lúa nước, trồng cây nguyên liệu, trồng và chăm sóc đẳng sâm... nên đời sống ngày càng được cải thiện”.

Trụ sở UBND xã vừa hoàn thành, gươl chung của xã cũng vừa kịp dựng ngay trong khuôn viên trụ sở, mang theo niềm vui của người dân Ch’Ơm với nơi sinh hoạt chung, khi cần lên xã giải quyết công việc giấy tờ cũng có điểm dừng chân. Những năm trước, học sinh ở Ch’Ơm còn phải băng bộ hàng chục cây số, học ở các điểm trường dựng bằng gỗ ván xập xệ, phải học lớp ghép đôi, ghép ba… Nay, trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS xã Ch’Ơm được xây dựng khang trang với đầy đủ phòng học, thư viện, phòng hoạt động Đội - Đoàn… Thầy Võ Như Hạnh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường có tổng cộng 26 lớp với 429 học sinh, phủ đều ở các bản làng thông qua 4 điểm trường thôn và điểm trường chính. Tình trạng học sinh bỏ học dần được xóa bỏ, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên. Đây sẽ là tiền đề để giúp các em học sinh có điều kiện học tập, đáp ứng mong mỏi lâu nay của xã vùng biên”.

Kỳ vọng vùng biên

Nhận thức được vai trò của việc trẻ hóa, chuẩn hóa cán bộ, giúp dân làm kinh tế và vực dậy sự phát triển của địa phương, xã Ch’Ơm đã sớm có sự đầu tư, hoàn thiện đội ngũ cán bộ. Số cán bộ đạt 3 chuẩn của xã hiện chiếm gần 40%, đã và đang đào tạo đại học cho 14 cán bộ, hơn 40% số cán bộ được đào tạo trung cấp chính trị. Cán bộ xã Ch’Ơm cũng đã được trang bị máy tính xách tay, tiếp cận công nghệ và xử lý thành thạo công việc bằng máy vi tính. Có trường hợp tự bỏ tiền ra trang bị máy vi tính để phục vụ cho công việc, đánh dấu bước phát triển về năng lực của đội ngũ cán bộ xã. Nhờ đó tình hình kinh tế, chính trị của địa phương ngày càng đi lên, từng bước  khắc phục những khó khăn, thiếu thốn của vùng biên. “Trẻ hóa, chuẩn hóa cán bộ là một trong những bước đi tiên quyết để xã Ch’Ơm có thể phát huy được tiềm năng, lợi thế, xây dựng bước đi mới vững chắc cho địa phương. Trong số 50 cán bộ xã, hiện có 45 người độ tuổi dưới 40, trình độ chuyên môn, trình độ chính trị ngày càng được nâng lên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ” - ông Riah Đưm, Bí thư Đảng ủy xã Ch’Ơm nói.

Cùng với hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển mạng lưới đường sá, Ch’Ơm đã có những chương trình đầu tư quan trọng trong việc vực dậy nền kinh tế ở địa phương. Từ lợi thế về rừng, phát triển các giống cây trồng bản địa có giá trị kinh tế, cây dược liệu đẳng sâm được phát hiện và nhân rộng đang mang lại kỳ vọng cho đồng bào vùng biên. Hầu hết gia đình ở vùng biên nay đã biết đến giá trị kinh tế của cây đẳng sâm, tìm và nhân giống, phát triển diện tích ngay trong vườn nhà mình. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định, những vườn đẳng sâm còn là “của để dành” cho những gia đình ở vùng cao. Anh Tơngôl Nhép (thôn Achoong) chia sẻ: “Nghe theo chủ trương của huyện, của xã, gia đình tôi trồng hơn 3.000 gốc đẳng sâm, hiện nay đều phát triển tốt, khoảng một năm là có thể cho thu hoạch. Trồng đẳng sâm được giá, đỡ chăm sóc, bán khi nào cũng có người mua nên trong làng Achoong nhà mô cũng trồng”.

Không chỉ phát triển cây đẳng sâm, mô hình trồng và chăm sóc nguồn giống sâm Ngọc Linh, phát triển diện tích lúa nước… tại Ch’Ơm đã cho những tín hiệu đáng mừng. Đặc biệt, cặp cửa khẩu Tây Giang - Kà Lừm (Lào) được khai mở đang là tiền đề đánh thức con đường giao thương, phát triển kinh tế của xã Ch’Ơm nói riêng, huyện Tây Giang nói chung trong tương lai. Ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nói: “Thành lập cặp cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lừm là một trong những điều kiện quan trọng để xã Ch’Ơm và huyện Tây Giang phát huy được những lợi thế của địa phương, phát triển hạ tầng giao thông, tận dụng tiềm năng sẵn có, mở ra cơ hội xúc tiến đầu tư, thương mại. Trước mắt, quy hoạch tổng thể với diện tích gần 500ha ngay tại thôn Ch’nóc cũng đã được lập và từng bước triển khai. Đây sẽ là tiền đề cho việc giao lưu văn hóa, thắt chặt tình hữu nghị, đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa các xã vùng biên, giữa hai huyện Tây Giang - Kà Lừm”.

Một diện mạo mới đang được Ch’Ơm khoác lên mình, sau hành trình 15 năm chia tách(*). Vẫn còn đó những khó khăn, thách thức. Vẫn còn đó những gian khổ của một xã vùng biên cách trở. Nhưng với quyết tâm, với những tiềm năng, lợi thế đang được đánh thức, kỳ vọng về bước phát triển mới của xã Ch’Ơm đang dần thành hiện thực.

PHƯƠNG GIANG
(*): Thực hiện Nghị định 71 ngày 16.8.1999 của Chính phủ, xã Ch’Ơm chia tách thành 2 xã Ch’Ơm và Ga Ry.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân 15 năm chia tách xã Ch'Ơm (Tây Giang): Hương sắc vùng biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO