Gắn kết cộng đồng, phát huy truyền thống và hướng tới những bước phát triển ở tương lai,… là thông điệp mà Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Đông Giang lần thứ II tiếp tục hướng tới.
Giữa đại ngàn xanh thẳm, tình yêu núi rừng, lòng khao khát hòa bình cố kết những người con các dân tộc thiểu số, giữa mối tình Kinh - Thượng từ bao đời nay. Mối tình ấy không chỉ in sâu trong ký ức của dân làng mà còn được khắc họa đậm nét trong từng trang sử vàng của địa phương. Sức mạnh đoàn kết đã giúp bản làng đi qua khói lửa chiến tranh, vùng lên đánh giặc. Sức mạnh đoàn kết trở thành nguồn nội lực để Đông Giang hôm nay đủ niềm tin thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa...
Phát huy sức mạnh cộng đồng, công tác bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc được đồng bào vùng cao Đông Giang chú trọng. Ảnh: N.P |
Dấu ấn kết đoàn
Già làng Y Kông - nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang vẫn còn nhớ những tháng ngày cùng đồng bào chở che, nuôi giấu và đi theo cách mạng đấu tranh chống giặc. Chia nhau từng củ sắn, củ khoai, những chiến công lần lượt được lập nên bằng tình đoàn kết, đồng lòng đứng lên chống giặc. Những trận đánh lớn ở vùng Trung Mang, Arooih, xã Tư... vang dậy khắp núi rừng. Tình đoàn kết trong những năm kháng chiến đó đã sản sinh ra những anh hùng của làng như: Anh hùng Alăng Bảy, Alăng Phát (xã Sông Kôn); Arất Đuôl (xã Arooih)… Các tộc trưởng của buôn làng đi theo tiếng gọi cách mạng đã giương cao ngọn cờ đoàn kết, tập hợp dân làng đứng lên tranh đấu. Ngọn lửa của những tháng ngày đồng lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, là bước khởi đầu cho tình đoàn kết bền chặt ngày hôm nay, biến vùng đất Đông Giang trở thành một trong những căn cứ cách mạng vững chắc dưới sự chở che, đùm bọc, kiên cường, bất khuất của đồng bào. Con đường đi đến thắng lợi cuối cùng tạo nên từ hàng trăm, hàng nghìn câu chuyện cảm động giữa thời đói cơm, thiếu muối, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cà răng, căng tai, đóng khố của cán bộ người Kinh sẽ không bao giờ mất đi trong ký ức bản làng. Như sinh thời, già làng Bhơriu Prăm đã nói: “Nếu không có tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em, giữa cán bộ người Kinh và đồng bào bản địa, giữa quân và dân,… khó lòng giành được những chiến công vang dội trong quá khứ. Đó chính là biểu tượng của sự gắn kết bền chặt không thể nào lay chuyển trong cộng đồng các dân tộc anh em”.
Làm lúa nước ở vùng cao Đông Giang. |
Một trong những nét son trong những tháng ngày chung tay tranh đấu là sự ra đời của tờ báo “Gung Dưr” (Vùng lên) bằng hai thứ tiếng phổ thông và Cơ Tu do đồng chí Quách Xân phụ trách. Tờ “Gung Dưr” đưa những chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng, Liên ủy khu 5, của Tỉnh ủy và Ban cán sự miền Tây đến với đồng bào; vận động đoàn kết, tăng gia sản xuất, phòng và chữa bệnh, dạy chữ, tuyên truyền xóa bỏ những tập tục lạc hậu tồn tại từ lâu trong cộng đồng làng bản. Dấu ấn của tình đoàn kết đó tiếp tục phát huy theo thời gian bằng những ngày hội kết nghĩa, bằng hàng loạt hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong xây dựng và phát triển sản xuất, cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc huyện Đông Giang. Có thể kể đến việc người dân thôn Tu Ngung hiến đất giúp hàng chục hộ dân thôn A Điêu (xã Arooih) về tái định cư; hoặc các làng bản xã Sông Kôn kịp thời hỗ trợ, động viên người dân thôn Bút Tưa sau sự cố xảy ra trong làng; đồng bào thôn Aréh và Đhrôồng (xã Tà Lu) đồng lòng kết nghĩa anh em, gìn giữ bản sắc văn hóa...
Sinh khí mới
Qua 5 năm thực hiện quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Đông Giang lần thứ I, các chính sách lớn cho đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ: hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 917 gia đình chính sách nghèo; gần 5,6 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất; giao khoán hơn 20 nghìn héc ta rừng cho 36 cộng đồng với 1.272 hộ tổ chức sản xuất, giao gần 30 nghìn héc ta rừng tự nhiên cho gần 3.000 hộ quản lý, bảo vệ; đầu tư 583 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi, điện lưới, nước sinh hoạt,… Mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 4,9 triệu đồng (năm 2009) lên gần 9 triệu đồng (năm 2013). |
Về vùng cao Đông Giang hôm nay, điện đường trường trạm dần hoàn thiện, mang về luồng sinh khí mới, xóa bỏ dần những ám ảnh về một thời gian khó ngày xưa. Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp rất lớn từ cộng đồng, tạo nên bước chuyển mình cho vùng cao. Ông Lê Văn Luyến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đông Giang cho biết: “Nhờ tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân mà các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương được thực hiện thắng lợi. Không chỉ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, một đời sống văn hóa mới đang được hình thành nhờ sự chung tay, gắn kết ở cộng đồng. Đặc biệt với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hàng loạt tấm gương điển hình trong việc tình nguyện đóng góp tài sản xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cho hộ thiếu đất làm nhà ở đã xuất hiện ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện. Đó là tấm gương của già Arất Blươi (thôn A Điêu), hộ Arất Biếp, Arất Nhớ, Arất Hùng (thôn A Bung, xã Arooih); những hộ dân ở khu dân cư số 1 thôn Bút Tưa hiến đất làm tái định cư cho 17 hộ dân trong làng... Nhiều tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi trở thành điển hình để bà con học tập, như: hộ ông Zơrâm Đêl (thôn Rà Vả, xã A Ting); Alăng Den (thôn Aram 1, xã Jơ Ngây); Alăng Thị Koót (thôn A Zal, xã Ma Cooih)... Ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: “Chú trọng phát huy nội lực của cộng đồng, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của, Đông Giang đã từng bước triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đã có một xã đạt 11/19 tiêu chí, 6 xã đạt từ 5 - 6 tiêu chí; đời sống của người dân ngày càng được cải thiện”.
Vang vọng đến hôm nay là quyết tâm chung sức, đồng lòng thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện; đoàn kết, xây dựng quê hương. Nhìn lại quá khứ với lòng ngưỡng vọng, hướng về tương lai bằng niềm tự hào, một sức sống mới đang từng ngày được viết nên giữa vùng cao. Giữa những ngày biển Đông sôi sục, hàng nghìn trái tim của đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Đông Giang cũng đang hướng về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. “Các dân tộc thiểu số huyện Đông Giang cật lực lên án Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại biển Đông. Chúng tôi nguyện chung sức, đồng lòng quyết tâm cùng toàn dân tộc Việt Nam bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do của đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Lời quyết tâm thư của đại hội cũng chính là ý chí và niềm tự hào về chủ quyền lãnh thổ, về Tổ quốc anh hùng…
Niềm tin kết đoàn, ngọn lửa của tình anh em sẽ là động lực, là điểm tựa cho vùng cao đi lên, vượt qua những khó khăn quá khứ, những thách thức hiện tại, hướng đến những bước phát triển cho ngày mai, và cho muôn đời sau...
ALĂNG NGƯỚC - PHƯƠNG GIANG