Nhân chuyện dựng tượng linh vật ở Tây Giang: "Đỏ chưa chắc là chín..."

PHÙNG TẤN ĐÔNG 27/05/2018 08:23

LTS: Quảng Nam cuối tuần, ngày 19& 20.5 đăng bài phản ánh việc dựng tượng chó đá màu trắng dọc một số trục đường chính của trung tâm huyện Tây Giang với hình mẫu chó thật cùng văn bia khắc bài thơ đã tạo nên “phản ứng không đồng thuận của một số nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa lẫn người trong cuộc”. Nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông tiếp tục gửi đến báo những chia sẻ về việc này.

Tin liên quan

  • Dựng tượng linh vật tại Tây Giang: Xa lạ với văn hóa người Cơ Tu
Tượng chó cùng bài thơ ở trung tâm huyện tây Giang.
Tượng chó cùng bài thơ ở trung tâm huyện tây Giang.

1. Trước hết cần có một cái nhìn thực sự cầu thị về việc hiện thực hóa truyền thuyết dân gian thông qua tác phẩm nghệ thuật để thể hiện niềm tự hào về cội nguồn văn hóa của những người thực hành văn hóa. Thế nhưng sự việc hay sự kiện trên cũng bộc lộ nhiều vấn đề hàm chứa nhiều ngộ nhận về vật tổ (tô-tem) và truyền thuyết - một câu chuyện khá dài dòng về dân tộc học hay nhân học văn hóa, văn hóa học. Nhà dân tộc học Nguyễn Tri Hùng hoàn toàn có lý khi phân biệt giữa truyền thuyết và tín ngưỡng hay tôn giáo bởi sự sai biệt hay tính không đồng nhất của truyền thuyết - trong nội dung tự sự giữa cộng đồng các dân tộc cùng cư trú trên một địa bàn cũng như các nhóm nhỏ trong chính cộng đồng một dân tộc nào đó. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì tục thờ chó - lấy hình tượng chó làm đối tượng thờ cúng, việc thần thánh hóa hình tượng chó (như người Kinh vùng Hát Môn - Hà Nội tôn xưng là quan Hoàng Thạch), thì người xưa đã có bước nhân hóa, nghĩa là đã khoác lên một lớp phủ văn hóa cho linh vật; trước hết thần thánh vốn là con người, sau những sự kiện, hành động đặc biệt nào đó mới hóa thân thành vật linh chứ không coi chó như một tín ngưỡng, một đối tượng thờ cúng mang tính tôn giáo.

Trong đời sống văn hóa người Việt, hình ảnh con chó cũng thể hiện những ý nghĩa đối nghịch. Trước hết, chó được xem như một hóa thân của thần linh, là đối tượng thờ cúng. Tục thờ chó đã có lịch sử lâu đời ở nước ta. Theo quan niệm của người Việt, chó được coi là phần dương, muốn canh giữ phần âm thì phải “nuôi” chó đá. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” ghi chép về trấn Thanh Hoa có viết: “Ngoài cửa nghi môn có hai con chó ngao bằng đá rất thiêng” (Phan Huy Chú - Lịch triều hiến chương loại chí - NXB Giáo dục, H. 1960, tr. 48). Học giả Đào Duy Anh cho biết việc chó đá được dùng làm vật trấn yểm tà khí khi làm nhà: “Xưa kia, cửa ngõ thường không làm đúng chính giữa nhà và sân để người ngoài đừng nhìn thẳng vào trung tâm nhà. Người ta cũng thường kiêng không để cho có con đường đâm thẳng vào nhà, hay có đền chùa trước nhà. Nếu bất đắc dĩ không tránh được những điều kỵ ấy thì người ta chôn trước nhà một con chó đá hay là treo một cái gương ở trên cửa chính để yểm tà khí” (Đào Duy Anh - Việt Nam văn hóa sử cương - NXB TP.Hồ Chí Minh, 1992, tr. 198). Trong việc thần thoại hóa hình tượng chó, có nhiều sự tích như việc chó là hồn thiêng của người em vốn đoan chính nhưng bị người anh nghi oan dan díu với chị dâu nên giết đi và mắng “mày là con chó”; hay chó là con vật có tài tiên tri bởi “chó đá” đã biết vẫy đuôi mừng rỡ khi gặp cậu học trò sắp đỗ đạt.

 Tại Chùa Cầu (Hội An) có thờ hai cặp linh vật là khỉ và chó với nhiều cách lý giải khác nhau. Giai thoại dân gian cho rằng vì khởi công năm Thân, hoàn thành năm Tuất nên dựng tượng để ghi dấu tích thời gian. Ý khác cho rằng có liên quan đến tín ngưỡng thờ linh thú của người Nhật trong các ngôi đền Thần Đạo còn theo các bậc cao niên thì đó là vật trấn yểm dựa theo phong thủy.

2. Một số dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên đều có truyền thuyết về chó tương tự như dòng họ Zơrâm. Chuyện kể về thuở hồng hoang có một trận lụt lớn tiêu diệt hết muôn loài, chỉ còn một cô gái và một con chó sống sót nhờ trốn vào một chiếc trống. Cô gái sống với chó như vợ chồng, sinh hai người con, một trai một gái. Lớn lên, người con trai xuống đồng bằng, cô gái ở miền núi. Cuối cùng họ gặp và lấy nhau, sinh ra một quả bầu. Từ quả bầu đó, người Cơ Tu, người Bru, người Tà Ôi, người Kinh ra đời…
Nhà nhân học Lévi-Strauss trong bài viết “Dẫn nhập vào sự nghiệp nghiên cứu của Marcel Mauss, 1950” đã phân biệt giữa “tư duy biểu tượng” và “tư duy hoang dại”. Nếu tư duy biểu tượng của con người - nói như Freud là “vô thức nhận thức” xuất hiện trong sự phát sinh của xã hội, đời sống xã hội thì tư duy hoang dại “là một thao tác biểu tượng của tinh thần con người nhằm tổ chức thực tại như là một tổng thể, không thông qua giai đoạn cắt xén và phân tích, nó bổ sung hơn là đối lập với tư duy bị thuần hóa (domestique) tức tư duy khoa học” (L. Strauss - Định chế tôtem hiện nay - NXB Tri thức, H.2017, tr. 28).

Cũng theo L. Strauss, tư duy hoang dại là một phương pháp tư duy phổ biến và phi thời gian và do đó tư duy hoang dại tiếp tục hoạt động trong mọi thời đại và trong mọi xã hội, kể cả ở phương Tây hiện đại. Và một luận điểm hết sức quan trọng của L. Strauss được đông đảo các nhà dân tộc học tán thành: “tư duy hoang dại là một tư duy xếp loại (classificatoire). Nó nắm bắt các hình thái của thực tại trong tổng thể của chúng để phân loại (catégoriser) và đặt tên các hiện tượng văn hóa thông qua sự tương tự với tự nhiên” (sđd, tr.28). Qua khảo sát, việc đặt tên cho các nhóm người được xây dựng dựa trên thân tộc, việc đặt tên này được tiến hành bằng nhiều cách trong đó có việc dùng đến tên thú vật và thực vật, mặt khác đó là vấn đề “đồng nhất hóa” con người với thú vật hoặc thực vật. Như vậy, các định chế tô-tem là không thuần nhất và không thể giản quy - theo L.Strauss - “cái gọi là định chế tô-tem không tồn tại mà chỉ là một “ảo tưởng” (sđd, tr. 44, 45). Định chế về vật tổ khó có thể thống nhất giữa các nhóm và nên xem xét sự “khác biệt giống nhau” tức cái sai biệt giữa bình diện tự nhiên (các tô-tem) và bình diện văn hóa (các nhóm).

Như vậy, việc “xác định” vật tổ nên trả về một giai đoạn lịch sử mà ở giai đoạn đó việc định danh “vật tổ” thuần mang chức năng phân biệt, phân loại giữa các nhóm cộng đồng nhỏ lẻ một cách hồn nhiên (dựa theo tự nhiên) nằm trong ký ức dân gian, được trao truyền như một truyền thuyết về việc hình thành tộc người. Chưa nói đến việc trong tâm thức của nhiều dân tộc, “chó” là một biểu tượng luôn mang ý nghĩa đối nghịch, vừa là “thiên thần” (sự thủy chung, tình nghĩa, sự vâng phục, sự yêu quý, sự thính nhạy…) vừa là “ác quỷ” (xấu xa, bệnh hoạn, bẩn thỉu, lươn lẹo, háu dục…).

Cuối cùng, có lẽ nên tạo điều kiện để các nghệ nhân dân gian thể hiện hình tượng chó trên gươl với chất liệu gỗ và sơn như truyền thống tạo hình của dòng họ Zơrâm nói riêng hay người Cơ Tu nói chung vì hình tượng ấy là “cái biểu đạt” cho truyền thuyết từ bao đời nay chứ đừng bao giờ mang vật liệu đá từ đồng bằng lên, và tạc tượng theo “nhãn quan” người đồng bằng, và “ngại” nhất là kèm bia đá tạc thơ (cũng kiểu người đồng bằng). Rốt cục, vấn đề là có phải xem đó là những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật không, chứ xin đừng như tượng 12 con giáp ở Hòn Dáu (Hải Phòng) mà báo, đài “bàn thảo” vừa qua…

PHÙNG TẤN ĐÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân chuyện dựng tượng linh vật ở Tây Giang: "Đỏ chưa chắc là chín..."
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO