Nhân chứng là… đất

TRUNG VIỆT 19/10/2019 20:39

Một lãnh đạo ngành địa chính về hưu trầm ngâm trước câu hỏi: Vì sao có chuyện nhiều địa phương liên tục thu hồi đất để bán? Đơn giản, nguồn ngân sách thiếu hụt, không bán tài nguyên để thu tiền, thì bán gì? Mà đã bán thì tìm mọi cách, dù ai cũng biết người đẻ chứ đất không đẻ. Chính vì thế nên mới sinh chuyện này nọ…

Ở vùng dự án đông Duy Xuyên, đất đai rất đắt đỏ.Ảnh: THÀNH CÔNG
Ở vùng dự án đông Duy Xuyên, đất đai rất đắt đỏ.Ảnh: THÀNH CÔNG

Nhà nước bán, thì dân cũng bán, nhưng miếng đất từ vườn nhà ai đó ra đi, lại xới lên bao nỗi niềm.

1. Ông Nguyễn Hùng, quê xã Điện Thắng Bắc (Điện Bàn) kể: “Tôi quáng gà quá! Nhà tôi có hơn 400m2 đất mặt tiền quốc lộ 1. Hoàn cảnh thì anh biết đó, mẹ già quanh năm nằm bệnh viện; mấy chị em thì có gia đình hết, còn thằng em trai cũng bị bịnh; mình đi làm thuê ở Đà Nẵng, vợ làm công nhân, con học cấp 2 ở Đà Nẵng, cũng ở nhờ nhà người thân. Đất thì có đó, nhưng gay go quá. Muốn bán, nhưng lòng không đặng”. “Tại sao?”. “Đất dự án này nọ ở Đà Nẵng, Điện Bàn chừ tụt rồi. Trăm sự là do đám cò đất rồi mấy ông bà ở Hà Nội vô quậy tưng lên. Chính quyền ra tay dẹp, tháo chạy hết, chừ cả bầy ăn theo khốn đốn. Mình không dính mà cũng bị lây”. “Đất nhà ông mắc mớ chi?”. “Răng không, sóng cao thì thuyền lớn, chừ cái chi mà không ảnh hưởng? Chỗ tôi, xã mời lên họp nói là quy hoạch. Tôi ngó bản đồ, mở trúng y chang một phần nhà tôi. Bữa nớ về, tôi… đã quá trời, nghĩ phen ni bợ… trảnh rồi (cá trảnh ở ruộng, sông quê, khá to và mạnh, úp nơm là dính nó là sướng tê đời - PV). Nếu mở, đất tôi thành hai mặt tiền, vì phía hông bên kia là kiệt vô xóm. Giải tỏa trúng nhà thì phải đền bù, nhà tôi hai hộ thì được hai lô tái định cư, diện tích còn lại cũng hơn 200m2”. “Bán chưa?”. “Bán chi được. Họ nói quy hoạch thì phải mở đường, đền bù tùm lum, xã chưa có tiền. Khó kinh”.

Tôi hiểu cái khó của ông, chính là tiền. Tiền cho con cái, mẹ cha, mình ông bao thầu gánh vác. Không thể bỏ Đà Nẵng mà về luôn, vì con còn nhỏ quá, đang học cấp 2. Bán, thì tiếc. “Tiếc chứ! Nếu họ mở đường, tôi mở quán cà phê, là bợ hết! Còn chừ kẹt quá, phải bán thôi, nhưng mỗi  lần về ngó miếng đất, lại quáng gà. Tôi hô 20 triệu đồng/m2, ai mua thì bán. Họ trả 18 rồi 18,5 triệu nhưng tôi chưa chịu. Bán thì tiếc, không bán cũng khó”. Tôi có bữa về ghé ngang nhà ông, thấy ông tần ngần đi tới bước lui. “Tiếc hè”. “Ừ” - ông nói - “Giá mà có tiền, tôi giữ lại hết, làm nhà vườn rộng rãi ở cho sướng, đâu có nhờ đỡ chui rúc ở thành phố. Mình là dân quê, quen rộng rồi, ngó lui ngó tới cũng buồn, ông bà để lại đâu có của cải chi”.

Bao nhà nông ở xứ này, của hồi môn ông bà tổ tiên để lại là miếng đất. Trừ những ai mạt hạng gia truyền tứ cố vô thân đời cha chí đời con không miếng đất cắm dùi, thì còn lại ai cũng có một chỗ chui vào rúc ra. Thuở đất mênh mông cho không ai lấy, thấy nó mà ngán, chứ ai thèm quý đâu, thậm chí bỏ hoang cho nó sống chết mặc bây, phụ rẫy toàn tập, thấy nó như quàng cái cực vô cổ mình, muốn hất đi mà không được. Chừ thì chạy đi tìm nó, xem nó là cứu tinh cứu cánh, là bà giúp ông độ trì từ 7 đời 8 kiếp trước. “Rứa anh định bán không? Gút lại chưa?”. “Bán, hết phép rồi, nhưng giá đang xuống, từ đây tới tết bán được là bán”. Ông quyết liệt, bỗng nhiên hạ một câu: “Cũng khó kinh”. Gia bần sinh trí đoản. Kẹt trăm đường. Quyết định bán miếng đất cha mẹ mình ở, rồi đến lượt mình chào đời ở đó, đâu có dễ. Tiền ư, thì tiền, nhưng tiền rồi sao nữa? Ai mua được cảm xúc nhớ thương, bịn rịn, hụt hẫng, khi chỗ đứng thân quen dưới chân mình, một ngày bị dựng hàng rào, thành chỗ cư ngụ của kẻ khác? Làm thế nào để lấy lại. Duy nhất là không bán. Nhưng không bán thì lấy gì mà sống, mà trang trải?

2. Tôi tình cờ tham dự một cuộc chia đất tại một gia đình vùng đông Duy Xuyên. Vườn khá rộng. Giá đất đang sôi lên vì tác động từ một dự án gần đó. Mấy chục năm rồi, ai đụng tới làm chi, chẳng mảy may ý nghĩ mình có phần trong đó. Một bữa không biết ai tác động, chủ nhà tập hợp bầy con lại, phán: “Tau chia thành 7 phần. Tau 1 phần, 6 đứa bây 6 phần, lo tách sổ làm bìa đỏ đi. Tau chia không phải là tau muốn bán, nhưng tau sống không mấy năm nữa đâu, đất thì có giá, lỡ tau chết đi, ai biết anh em mà không xào xạc xáo xào. Thôi thì chia. Chia, nhưng tau cấm bây bán ra ngoài. Đứa mô ưng bán, thì anh em trong nhà xúm lại mua. Bây nghĩ răng đất của mình thành của thiên hạ?”.

Thằng con của ông, máu chuyện bán đất lắm, nói nhỏ: “Có sổ rồi, của tui, tui bán, sắm cái xe đi cho đã, đất để đó đâu có cạp mà ăn được!”. Tôi chắc chắn ông biết được những ý nghĩ này của đám con ông. Tụi nó lớn lên, lướt qua mọi thứ, nỗi niềm với đất thuở áo cơm vùi vạ theo rơm rạ, đâu còn. Làm sao nó hiểu, đất là nhân chứng cho bao nỗi nênh, buồn vui, là kẻ dang tay hào hiệp nhất lúc ông đối diện một mình với toan lo về cuộc đời của những đứa con đi ra từ cánh đồng quê nhưng không hề có luyến ái gì cả mùi nhớ từ ruộng đồng, ở đó hơn cả máu và nước mắt, chính là tâm sự trao truyền con người ta đừng bao giờ nuôi ý nghĩ dứt lìa nguồn cội.

Nhưng biết làm sao được… Rồi sổ đỏ cũng được chia ra, mỗi người ôm một miếng, bắt đầu mân mê những cơn mơ tỷ phú. Ai ngờ, thằng mà ông tin nhất, luôn đau đáu chuyện hương hỏa mồ mả giỗ chạp, lại là đứa đầu tiên làm ông đổ vật xuống. Không biết làm ăn ra sao, nó bể nợ. Cựa quậy, chòi đạp đã đời, hết thế, nó kêu bán. Trước khi bán, nó hỏi anh em có ai mua không? Không ai đủ tiền, thế là nó bán cái bụp liền. Một tháng sau, người ta bán lại cho người khác, đút túi lời 200 triệu. Sáng họ bán, chiều ông đi bệnh viện. Bệnh người già thì khó nói cho hết, nhưng làm sao biết ông ngã bệnh không phải vì miếng đất này?

3. Một ông tài xế Grab kể tôi nghe chuyện sau: Một đêm, 11h rồi, người quen điện ông chở gấp vợ chồng họ về quê ở một xã của Thăng Bình. Ông hỏi ngược chứ có chuyện chi mà đi gấp giờ chừ, kiểu như đi ăn trộm rứa? Cứ đi, làm ơn đi. Chiều khách quen, ông gật. Đi được một đoạn, người vợ kể, rằng ở đó đất lên kinh hoàng, từ mấy trăm triệu nay đã lên vài tỷ đồng một miếng khoảng 100m2. Kiểu ni, vài năm nữa là cả chục tỷ. Đất chung anh em trong nhà, nên ưu tiên bán cho bà con trước. Vợ chồng ông tính nát nước rồi, nên góp từ nhiều nguồn, quyết mua. Nhưng tại sao lại đi mua cái giờ trời ơi đất hỡi ni? Dạ anh ơi, giờ chừ là khuya, họ bắt đầu ngủ rồi, dựng dậy là mắt mũi ba chớp ba nhoáng, anh em thì anh em, nhưng mình phải tính, chừ vô đưa mấy tỷ bạc, thấy tiền là họ ưng liền, khỏi suy nghĩ, nhứt định họ ký bán cái rẹt, mai công chứng sớm rồi đi, chứ để ban ngày họ bình tĩnh rồi nghĩ tới nghĩ lui, lỡ không bán mà nói để đó có chi báo lại, là mình bể kèo liền... Kể tới đây, ông bình luận: “Đó, anh nghĩ đi, anh em mà tính tới mức đó, đất khiến họ không tin ai hết, là chắc chưa sách mô viết. Làm giàu hả, ai không muốn, nhưng chơi đòn tâm lý với người thân kiểu như ri, chắc chỉ có trong phim kinh dị!”.

Rồi ông kể thêm một chuyện nữa: Một người ở Bình Minh - Thăng Bình, kể, không biết thật hay giỡn, là do đất có giá, nên tình nghĩa anh em bể hết. Trước  đây đám giỗ nhà nớ là 7 mâm, chừ còn 2 mâm. Lý do là chia đất không đều, kẻ được nhiều người được ít, sinh ra gây lộn, chừ đám giỗ ông nội không ai chịu về.

Bữa tôi ghé một phòng công chứng ở Đà Nẵng, ông bảo vệ kể: “Nhà tôi ở Hòa Quý, đất trong kiệt, tre tùm lum mà nó vô mua 2 - 2,5 tỷ/100m2. Thằng em trong họ mua cả mớ, bán lại, mua cái xe sáng cóng. Dân quê hồi mô chừ làm ruộng mốc đầu, mua được cái xe, chạy cái ù tới, bấm khóa từ xa cái chít, ngất cái mặt lên trời! Bữa tôi về, hỏi cái xe mô rồi, hắn nói bể rồi, tụt hết, nợ cả đống ngân hàng. Tôi ghét, phang luôn: Chừ răng mi không… chít nữa, tham thì thâm, bụng làm dạ chịu biết mà kêu ai”.

Đất chẳng thay đổi đâu, bởi nó đâu có tham sân chi, chỉ có con người được thì ngửa mặt la trời sướng quá, thua cũng than trời ơi làm răng chừ đây. Mấy ai chịu khó ngó xuống đất, thử đọc trong im lặng sâu thẳm kia những lời nói hoặc dung dị hay mật ngôn, điều gì?

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân chứng là… đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO