Nhân cách và tinh thần dân tộc của Hà Đình

VU GIA 15/09/2015 08:25

LTS: Hôm nay 15.9, Sở VH-TT&DL và UBND huyện Thăng Bình tổ chức hội thảo về danh nhân văn hóa Hà Đình Nguyễn Thuật. Dịp này, Báo Quảng Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Vu Gia về ông với mong muốn lớp con cháu hãy cố gắng “sống đẹp với Hà Đình” như nhan đề cuốn sách mà tác giả Nguyễn Q.Thắng viết về danh nhân văn hóa này.

chân dung Hà Đình Nguyễn Thuật.
Chân dung Hà Đình Nguyễn Thuật.

1. Một lần, đầu thập niên 80, tôi theo chân kỹ sư thủy lợi Nguyễn Tường Mạnh đến Ban Chỉ huy Tổng B Phú Ninh. Anh thì đi làm việc, còn tôi thì chờ anh xong việc cùng đi câu quăng (câu rê, câu ống) kiếm mấy con các tràu về nấu ám nhằm hưởng chút hương vị quê nhà. Ngày đó, Ban Chỉ huy Tổng B Phú Ninh đóng ở bàu Hà Lam. Ở bàu này có cây cầu xây bằng gạch thẻ đã phủ màu thời gian khá đẹp. Bên này bàu có khoảng chục cây lộc vừng cổ thụ soi bóng xuống mặt nước. Gốc cây lộc vùng nào cũng sần sùi và to cỡ thân người. Ở đó cũng có tấm bia đá lớn viết hai chữ Hán “HÀ KIỀU” rất đẹp. Anh Nguyễn Tường Mạnh đọc được hai chữ này. Tôi nói: “Tiểu xuyên viết giang, đại xuyên viết hà, nhưng chữ “hà” này có bộ thảo là sao?”. Thú thật, ngày đó mớ kiến thức vụn của tôi là do đi nói dóc nhiều mà học lóm chứ chẳng bài bản chi. Lúc ấy, có bác nông dân vác cuốc đi ngang qua, nghe tôi nói vậy, liền dừng lại cho biết chữ “hà” có bộ thảo là cây sen. Bàu này vốn trồng sen. Cũng theo dân gian truyền đời, khi bàu này trổ sen trắng thì địa phương có người xuất quan. Ông rất thú vị vì tuổi trẻ như chúng tôi mà đọc được hai chữ “HÀ KIỀU” trên bia đá như rứa không nhiều. Ông cũng cho biết hai chữ ấy là do chính tay cụ Thượng Hà Đình viết. Bia đá do cụ dựng, cây cầu do cụ xây. Bên kia bàu, cụ có dựng căn nhà để tiếp khách văn chương… Bây giờ, mọi chuyện đã qua…

Nghe vậy biết vậy, chứ tôi không quan tâm. Sau này, chuyển qua lĩnh vực nghiên cứu văn học, cụ thể là nghiên cứu về Văn chương Tự lực văn đoàn, tôi đọc thêm sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn để tìm hiểu chút ít về thân thế của những nhân vật trong nhóm văn chương này. Qua bộ “Đại Nam Liệt truyện”, và qua nhân vật Nguyễn Đạo, tôi thấy rất lạ, lại là người xứ Quảng quê tôi. Ông không làm quan, nhưng được Quốc sử quán triều Nguyễn viết nhiều chữ hơn lắm vị quan. Về đại thể, Nguyễn Đạo “Tự là Suất Tính, người Lễ Dương, Quảng Nam. Lúc nhỏ mồ côi chăm học, đầu niên hiệu Minh Mạng (1820), 2 lần đỗ Tường sinh. Năm 40 tuổi, hạch theo lệ, được bổ giáo chức, vì có mẹ già xin từ chối ở nhà phụng dưỡng. Ở nhà, lấy việc cày ruộng, đọc sách làm nghề nghiệp, lấy hiếu, hữu, lễ, nhượng dạy con em, người làng đều cảm hóa theo. Tính chất phác ngay thẳng, đối với mọi người ít khi uốn mình chiều ý, nhưng mau chân cứu cấp khi hoạn nạn, vui lòng giúp đỡ khi túng thiếu. Hồi đầu niên hiệu Tự Đức (1848), mùa màng luôn bị thất bát, Đạo quyên chẩn không ngại tốn, làng Đạo ở và những thôn xã lân cận nhờ được qua sống rất nhiều. Đạo lại quyên thóc ra khuyên dân lập nghĩa thương làm kế phòng đói. Tỉnh đem việc tâu lên, tiết thứ được thưởng áo lụa màu (2 chiếc) và phi long ngân tiền (12 đồng). Từ năm Mậu Ngọ đến năm Quý Hợi (1858 - 1863), vùng bờ biển hữu sự, dân trong hạt đói, tỉnh thần phải ủy cho Đạo đi khuyên quyên được hơn 6 vạn quan. Đạo lại tự nguyện quyên của nhà để cấp cho hương binh và giúp việc phát chẩn, tiền cũng như thóc đều có hàng vạn. Bộ thần nghị công, được thưởng lạc quyên ngân bài và lạc quyên nghĩa sĩ ngân bài mỗi thứ 1 tấm. Hai phường An Phú, Dục Thúy trong huyện không có đất, ăn ở lênh đênh trên mặt nước. Đạo khuyên dân xã mình trích ra hơn 20 mẫu công điền nhượng cho. Việc tâu lên, dân xã được thưởng 1 tấm biển 4 chữ: “Thiện tục khả phong” (Tục thiện đáng làm gương). Huyện hạt từ trước chưa có văn chỉ, Đạo phối hợp với thân sĩ trong huyện đi khuyến dân quyên cúng và nhượng đất công dựng văn chỉ ở ngay làng mình, đến nay có chỗ mà thờ cúng là do Đạo dựng lên vậy. Đạo lại khuyến khích dân làng đặt ra học điền, dựng trường học văn, học võ, mời thầy về dạy. Cho chí đền chùa, cầu đập, đồng ruộng, thủy lợi, hết thảy đều được sửa sang, việc gì cũng có rõ ràng đâu ra đấy, mà đều đôn đốc việc căn bản, cải thiện trong phong tục làm cái kế hơn hết về việc bảo (đảm) cư (tụ) cho dân. Lâu rồi của để dành của dân dồi dào, gặp năm đói không phải xin nhà nước cấp giúp nữa. Hơn 40 năm dân trong làng danh vọng trong hàng huyện. Quan phủ huyện về nhậm đều lấy Đạo làm trọng, thường mời đến hỏi việc lợi hại trong dân xã, được nhiều điều bổ ích. Thượng thư Ngụy Khắc Đản, Hiệp biện Đại học sĩ Nguyễn Chính Thủ, trong ngày bình trị đều muốn đem sự trạng hay ấy tâu lên, thời Đạo liền kêu là tiếng đồn quá với tình (thực) mà xin (miễn). Vốn là tính Đạo không ưa phô trương vậy. Người xưa, đối với những người con hiếu, cháu hiền, nhường của, cứu nạn, cho chí người học thức, đáng làm gương mẫu cho dân, đều làm biển nêu khen để chấn hưng những đức hạnh tốt, thời Đạo cũng hầu được như vậy đó. Con Đạo là Thuật, có tiếng hay chữ”.

Bìa sách viết về danh nhân văn hóa Hà Đình.
Bìa sách viết về danh nhân văn hóa Hà Đình.

Qua đây, tôi biết cụ Nguyễn Đạo là cha cụ Hà Đình Nguyễn Thuật. Ở truyện này, Quốc sử quán triều Nguyễn viết về cách nghĩ và răn dạy con khá hay. Và tôi có học lóm chút ít từ đây khi được làm cha. Quốc sử quán triều Nguyễn viết: “Các con hiển quý, Đạo còn lo là họ làm việc có hại đến âm đức, nên thường nhắc đến câu của cổ nhân rằng “nếu xuất hiện một vị tiến sĩ làm hại âm đức, thời không bằng xuất hiện một người bình dân biết tiếp tục phúc”, để răn dạy các con. Cho nên các con đều có danh tiếng tốt trong sự nghiệp làm quan. Đạo mất năm 70 tuổi, do quan hàm của con, được tặng mãi đến Đô sát viện hữu phó đô ngự sử, tôn thụy là Trang Khải”. Cụ Nguyễn Thuật cũng có người anh ruột tên là Nguyễn Tạo rất tuyệt vời. Quốc sử quán triều Nguyễn ghi về ông những dòng rất đẹp: “Tạo là người thanh liêm, giỏi giang, làm quan ở đâu đều có tiếng tốt, được vua phê rằng “Quan giỏi hiếm có”. Lại có dụ rằng “Ai thanh liêm tài giỏi được như Nguyễn Tạo thời hậu thưởng””. Người có cha như vậy, có anh như vậy cũng là phúc đức. Năm 2009, tác gia Nguyễn Q. Thắng tặng tôi cuốn “Sống đẹp với Hà Đình”. Đọc qua cuốn sách này, tôi càng quý trọng và kính phục cụ Thượng Hà Đình.

2. Xưa nay, ai đã bước vào hoạn lộ đều mong thăng quan tiến chức, thế nhưng với cụ Hà Đình Nguyễn Thuật thì lại khác. Lúc cụ “Đang lãnh chức Thượng thư hàm, Tổng đốc tỉnh Thanh Hóa”, nghe tin vua thêm phẩm trật, thì cụ làm “Sớ xin đừng thêm phẩm trật” (viết ngày tháng bảy năm Đồng Khánh thứ 3 [1887]). Trong sớ, cụ viết: “Thần gia thế vốn nghèo, phước lực mỏng cạn, đến khi anh thần đậu đạt làm quan, từ đó phất lên. Thần chưa đầy 50 tuổi mà đã bước lên hàng cao trọng (thần sống thừa) cầu may được khoa cử, ơn vua lộc nước dày nhiều lớp như thế, thần không tài đức mà hưởng thụ nó, lại không có công nghiệp gì khống chế giặc giã nên lòng lo sợ lắm. (…) Ngưỡng mong Hoàng thượng thể tất cho lòng thành của thần, nuôi dưỡng phước của thần, thần sống sót trên đất này, nhờ thế lập công báo đền ngày mai. Còn khoản trật mới ấy, thần tha thiết xin vua ngưng lại, cho phép thần vẫn nhận nguyên hàm, cải trao Tổng đốc Thanh Hóa. Có như vậy, thần mới đủ tư cách xứng đáng. Không bị quan chê bai, yên tâm làm việc, để đưa lại hiệu suất tốt của kẻ dốt nát này”.

Chuyện này không phải bộc phát nhất thời, mà đã được rèn dạy từ nhỏ và trở thành hành trang không thể thiếu khi vào đời. Đó là nhân cách. Quốc sử quán triều Nguyễn viết rằng Nguyễn Thuật “có tiếng hay chữ. Năm Mậu Thìn (1868) thi Hội được trúng cách, đến kỳ phúc thí lại xuống bảng Ất. Thân bằng đến mừng đều lấy làm tiếc, Thuật từ tạ mà bảo rằng “Nhà tôi vốn nhà thanh bạch, tôi lại không có công đức gì, cái phúc quá to như vậy, sợ không đương nổi. Đó chính là các vị trong điều đáng mừng lại mừng thêm vậy”. Con người hiểu phận mình biết vừa đủ là như vậy đó”. Tri túc giả phú; tri túc giả minh… Lời dạy của Lão Tử hầu như nhà Nho nào cũng biết, song không phải nhà Nho nào cũng “tri” được, bây giờ lại càng khó.

Vua Đồng Khánh chấp nhận “Sớ xin đừng thêm phẩm trật” của Nguyễn Thuật, song cũng cho biết: “Trẫm công khai công bố việc này để đãi các khanh, chưa hề có gì trái ngược, kỳ lạ đâu”. Mặc dù thế, nhưng qua châu phê, ta có thể thấy Hà Đình rất được vua Đồng Khánh ưu ái: “Hơn nữa, Trẫm nghĩ rằng: Đang khi quốc gia có chuyện của mùa thu, chính khanh đại phu bị nhục”. Duyên cớ này vì em ruột ông là Nguyễn Duật (Uýnh, Cử Hội) tham gia Nghĩa hội năm 1885, với chức vụ Tán tương Quân vụ, phụ trách phân khu Thăng Bình - Quế Sơn. Một lần điều quân bị “phục binh của Nguyễn Thân chặn đánh. Trong lúc hỗn quân, ông đã hy sinh tại trận vào ngày 5 tháng 9 năm Bính Tuất (1886). Trong lúc đó, có hai nghĩa quân thân tín của ông là Nguyễn Công Khả và ông Nguyễn Cò (Nguyễn Cò sau năm 1903 tham gia phong trào Duy Tân bị Pháp bắt đày Côn Đảo và mất ngoài đảo) cướp được thi hài ông đưa về quê. Gia đình mai táng tại phía tây rừng Tiên Nông trong xã. Tin ông hy sinh tại chiến trường đưa về đến căn cứ, hai cụ Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến có câu đối khóc ông: “Nhị huynh tại nhi văn chi quân dĩ đương trường dư chính khí; Tam quân hành tắc thủy dữ ngã ư chế khổn phạp lương tài”. Bản dịch: “Hai anh còn đây, tin ông chiến đấu ở chiến trường thừa chính khí; Ba quân còn đó, không có ông chỉ huy ta mất một tướng tài” (Huỳnh Thúc Kháng dịch, in trên Tiếng Dân).

Qua mấy dòng châu phê của Đồng Khánh, nên tôi cũng tin những gì Nguyễn Q. Thắng viết trong “Sống đẹp với Hà Đình”: “Năm Ất Dậu (1885), Pháp chiếm Kinh đô Huế, ông (Nguyễn Thuật - V.G) xin bãi chức vì anh, em, con cháu ông tham gia Nghĩa hội, nhưng triều đình không chấp thuận. Vua Đồng Khánh chuyển ông trở về sung chức Tuyên úy sứ Quảng Nam - Tả trực kỳ - rồi làm Thượng thư Bộ Hộ”.
Hơn trăm năm đi qua, kể từ lúc ông giã từ cõi thế, lớp hậu học tổ chức hội thảo về ông: “Hà Đình Nguyễn Thuật - Danh nhân văn hóa”. Đây là cách “Sống đẹp với Hà Đình” như nhan đề cuốn sách của Nguyễn Q. Thắng đã viết. Và qua hội thảo này, tôi mong lớp con cháu hãy cố gắng, cố gắng và cố gắng “Sống đẹp với Hà Đình”.

VU GIA

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân cách và tinh thần dân tộc của Hà Đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO