Nhàn đàm hai chữ "tả chân"

LIÊU HÂN 28/07/2018 08:11

Văn học có một giai đoạn rất chuộng nghệ thuật tả chân. Người ta muốn mọi sự kiện, mọi tình huống đều phải được phơi bày dưới ngòi bút càng cụ thể, càng tỉ mỉ càng tốt. Nhiều người tin chắc rằng chỉ mô tả như thế mới lột tả được bản chất  sự vật. Những gì mang tính hàm ẩn, gợi ý đều bị bỏ qua, xem như không đáng để bàn đến.

MInh họa: HIỂN TRÍ
MInh họa: HIỂN TRÍ

Ấy vậy mà thực tế lại thường đi ngược lại với những suy nghĩ đó. Khi mô tả càng cụ thể, càng tỉ mỉ thì sự vật càng trở nên thô thiển, tầm thường. Một bức tranh vẽ chân dung bằng sơn dầu hay mặc họa vẫn luôn đẹp hơn hơn một bức ảnh chụp chân dung, dù chân dung đó có qua sự chỉnh sửa của photoshop. Người ta có thể bỏ ra hàng trăm triệu để mua một bức tranh vẽ chậu hoa, dù chậu hoa thực chỉ đáng giá có mấy trăm ngàn!

Rất nhiều người bảo rằng khi đến một bãi biển tắm khỏa thân, thì họ không còn cảm hứng về dục tính nữa. Cảnh vật dưới ánh trăng mơ hồ vẫn luôn hấp dẫn hơn cảnh vật hiện rõ ra dưới ánh nắng chói chang. Ấy là vì óc tưởng tượng luôn mở rộng những chân trời bao la hơn lý trí và đem lại cho con người nhiều cảm hứng hơn. Nghệ thuật thưởng lãm theo kiểu “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời) hay “huyền ngoại chi âm” (âm thanh ngoài dây đàn) vẫn có giá trị ngàn đời. Những người thích sự rạch ròi của ngữ pháp hẳn phải bối rối khi “phân tích” câu thơ lơ lửng của truyện Kiều:

Mai sau, dù có bao giờ ...

hoặc câu thơ tả cảnh biệt ly:

Người lên ngựa, kẻ chia bào,

Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san.

Không tả Thúc Sinh, chẳng tả Thúy Kiều, không hề nói đến chuyện chia tay nhưng nỗi buồn biệt ly lại bàng bạc mênh mông trong câu thơ và man mác trong lòng người đọc. Đó mới là đỉnh cao của nghệ thuật tả chân. Người ta thường lầm lẫn nghệ thuật tả chân với cách tả thực thô thiển. Chỉ cần một ánh mắt đưa duyên theo kiểu “hai kiều e lệ nép vào dưới hoa” là tình yêu đã tượng thành, chứ đâu cần phải phải cầm tay nhau đến đăng ký trước ủy ban nhân dân phường thì mới gọi là tình yêu  đích thực. Ấy vậy mà vẫn có người cho rằng phải là như thế mới mô tả đúng sự thật!

Tôi nhớ hồi học lớp nhì (lớp 4 bây giờ), có bài tập đọc, trong đó tác giả tả cảnh mình đi xe đạp bị lủng lốp, phải tìm đến một bác thợ vá xe trên vỉa hè. Thầy giáo phân tích cảnh ế khách của bác thợ vá xe già qua câu: “Thấy tôi tới, mắt bác sáng lên” mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi. Tả cảnh ế khách qua đôi mắt sáng, thật là tuyệt diệu. Ế khách nên khi có khách đến là mừng rỡ, và niềm vui biểu hiện qua ánh mắt.

Chỗ cực bút của nghệ thuật tả chân cũng thế. Muốn tả cảnh yến tiệc phóng đãng của nhà vua thì chỉ tả cảnh say túy lúy của bề tôi hầu rượu, cũng như muốn ca ngợi vẻ đẹp của cô chủ thì chỉ tả nét kiều diễm của con hầu. Tôi tình cờ đọc một bài thơ thuộc loại này. Đọc cả chục lần mới “ngộ” ra đây là bài thơ tả con chim hạc, dù toàn bài chẳng có một chữ hạc nào. Đây là bài thơ của đại sư Tô Mạn Thù (1884 - 1918). Ông là người đất Quảng Đông, tên thật là Tử Cốc, xuất gia lấy pháp hiệu Mạn Thù. Ông là nhà văn, nhà thơ, lại có tài hội họa, đồng thời là một dịch giả nổi tiếng cuối đời Thanh. Bài thơ nhan đề là Đề họa (đề cho bức tranh) vịnh con chim hạc trong tranh. Đây có lẽ là bức tranh vẽ con chim hạc bay về dưới gốc tùng để nghe một ẩn sĩ đánh đàn. Toàn bài như vầy:

Hải thiên không khoát cửu cao thâm,

Phi hạ tùng âm thính cổ cầm.

Minh nhật phiêu nhiên hựu hà xứ?

Bạch vân dữ nhĩ cộng vô tâm.

Đại khái bài thơ có nghĩa như thế này: Từ nơi đầm  nước xa xôi giữa biển trời bao la lồng lộng, mi bay về đây đứng dưới bóng thông để nghe tiếng đàn cổ cầm. Hôm sau, lại nhẹ nhàng bay đi không biết đến phương nào. Mi hồn nhiên vô tâm như những đám mây trắng bay trên trời. Dịch thơ:

Từ nơi đầm nước xa xăm,

Bay về nghe tiếng cổ cầm, dưới thông,

Hôm sau nhẹ cánh phiêu bồng,

Rong chơi theo đám mây hồng, vô tâm.

Cao là đầm nước. Cửu cao chỉ những đầm nước ở xa xôi. Thiên Hạc minh trong Kinh Thi có câu: “Hạc minh ư cửu cao, thanh văn ư dã” (hạc kêu nơi đầm nước xa xôi, tiếng kêu vang vọng nơi đồng nội). Cho nên cửu cao dùng để chỉ chim hạc hoặc ẩn sĩ thanh cao thoát tục. Chính nhờ hai chữ cửu cao mà tôi mới nhận ra đây là bài thơ vịnh con chim hạc. Đàn cầm, còn gọi là cổ cầm, là một loại nhạc cụ nổi tiếng của Trung Quốc từ thời cổ đại. Bài thơ hoàn toàn không có một chữ hạc, nhưng khi hiểu, ta lại thấy hình ảnh chim hạc bay trong từng câu chữ.

Có một câu chuyện tiếu lâm cũng khiến tôi liên tưởng đến nghệ thuật tả chân.

Hai chàng trai đi đạo chơi trên hè phố. Đến gần một trạm xe buýt, chợt có một cô gái tuyệt đẹp từ trên xe bước xuống. Một anh đưa tay chỉ, kêu lên:

- Ông nhìn kìa, cô gái vừa bước xuống xe trông đẹp quá chừng.

Anh kia trố mắt nhìn theo, rồi đáp:

- Chiếc xe nào?

Tả nhan sắc của cô gái như thế cũng là cao thủ tả chân!

LIÊU HÂN 

(1) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhàn đàm hai chữ "tả chân"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO