Nhân dân giám sát Đảng

KIẾN TÂN 10/09/2014 08:42

Hiến pháp 2013 đã làm rõ mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, trách nhiệm, nghĩa vụ của Đảng đối với nhân dân, song song đó là vai trò và trách nhiệm của nhân dân đối với hoạt động của Đảng.

Diễn đàn “Nhân dân góp ý xây dựng đội ngũ cán bộ công chức” được MTTQ TP.Tam Kỳ duy trì, tạo cầu nối giữa nhân dân với Đảng, chính quyền. Ảnh VINH ANH
Diễn đàn “Nhân dân góp ý xây dựng đội ngũ cán bộ công chức” được MTTQ TP.Tam Kỳ duy trì, tạo cầu nối giữa nhân dân với Đảng, chính quyền. Ảnh VINH ANH

Điều 4, Hiến pháp 2013 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Trước đây, thông qua MTTQ, nhân dân đã thực hiện quyền giám sát của mình trong đó có giám sát Đảng, nay điều này được Hiến pháp 2013 hiến định rõ. Đồng thời một trong những chức năng của MTTQ mà Hiến pháp 2013 quy định là “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân” (Điều 9). Do đó, mặt trận phải lắng nghe nhân dân nói, rồi truyền đạt đến những địa chỉ cần thiết để các cấp lãnh đạo có thể tiếp nhận thông tin. Đồng thời mặt trận theo dõi việc giải quyết, trả lời của các cấp và có trách nhiệm phản hồi cho nhân dân rõ.

Sự hiến định vai trò của Đảng trong Hiến pháp 2013 không chỉ ở địa vị pháp lý mà còn là trách nhiệm pháp lý của Đảng đối với nhân dân, với Nhà nước và xã hội. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, nhân dân là người làm chủ, để Đảng ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng phải chịu sự giám sát của nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân. Chỉ có như vậy Đảng mới thực sự xứng đáng là người lãnh đạo, người tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc.

“…Giám sát và phản biện xã hội là nhằm tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng và giữa nhân dân với Nhà nước. Giám sát, phản biện xã hội càng tốt, càng hiệu quả thì Đảng càng mạnh, Nhà nước càng trong sạch, khối đại đoàn kết toàn dân càng được tăng cường, chế độ xã hội càng vững chắc. MTTQ Việt Nam các cấp phải có trách nhiệm theo dõi, phát hiện, xem xét, đánh giá kiến nghị nhằm tác động đối với cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phải làm thắng lợi mục đích thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam là nhằm góp phần xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, để cơ quan nhà nước, chính quyền tăng cường công tác quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, khắc phục những yếu kém trong quản lý, điều hành phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, thực sự là chính quyền “của dân, do dân và vì dân”.

MTTQ Việt Nam các cấp cần quan tâm hơn cho công tác phản ánh và giám sát việc giải quyết các bức xúc, các vấn đề nổi cộm trong nhân dân như công tác giải phóng mặt bằng, quản lý tài nguyên khoáng sản, chính sách đền ơn, đáp nghĩa và các chính sách xã hội, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, các hiện tượng tiêu cực xã hội…”.

(Trích phát biểu của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2014 - 2019)

Chính phủ - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam từng có Nghị quyết liên tịch số 05/2006/NQLT-CP-UBTƯ MTTQVN ngày 21.4.2006 về việc ban hành Quy chế “MTTQ Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”. Mục đích của việc thực hiện quy chế này là giúp cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và tổ chức đóng trên địa bàn cấp xã nắm chắc hơn tình hình cán bộ, công chức, đảng viên thuộc diện mình quản lý về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, quan hệ với dân. Trên cơ sở đó có hướng bồi dưỡng, sử dụng cán bộ tốt hơn; phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, quan liêu xa dân, thiếu trách nhiệm với dân; kịp thời giáo dục, xử lý những cán bộ, công chức, đảng viên có sai phạm, góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên. Đặc biệt là thông qua hoạt động giám sát để nâng cao vai trò và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Tại Quảng Nam, đại diện nhân dân, vai trò giám sát của mặt trận được thể hiện trong việc giám sát cán bộ công chức cũng như góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Mặt trận các cấp đã củng cố và phát huy vai trò giám sát của Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng. Đến nay, 244 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều thành lập Ban thanh tra nhân dân, qua đó, mỗi năm hàng trăm vụ việc của địa phương được giám sát, qua đó, nhiều sai phạm đã được phát hiện, báo cáo lên chính quyền cấp xã xử lý. Đặc biệt, mặt trận các cấp đã tổ chức giám sát cán bộ, đảng viên gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; tổ chức tốt các diễn đàn nhân dân góp ý, đối thoại… xây dựng Đảng, chính quyền.

Sau khi Hiến pháp 2013 thông qua, ngày 12.12.2013 Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Quyết định 217, 218-QĐ/TW về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Do đó, cần khẩn trương ban hành những cơ chế cụ thể để quyền giám sát của dân đối với Đảng và nội dung Đảng “chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” đi vào cuộc sống. Đồng thời tăng cường tuyên truyền nội dung Hiến pháp 2013, giúp nhân dân hiểu rõ để thực thi quyền giám sát của mình, tạo môi trường để nhân dân mạnh dạn, chủ động góp ý trực tiếp cho Đảng hoặc thông qua MTTQ hay các tổ chức đại diện khác.

HỎI - ĐÁP HIẾN PHÁP

- Hỏi: Thẩm quyền trình, kiến nghị các dự án luật, dự án pháp lệnh được quy định như thế nào?

- Trả lời: Hiến pháp năm 2013 quy định về thẩm quyền trình, kiến nghị các dự án luật, dự án pháp lệnh như sau:

1. Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

2. Đại biểu Quốc hội có quyền trình, kiến nghị về luật, pháp lệnh và dự án luật, dự án pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Hỏi: Quy định luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thông qua khi nào?

- Trả lời: Hiến pháp năm 2013 quy định về việc thông qua luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như sau:

1. Luật, nghị quyết của Quốc hội phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành; trường hợp làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải được quá nửa tổng số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành.

2. Luật, pháp lệnh phải được công bố chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày được thông qua, trừ trường hợp Chủ tịch nước đề nghị xem xét lại pháp lệnh.

Hỏi: Vị trí, vai trò của Chủ tịch nước được quy định như thế nào?

- Trả lời: Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.
Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước. (BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG)

KIẾN TÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân dân giám sát Đảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO