Nhân chứng và những bài học sinh động - Kỳ cuối: Đúc kết những bài học giá trị

NGUYỄN ĐIỆN NAM 22/10/2021 05:50

Chiến dịch Vượt sông Tranh diễn ra trong bối cảnh miền Nam đứng lên Đồng khởi sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng nhằm phát động đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang. Nhiều bài học được đúc kết từ trải nghiệm và thẩm định của những nhân chứng lịch sử như cố Đại tá Quách Tử Hấp, Đại tá Trần Kim Anh có giá trị cho nghiên cứu không chỉ về quân sự mà còn ở các lĩnh vực khác.

Đại tá Quách Tư Hấp - Nguyên tỉnh đội trưởng Quảng Nam (bên phải) cùng đồng chí Chu Huy Mân - Nguyên Tư lệnh quân giải phóng khu 5, kiểm tra khẩu đội pháo 105 ly trên đồi Trái tim, huyện Hoà Ân, tỉnh Bình Định (3/1973). Ảnh: XUÂN QUANG
Đại tá Quách Tư Hấp - Nguyên tỉnh đội trưởng Quảng Nam (bên phải) cùng đồng chí Chu Huy Mân - Nguyên Tư lệnh quân giải phóng khu 5, kiểm tra khẩu đội pháo 105 ly trên đồi Trái tim, huyện Hoà Ân, tỉnh Bình Định (3/1973). Ảnh: XUÂN QUANG

Giá trị những bài học…

Bài học đầu tiên là việc nắm bắt lòng dân, chọn đúng địa bàn và thời cơ để đột phá khẩu.

Tỉnh ủy và Tỉnh đội Quảng Nam chọn Tiên Phước là địa bàn đột phá khẩu cho đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang với quy mô chiến dịch là vì nắm chắc được lòng dân. Nhiều người biết, hiệp định đình chiến và cuộc rút quân tập kết đã khiến ta mất địa bàn từng nắm giữ, phải “chôn súng xuống”. Kẻ thù đã gây ra tang thương và tổn thất lớn cho đồng bào, đồng chí, phá vỡ hầu hết cơ sở, giờ gây dựng lại hết sức gian nan.

Đất Tiên Phước, đã ghi bao tội ác của bọn Quốc dân đảng và bè lũ tay sai Mỹ - Diệm tàn sát nhiều gia đình cách mạng, quần chúng trung kiên và đồng bào vô tội, mà Hầm Heo, Gò Vàng… còn ghi dấu u uất.

Phải đến sau khi có Nghị quyết 15, những cán bộ trụ bám quyết “đào súng lên”, phong trào cách mạng đất Quảng mới được phục hồi. Chính vì tội ác và sự kìm kẹp của giặc quá tàn khốc nên khi bộ đội ta thâm nhập trở lại các xóm làng trên vùng chiến khu xưa, dân thấy bộ đội về thì mừng chảy nước mắt.

Mở chiến dịch vào địa bàn mà nhân dân đang khát khao giải phóng sẽ có nhiều thuận lợi, đồng thời chọn đúng điểm rơi khi mà phong trào vũ trang đánh địch bắt đầu dậy lên ở miền Nam sau đêm đen bị đàn áp, tố Cộng diệt Cộng.

Do vậy, theo Đại tá Quách Tử Hấp, khi quân ta tiến về giải phóng Lãnh - Ngọc và sau nữa là Sơn - Cẩm - Hà, đông đảo nhân dân hưởng ứng, mừng vui úy lạo cho bộ đội, chuẩn bị sẵn hàng trăm vắt cơm, ủng hộ hàng tạ gạo cho lực lượng cách mạng…

Bài học tiếp theo là việc chuẩn bị lực lượng của địa phương để phối hợp vũ trang tuyên truyền và đảm bảo hậu cần chiến dịch.

Đầu năm 1961, Huyện ủy Tiên Phước được củng cố, tiểu đội vũ trang đầu tiên của huyện ra đời với 14 đồng chí. Tiểu đội ra quân trận đầu, tập kích đèo Ba Dốc đánh tan trung đội Bảo an, diệt và làm bị thương 17 tên, bắt sống 2 tên, thu được 15 súng.

Chiến công đầu tiên này làm nức lòng đồng bào, và quan trọng là tạo được niềm tin của nhân dân vào kháng chiến. Nhiều thanh niên địa phương đã thoát ly gia nhập tiểu đội và chỉ một thời gian ngắn, tiểu đội phát triển thành trung đội, lấy phiên hiệu Trung đội 401.

Tháng 4.1961, Tỉnh ủy đã chỉ thị cho Huyện ủy Tiên Phước thành lập các đội công tác địa phương nhằm tiến hành vũ trang tuyên truyền. Đây chính là hạt nhân xây dựng cơ sở bí mật, tạo thế đứng cho lực lượng bộ đội tỉnh khi về với Tiên Phước.

Theo Đại tá Quách Tử Hấp, vấn đề móc nối cơ sở, kết hợp bộ đội chủ lực và du kích địa phương đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân cần được coi là bài học kinh nghiệm quý báu qua Chiến dịch Vượt sông Tranh. Để minh chứng điều này, ông có ghi lại hai câu chuyện rất thú vị:

“Chuyện thứ nhất: Người bắt ong

Khi vượt sông Tranh, thì có một người đi bắt ong dẫn đường. Thực ra đó là cơ sở do ông Huỳnh Anh Đào bố trí. Trong vai người bắt ong, tạo thế đi hợp pháp, linh hoạt, và nếu sau trận đánh không thắng lợi thì người ấy vẫn trở lại làm cơ sở. Chính người bắt ong đã gợi ý cho bộ đội ta cần bố trí một lực lượng giữ đầu cầu bên sông để tiêu diệt bọn phục kích.

Chuyện thứ hai: Người đưa đò

Bộ đội ta vượt sông là nhờ đội quân đưa đò của cô Ba Sừng (Trịnh Thị Kim Lan). Cũng để đề phòng chuyện liên lụy đến người dân nếu lỡ không thành công, cô Ba Sừng phải tự lén đi “lấy trộm” 5 chiếc đò (chứ không nói mượn) đồng thời vận động 8 cô gái cùng mình đưa bộ đội sang sông.

Cô Ba Sừng thực sự là con rái cá, một mình một chiếc đò lại dầm mình suốt đêm trên sông lạnh. Ở tuổi 20, Ba Sừng lúc ấy thực là cô gái mạnh mẽ, kiên cường, giàu tình nghĩa. Cô Ba cũng từng là người đội 30 ký gạo và bơi đứng sang sông để tiếp lương thực cho bộ đội”.

Thêm một bài học đúc kết quan trọng khác: từ Chiến dịch Vượt sông Tranh cho thấy thực tế chiến trường ở Quảng Nam, bộ đội địa phương cũng có thể mở chiến dịch đi kèm phát động đấu tranh chính trị, binh vận, phát động quần chúng nổi dậy làm nên thế và lực mới cho cuộc kháng chiến, mở ra cơ hội đồng khởi giải phóng, tiến về đồng bằng.

Âm vọng

Có những con người được lịch sử gọi tên làm nhân chứng ngay ở những thời khắc, sự kiện có ý nghĩa đặc biệt. Chính cuộc đời từng trải chiến chinh của họ làm cho lịch sử mang sắc màu chân thực và sống động. Đại tá Quách Tử Hấp là một con người như vậy.

Thượng tướng Nguyễn Chơn - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (bên phải) và Đại tá Quách Tư Hấp - Nguyên tỉnh đội trưởng Quảng Nam xem kỷ niệm thời chiến năm 1973 khi ông cùng đồng chí Chu Huy Mân đang kiểm tra khẩu đội pháo 105 đánh chiếm đồi Trái tim, tỉnh Bình Định.
Thượng tướng Nguyễn Chơn - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (bên phải) và Đại tá Quách Tư Hấp - Nguyên tỉnh đội trưởng Quảng Nam xem kỷ niệm thời chiến năm 1973 khi ông cùng đồng chí Chu Huy Mân đang kiểm tra khẩu đội pháo 105 đánh chiếm đồi Trái tim, tỉnh Bình Định.

Ông đã có cơ duyên là Tỉnh đội trưởng, kiêm trung đoàn trưởng “đầu tiên” khi Quảng Nam thành lập các lực lượng bộ đội chủ lực trong kháng chiến chống Mỹ, là người từng chỉ huy và sau là thuộc cấp của Thượng tướng Nguyễn Chơn, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 2 anh hùng, ghi nhiều dấu ấn ở chiến trường Quảng Nam, khu 5 nói chung và Tiên Phước nói riêng.

Với Chiến dịch Vượt sông Tranh, tuy không phải là người chỉ huy trực tiếp ở cánh quân nào, nhưng với cương vị kể trên Quách Tử Hấp nắm khá rõ từ việc bố trí lực lượng đến diễn biến chiến dịch, mà sau được đối chứng khá kỹ tư liệu cùng Đại tá Trần Kim Anh, nguyên Tỉnh đội trưởng Quảng Nam, người tham chiến trong cánh quân chủ yếu vào Lãnh - Ngọc của Tiên Phước.

Đặc biệt, vào dịp 30.10.2011, nhân 50 năm kỷ niệm Chiến dịch Vượt sông Tranh, Đại tá Quách Tử Hấp trở lại dự lễ ở Tiên Phước. Nơi đây, ông gặp lại cô Ba Sừng, người chỉ huy các cô gái lái đò sông Tranh năm xưa. Thật xúc động khi vừa gặp mặt, xa cách bao năm mà cô Ba còn nhận ngay ra ông, kêu lên thật rõ “Anh Tấn!” (bí danh của Quách Tử Hấp khi trở lại miền Nam).

Tại buổi lễ kỷ niệm, Đại tá Quách Tử Hấp đã kể những kỷ niệm ấn tượng về các cô gái lái đò, về câu chuyện người dân vắt hàng trăm nắm cơm cho bộ đội, có người úy lạo hàng tạ gạo nuôi quân. Đại tá Quách Tử Hấp đã khẳng định một cách sâu sắc rằng: “Lòng dân thật vô hạn. Công ơn của dân với cách mạng thật vô cùng. Tôi có hẹn với bà con Tiên Phước là 55 năm kỷ niệm chiến dịch Vượt sông Tranh sẽ trở về. Mà có về được không, lúc đó tôi đã ở tuổi 92, biết còn sống không?”.

Như lời tiên tri, chỉ một năm sau, ngày 9.4.2012, Đại tá Quách Tử Hấp đã ra đi vào cõi vô cùng, và mới đây Đại tá Trần Kim Anh cũng về miền mây trắng. Rất tiếc giờ đây vừa tròn 60 năm sự kiện Chiến dịch Vượt Sông Tranh vắng mặt các nhân chứng “tầm vóc” của câu chuyện một thuở hào hùng.

“Không có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử…”

Lịch sử kháng chiến của đất này có đoạn chảy qua sông Tranh, sông Tiên…

Lịch sử đã chảy qua những đời người để hòa vào dòng sông lớn của quê hương, đất nước và dân tộc.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân chứng và những bài học sinh động - Kỳ cuối: Đúc kết những bài học giá trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO